| Hotline: 0983.970.780

Xây nền tảng lâu dài từ rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng

Thứ Bảy 10/12/2022 , 09:51 (GMT+7)

PHÚ YÊN Tỉnh Phú Yên đã và đang ưu tiên đầu tư, xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng nhằm phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, giá trị cao...

Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên tổ chức tọa đàm “Phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng” và triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông tại tỉnh Phú Yên.

Empty

Đông đảo đại biểm tham gia Tọa đàm “Phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng” tại TP Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: Hoài Nam.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia lâm nghiệp của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giới thiệu hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS), các bước thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững, những khó khăn, thách thức và giải pháp thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng tại tỉnh Phú Yên.

Phấn đấu rừng gỗ lớn chiếm 10% diện tích trồng rừng hàng năm

Theo Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; trồng rừng gỗ lớn đang gặp khó khăn nhất định do chưa được nhiều chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, gỗ rừng trồng có chứng chỉ sẽ được nhiều doanh nghiệp thu mua và giá bán cao hơn từ 15 - 20% so với gỗ của rừng trồng thông thường. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cho người trồng rừng, mà đặc biệt hơn là sản phẩm gỗ của tỉnh thâm nhập được vào thị trường quốc tế với giá trị cao.

Empty

Các đại biểu tham quan mô hình trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Hoài Nam.

Đây là điều kiện quan trọng để ngành lâm nghiệp phát triển ngày càng bền vững hơn. Việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã được cụ thể hóa tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg.

Mục tiêu Đề án là quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Các khu rừng thực hiện quản lý rừng bền vững đáp ứng tối thiểu khoảng 80% nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Từ đây góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người làm nghề rừng và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lâm nghiệp.

Tại tỉnh Phú Yên, đến nay đã có 11 đơn vị chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với diện tích gần 136.400ha (trong đó có 5 ban quản lý rừng phòng hộ và 2 ban quản lý rừng đặc dụng). Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 11.757ha. Năm 2019, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng thực hiện đến giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết: Diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay khoảng 3.567ha. Các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục rà soát quỹ đất có điều kiện phù hợp để phát triển trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Mục tiêu của tỉnh mỗi năm trồng rừng gỗ lớn đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng rừng.

Những điểm sáng bước đầu của mô hình rừng gỗ lớn

Tại chương trình tọa đàm, đã giới thiệu hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFCS, các bước thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững, những khó khăn, thách thức và giải pháp thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng tại tỉnh Phú Yên, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó là việc kết nối nhà quản lý, nhà khoa học, chủ rừng và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ nhằm phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn và rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Empty

Rừng gỗ lớn sau hơn 2 năm trồng của hộ ông Nguyễn Phước, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Ảnh: Hoài Nam.

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp thực hiện dự án “Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận”.

Dự án được thực hiện tại trên 95ha tại các xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện miền núi Đồng Xuân và Sơn Hòa. Mô hình thuộc dự án bước đầu triển khai, còn thời gian rất dài mới đến giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, so với canh tác rừng truyền thống, hiệu quả kinh tế được đánh giá cao hơn; giảm lượng giống, giảm chi phí công trồng, bón phân, chăm sóc, giá trị kinh tế sản phẩm (gỗ) cao…

Tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), gia đình ông Nguyễn Phước đã được cơ quan khuyến nông đầu tư giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật thực hiện trồng 1ha rừng gỗ lớn. Ông Nguyễn Phước cho biết, với 1.660 cây giống keo lai mô dòng PV75, gia đình đã tổ chức trồng với khoảng cách bình quân 2,5m/cây. Tỷ lệ cây sống đạt 98%. Sau hơn 2 năm trồng, nhờ giống sạch bệnh và bón phân hợp lý, rừng cây của ông Phước đang phát triển gấp đôi so với các mô hình lân cận.

“Trồng rừng keo gỗ lớn với nguồn giống đảm bảo nên không có sâu bệnh, nhân công và vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với trồng cây làm bột giấy. Cây gỗ lớn phải 8 năm mới thu hoạch nhưng việc bán gỗ sẽ đem lại giá trị lợi nhuận lớn. Tôi thấy mô hình làm ăn này rất triển vọng, nhất là khi được hỗ trợ tố đa các chứng nhận quản lý gỗ rừng trồng”, ông Phước nói.

Empty

Giới thiệu chương trình hỗ trợ phát triển bền vững trồng rừng gỗ lớn tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Ảnh: Hoài Nam.

Tại rừng keo của ông Nguyễn Vinh, xã Xuân Quang 2, cây được trồng thưa (quy cách 2,5m x 2,5m) nhưng có tốc độ phát triển nhanh sau khoảng 1 năm trồng. “Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về giống và phân bón, gia đình tôi mạnh dạn trồng keo lai cấy mô và thấy phát triển rất nhanh. Chúng tôi cố gắng thực hiện đúng cam kết không khai thác sớm, vì theo tôi tính toán, việc để cây keo phát triển khoảng 10 năm sẽ có giá trị kinh tế hơn so với việc khai thác keo 4 - 5 năm tuổi như cách làm trước đây. Nếu được hỗ trợ, tôi vẫn quyết định trồng rừng gỗ lớn”, ông Vinh nói.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, Phú Yên hiện đã có trên 102.200ha rừng trồng, trong đó, khoảng 40.000ha là do hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý. Tuy nhiên, các diện tích rừng này được quản lý thiếu bền vững, dẫn đến năng suất và chất lượng rừng bị suy thoái nghiêm trọng. Vì vậy, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng trồng gỗ lớn trong điều kiện hiện nay sẽ là nền tảng mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho các chủ rừng và ngành lâm nghiệp.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.