| Hotline: 0983.970.780

Hôm nay tuyên án Nguyễn Văn Hậu và nhiều cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh

Thứ Sáu 04/07/2025 , 12:47 (GMT+7)

TAND TP Hà Nội sáng nay sẽ tuyên án Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cùng hàng loạt bị cáo trong đại án liên quan đến sai phạm tại nhiều tỉnh, thành.

Sáng 4/7, sau hơn 10 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội mở phiên tuyên án đối với Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và 40 bị cáo khác trong vụ án đưa - nhận hối lộ, vi phạm quy định về kế toán, đấu thầu và lợi dụng chức vụ xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Đây là một trong những đại án thu hút sự quan tâm đặc biệt khi dàn bị cáo gồm nhiều cán bộ cấp cao đã từng giữ vị trí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban ngành của các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ (trước đây)… phải hầu tòa vì nhận hối lộ và tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Mắt xích thao túng hệ thống công quyền

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu (thường được gọi là Hậu “Pháo”), với vai trò là Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, bị Viện kiểm sát xác định là chủ mưu, người khởi tạo và điều hành toàn bộ chuỗi hành vi sai phạm trong vụ án. Thông qua các mối quan hệ cá nhân và công vụ, Hậu đã chỉ đạo chi hơn 132 tỷ đồng để “bôi trơn” hàng loạt lãnh đạo địa phương, qua đó đưa nhiều công ty trong hệ sinh thái Phúc Sơn trúng thầu trái phép tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi (trước đây).

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: Phương Nguyên/Báo Dân Trí.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: Phương Nguyên/Báo Dân Trí.

Sau khi thâu tóm thành công các gói thầu, bị cáo tiếp tục chỉ đạo cấp dưới chuyển nhượng lại dự án trái luật, gây thất thoát hơn 459 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Không dừng lại ở đó, hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp này cũng được phân tách thành hai hệ thống nhằm trốn thuế, dẫn đến thiệt hại thêm 504 tỷ đồng; gian lận trong xác định giá đất gây thiệt hại hơn 204 tỷ đồng.

Tổng cộng, các hành vi của Nguyễn Văn Hậu bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.160 tỷ đồng. Viện kiểm sát đề nghị mức án cao nhất đối với bị cáo Hậu là 30 năm tù giam, gồm 17 - 18 năm cho tội Đưa hối lộ, 15 - 16 năm cho tội Vi phạm quy định về đấu thầu và 11 - 12 năm cho tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước thời điểm tuyên án, bị cáo Hậu đã chủ động nộp thêm 768 tỷ đồng, hoàn tất việc khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, Viện kiểm sát vẫn nhấn mạnh vai trò đầu vụ, sự thao túng hệ thống và tác động tiêu cực lâu dài đến niềm tin công chúng.

Các lãnh đạo địa phương sa lưới

Điểm nhấn khác trong vụ án là sự liên đới của nhiều cựu lãnh đạo các tỉnh. Bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ) trước đây bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới “tạo điều kiện” để Phúc Sơn trúng thầu, đổi lại là khoản hối lộ trị giá 25 tỷ đồng và 1 triệu USD. Mức án được đề nghị cho bà Lan là 14 - 15 năm tù, chỉ sau Nguyễn Văn Hậu.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ). Ảnh: Nguyễn Hưng.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ). Ảnh: Nguyễn Hưng.

Cùng tội danh Nhận hối lộ, ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) bị đề nghị mức án 9 - 10 năm tù; ông Nguyễn Văn Khước, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối diện mức án 7 - 8 năm tù.

Ba cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi (cũ) gồm ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy, ông Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh, và ông Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh cùng bị đề nghị 7 - 8 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Với nhóm bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Viện kiểm sát đề nghị mức án 4 - 4,5 năm tù đối với các ông Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ); Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ); Hà Hòa Bình, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ).

Ngoài ra, hai cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ là ông Ngô Đức Vượng và ông Nguyễn Doãn Khánh bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù cho hưởng án treo. Một số bị cáo khác, trong đó có ông Đặng Trung Hoành, cựu Chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít (cũ), tỉnh Vĩnh Long, bị cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi cá nhân.

Theo đại diện Viện kiểm sát, gốc rễ của vụ án nằm ở các lỗ hổng kéo dài trong công tác quản lý hoạt động đấu thầu, xây dựng và thuế, cùng sự suy thoái đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ, từ cấp sở ngành đến lãnh đạo tỉnh. Không chỉ tiếp tay, nhiều người còn “tự nguyện” để doanh nghiệp thao túng vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

Tại tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, bày tỏ sự ăn năn, hối hận và mong muốn được hưởng các tình tiết giảm nhẹ để sớm trở lại cuộc sống. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo đã làm xói mòn nghiêm trọng kỷ cương pháp luật, gây bất bình trong xã hội và làm tổn thương niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả lớn và hành vi phạm tội có tổ chức, Hội đồng xét xử dự kiến sẽ đưa ra phán quyết nghiêm khắc, mang tính răn đe.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Huyện Khoái Châu coi thường pháp luật 'làm trước, xin sau'

Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Khoái Châu đã tự ý xây dựng dự án hạ tầng khu dân cư, trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Hưng Yên.

Hà Nội bưng bít thông tin vụ ‘vẽ’ dự án trên ‘đất vàng’

TP. Hà Nội ‘vẽ’ dự án có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng các hạng mục trong dự án được khái toán trước đây chỉ khoảng 7 tỷ đồng.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất