Như Báo Nông nghiệp và Môi trường đã thông tin, sáng 11/7, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã chính thức tuyên án đối với 41 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu”, “Vi phạm quy định về kế toán” và các tội danh liên quan, xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn cùng nhiều đơn vị tại Vĩnh Phúc (cũ), Quảng Ngãi, Phú Thọ.
Đây là một trong những đại án tham nhũng có quy mô rộng lớn, với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hàng loạt cán bộ cấp cao tại nhiều địa phương, làm thất thoát đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Doanh nghiệp thao túng, chính quyền tiếp tay
Theo nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX), hành vi của các bị cáo không chỉ gây tổn hại đến tài sản công, mà còn làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người từng giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt tại các tỉnh. Đây là biểu hiện điển hình cho sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những người mà đáng lẽ ra phải là tấm gương về kỷ cương và liêm chính.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (11/7). Ảnh: Minh Anh/Báo Dân trí.
HĐXX khẳng định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền, đe dọa sự tồn vong của chế độ ở từng địa phương. Việc cố ý can thiệp, thao túng quy trình pháp lý và hành chính để đổi lấy lợi ích cá nhân đã khiến các quy định về đầu tư, đấu thầu, định giá đất đai trở nên méo mó, thiếu minh bạch, tạo ra một môi trường đầu tư rủi ro, lệch chuẩn và mất công bằng trong phân bổ nguồn lực phát triển.
Bản án xác định Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn là người chủ mưu, giữ vai trò trung tâm, tạo điều kiện và khởi phát cho toàn bộ chuỗi hành vi phạm tội. Không chỉ đưa hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, bị cáo Hậu còn trực tiếp điều hành mạng lưới liên kết với các lãnh đạo ở nhiều tỉnh, qua đó hợp thức hóa các sai phạm trong đầu tư dự án.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu (mặc áo đen) tại phiên tòa sáng ngày 11/7. Ảnh: Minh Anh/Báo Dân trí.
Tòa tuyên bị cáo Nguyễn Văn Hậu tổng mức án 30 năm tù cho ba tội danh: “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Đáng chú ý, Tập đoàn Phúc Sơn đã khắc phục toàn bộ thiệt hại, thậm chí vượt quá nghĩa vụ phải khắc phục. HĐXX ghi nhận bị cáo Hậu và các cộng sự trong tập đoàn có thái độ khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, góp phần làm sáng tỏ vụ án, là tình tiết giảm nhẹ, nhưng với hành vi đưa hối lộ, mức án vẫn phải áp dụng ở khung nghiêm khắc.
Suy thoái cán bộ, bào mòn niềm tin
Cùng với Nguyễn Văn Hậu, một loạt lãnh đạo cấp tỉnh và sở ngành tại Vĩnh Phúc (cũ) và Quảng Ngãi đã nhận hối lộ với số tiền khổng lồ để giúp doanh nghiệp thâu tóm dự án, hạ giá đất và vượt qua các rào cản pháp lý.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), khi Dự án Chợ đầu mối đứng trước nguy cơ bị thu hồi, bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy đã nhận tổng cộng 25 tỷ đồng và 1 triệu USD của Nguyễn Văn Hậu để can thiệp, giữ lại dự án. Bị cáo Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD, còn Phạm Hoàng Anh, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhận 400 triệu đồng và 20.000 USD.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (cũ). Ảnh: An ninh Thủ đô.
Không dừng lại ở việc “giữ chỗ” cho dự án, các bị cáo còn chỉ đạo thay đổi chủ đầu tư, gia hạn tiến độ, giao đất không qua đấu giá, phê duyệt dự án khi chưa có quy hoạch hợp pháp. Đáng chú ý, 2,25 ha đất công đã được giao thẳng cho Công ty Thăng Long của Nguyễn Văn Hậu mà không tổ chức đấu giá, dù toàn bộ diện tích này đã được giải phóng mặt bằng bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
3 bị cáo khác gồm Nguyễn Văn Khước, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hoàng Văn Nhiệm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính và Chu Quốc Hải, cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) đã nhận tiền để tiếp tay cho việc định giá đất thấp bất thường. Cụ thể, sau khi các bị cáo can thiệp, giá trị định giá đất tại một dự án đã được điều chỉnh giảm từ 708 tỷ đồng xuống còn 507 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách.
Tại Quảng Ngãi, bị cáo Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận hơn 22 tỷ đồng và 240.000 USD từ Nguyễn Văn Hậu. Trong đó, Minh đưa 6 tỷ đồng mỗi người cho hai cựu lãnh đạo tỉnh là Cao Khoa và Lê Viết Chữ, phần còn lại khoảng 10,6 tỷ đồng và 40.000 USD, Minh giữ lại sử dụng cá nhân. Các bị cáo đã thực hiện chủ trương “thông thầu” để Tập đoàn Phúc Sơn trúng Gói thầu số 12 thuộc Dự án Đường bờ Nam sông Trà Khúc, dù doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính và thi công.

Bị cáo Đặng Văn Minh, cựu Giám đốc Sở GTVT, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (cũ). Ảnh: An ninh Thủ đô.
HĐXX nhận định, tính chất phạm tội của các bị cáo không tách rời mà liên kết theo chuỗi, mỗi bị cáo là một mắt xích, một khâu đoạn, nối tiếp nhau để hình thành hành vi sai phạm hoàn chỉnh. Chính vì thế, việc xét xử và tuyên án phải căn cứ vào mức độ đóng góp của từng người trong chuỗi đó, dựa trên vai trò, vị trí, hành vi cụ thể và hậu quả để lại cho xã hội.
Tuy vậy, Tòa cũng ghi nhận trong quá trình điều tra và xét xử, phần lớn các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, nhận thức rõ sai phạm, có nguyện vọng khắc phục hậu quả và bày tỏ mong muốn được xử lý công bằng, nhân văn. Đặc biệt, bị cáo Đặng Trung Hoành, cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long (trước đây) cùng nhóm bị cáo thuộc Tập đoàn Phúc Sơn được đánh giá là đã hợp tác tích cực, giúp làm rõ diễn biến vụ án.
Trên cơ sở đó, Tòa đã áp dụng mức án dưới khung hình phạt cho hầu hết các bị cáo trong vụ án, trừ Nguyễn Văn Hậu ở tội danh “Đưa hối lộ”.
41 bị cáo, từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ sở ngành, từ doanh nghiệp đến các phòng ban chức năng đã bị kết tội. Mỗi mức án không chỉ là sự trừng phạt cá nhân, mà còn là lời cảnh báo rõ ràng của pháp luật trước hành vi trao đổi quyền lực để đổi lấy lợi ích nhóm. Những đồng tiền đã “trôi qua khe cửa”, tưởng chừng là kín đáo, rốt cuộc lại vạch trần cả một hệ thống sai phạm kéo dài, có tổ chức và tinh vi.
Trong thời điểm công cuộc phòng, chống tham nhũng đang bước vào giai đoạn quyết liệt và toàn diện, bản án dành cho các bị cáo trong đại án Phúc Sơn không chỉ là sự kết thúc của một hành trình điều tra, truy tố, xét xử, mà còn là lời cảnh tỉnh cho những ai còn đang nuôi dưỡng ảo tưởng về việc có thể “mua chuộc chính quyền” để thao túng chính sách, điều chỉnh quy hoạch hay nắm quyền sinh sát với ngân sách công.