| Hotline: 0983.970.780

Mức án sơ thẩm với 41 bị cáo trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn

Thứ Sáu 11/07/2025 , 13:30 (GMT+7)

Nguyễn Văn Hậu lĩnh 30 năm tù, nhiều cựu lãnh đạo bị tuyên án vì nhận hối lộ, can thiệp trái pháp luật vào các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn.

Sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, sáng 11/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức tuyên án sơ thẩm đối với 41 bị cáo trong đại án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn). Đây là vụ án có quy mô lớn, phạm vi rộng, số lượng bị cáo đông, hành vi phạm tội phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương và hàng loạt cựu lãnh đạo cấp cao ở các tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), Quảng Ngãi, Phú Thọ.

Tòa xác định bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn là người cầm đầu, giữ vai trò trung tâm trong toàn bộ vụ án. Bị cáo Hậu đã trực tiếp đưa tiền hối lộ cho nhiều cán bộ lãnh đạo nhằm thao túng việc triển khai, chỉ định dự án và đấu thầu trái quy định. Với ba tội danh gồm “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Hậu bị tuyên tổng hình phạt 30 năm tù.

Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Minh Anh/Báo Dân trí.

Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Minh Anh/Báo Dân trí.

Cùng bị xét xử với Nguyễn Văn Hậu là nhóm các cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) và Quảng Ngãi, những người đã nhận hối lộ từ doanh nghiệp để thực hiện hoặc can thiệp trái pháp luật vào các dự án do Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn điều hành.

Trong số đó, bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ) bị xác định đã nhận gần 48 tỷ đồng, còn bị cáo Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nhận gần 50 tỷ đồng từ Nguyễn Văn Hậu. Hai bị cáo này đã chỉ đạo cấp dưới thay đổi chủ đầu tư, gia hạn dự án, giao đất không qua đấu giá và can thiệp vào việc định giá đất nhằm hợp thức hóa lợi ích cho Tập đoàn Phúc Sơn. Với những hành vi này, bị cáo Lan bị tuyên phạt 14 năm tù, còn bị cáo Thành lĩnh án 12 năm tù.

Những cán bộ cấp sở và UBND cấp tỉnh, huyện (cũ) có liên quan đến các sai phạm về định giá, giao đất, chỉ định thầu cũng lần lượt bị tuyên án tù giam từ 4 đến 8 năm, tùy theo mức độ hành vi và vai trò cụ thể.

Trong đó, một số người như ông Phạm Hoàng Anh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ), hay ông Đặng Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi bị tuyên mức án 8 năm tù. Các cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh như Nguyễn Văn Khước, Cao Khoa, Lê Viết Chữ cũng nhận mức án 7 năm tù. Những cán bộ thuộc các Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường (cũ) là những người tham gia thẩm định, lập hồ sơ giao đất bị mức án từ 4 năm tù trở lên.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (11/7). Ảnh: Minh Anh/Báo Dân trí.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (11/7). Ảnh: Minh Anh/Báo Dân trí.

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Tòa xác định có tới 8 người liên quan, trong đó có cả các cựu Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), Phú Thọ. Các bị cáo như Phạm Văn Vọng, Phùng Quang Hùng, Hà Hòa Bình từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) bị tuyên án 3 năm tù. Riêng các bị cáo Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh, cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ được hưởng án treo với thời hạn 30 tháng tù.

Một số cán bộ cấp phòng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ), Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), và các đơn vị tư vấn cũng bị kết án từ 2 năm đến 3 năm tù, trong đó có những người được hưởng án treo do vai trò thứ yếu hoặc có tình tiết giảm nhẹ.

Nhóm 17 bị cáo khác liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đều là những cán bộ của Tập đoàn Phúc Sơn, các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan tại Vĩnh Phúc (cũ), Quảng Ngãi, Phú Thọ.

Trong nhóm này, đáng chú ý là Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn bị tuyên phạt 6 năm tù, trong khi Đỗ Hữu Vinh, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, đồng thời là cựu Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) lĩnh án 5 năm tù. Một số người từng giữ vai trò lãnh đạo tại các ban quản lý dự án xây dựng Đền Hùng, các công trình giao thông tại Quảng Ngãi, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc cũ), hay các đơn vị kiểm toán, tư vấn, cũng bị tuyên phạt từ 2 đến 4 năm tù, trong đó có 5 người được hưởng án treo.

Ngoài ra, nhóm 5 bị cáo bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” đều là cán bộ tài chính, kế toán thuộc Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty liên quan. Các bị cáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc và Đỗ Thị Mai, Kế toán trưởng lần lượt bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù và 4 năm tù. Những người còn lại, bao gồm kế toán viên, thủ quỹ và một giám đốc công ty liên kết, bị tuyên án từ 2 đến 3 năm tù.

Riêng bị cáo Đặng Trung Hoành, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Măng Thít (cũ), tỉnh Vĩnh Long bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Bản án sơ thẩm nhấn mạnh rằng, để Nguyễn Văn Hậu thực hiện trót lọt chuỗi hành vi phạm tội, các bị cáo là cán bộ lãnh đạo ở các tỉnh đã không chỉ tiếp tay, mà còn tích cực can thiệp, thúc đẩy, hợp thức hóa toàn bộ quy trình giao đất, định giá, chỉ định chủ đầu tư và phê duyệt dự án.

Hệ quả là các dự án sai phạm được tồn tại và triển khai trong thời gian dài, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước và môi trường đầu tư, đặc biệt là tại tỉnh Vĩnh Phúc (cũ).

Tòa án cũng lưu ý rằng, trong số các bị cáo, có những người giữ chức vụ cao nhất tại các địa phương nhưng lại trực tiếp tiếp tay cho doanh nghiệp bằng quyền lực chính trị và hành chính của mình. Việc nhận hàng chục tỷ đồng từ một doanh nghiệp đang gặp khó khăn pháp lý để ra quyết định có lợi cho họ là hành vi không thể chấp nhận được trong bộ máy Nhà nước. 

Ở từng vị trí, trách nhiệm, từng địa phương khác nhau, mỗi bị cáo có vai trò khác nhau, trong đó các bị cáo có chức vụ, quyền hạn cao hơn phải chịu trách nhiệm chính, không chỉ chịu trách nhiệm về định lượng số tiền đã nhận hoặc số tiền thiệt hại gây ra mà còn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra sai phạm.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Dự án Shoshin Bình Thanh huy động vốn trái phép?

Dự án Shoshin Bình Thanh đang triển khai làm hạ tầng, chưa được phép mở bán nhưng đã thông tin rao bán rầm rộ trên các trang mạng...

Bộ Xây dựng thẩm định cấp phép sai quy hoạch tại dự án Tecco Diamond

Dự án Tecco Diamond được TP. Hà Nội công nhận kết quả trúng đấu giá với chỉ tiêu quy hoạch cao 25 tầng nhưng Bộ Xây dựng lại thẩm định bổ sung 2 tầng hầm.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất