Sáng 11/7, sau nhiều ngày nghị án, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã bước vào phần tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hậu (cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn) cùng 40 đồng phạm về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng,...
Trước đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã lùi thời điểm tuyên án để tiếp tục nghị án do xuất hiện tình tiết mới. Cụ thể, HĐXX nhận được biên lai nộp tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp 768 tỷ đồng thông qua ủy nhiệm chi từ Tập đoàn Phúc Sơn. Bị cáo Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) - nay là tỉnh Phú Thọ, nộp thêm 200 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Công an nhân dân.
Theo đánh giá của HĐXX, toàn bộ thiệt hại trong vụ án đã được các bị cáo khắc phục. Tình tiết này trở thành căn cứ quan trọng để Viện Kiểm sát Nhân dân đề xuất giảm nhẹ hình phạt đối với một số bị cáo.
Trước diễn biến mới, Hội đồng xét xử quyết định quay lại phần xét hỏi vào ngày 4/7. Căn cứ vào việc các bị cáo thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường thiệt hại, Viện Kiểm sát đề xuất giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo, trong đó có Nguyễn Văn Hậu. Tuy vậy, tổng mức án đề nghị dành cho bị cáo Hậu vẫn là 30 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Hậu bị truy tố về ba tội danh gồm đưa hối lộ, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Quá trình điều tra xác định, để Tập đoàn Phúc Sơn có thể trúng thầu và triển khai nhiều dự án lớn tại Vĩnh Phúc (cũ), Quảng Ngãi và Phú Thọ, bị cáo Hậu đã chi hơn 132 tỷ đồng để đưa hối lộ cho các quan chức địa phương. Trong số này, bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ) bị cáo buộc nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD. Cùng thời điểm, ông Lê Duy Thành, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD. Ngoài tiền mặt, một số bị cáo còn được hưởng lợi từ việc mua đất dự án với giá thấp để kiếm lời.
Tại Phú Thọ, bị cáo Hậu thừa nhận từng gặp mặt và biếu tiền cho hai cựu Bí thư tỉnh này vào dịp lễ, Tết, khi doanh nghiệp ông triển khai dự án tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tại Quảng Ngãi, bị cáo trực tiếp thỏa thuận “lại quả” 5% giá trị các gói thầu sau thuế với nhóm lãnh đạo tỉnh trong thời gian từ năm 2011 đến 2013.
Ngoài hành vi đưa hối lộ, bị cáo Hậu còn bị cáo buộc lợi dụng vai trò là người đứng đầu để thao túng hoạt động kế toán và đấu thầu trong hệ sinh thái doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phúc Sơn. Theo cáo trạng, các hành vi vi phạm của Hậu đã gây thiệt hại gần 460 tỷ đồng trong lĩnh vực đấu thầu, đồng thời giúp bị cáo thu lợi bất chính hơn 504 tỷ đồng do không kê khai doanh thu.
Tại phiên xử, Nguyễn Văn Hậu và các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, bày tỏ sự ăn năn và mong muốn được pháp luật khoan hồng. Hành động chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, theo đánh giá của Viện Kiểm sát, là tình tiết giảm nhẹ đáng kể và thể hiện sự hợp tác của bị cáo trong quá trình tố tụng.
Với các căn cứ này, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho nhiều bị cáo. Trong đó, Nguyễn Văn Hậu được đề nghị từ 14 đến 15 năm tù về tội đưa hối lộ; từ 7 đến 8 năm tù cho tội vi phạm quy định về kế toán; và từ 11 đến 12 năm tù cho hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Mặc dù từng mức án được đề xuất giảm so với trước, tổng hợp hình phạt vẫn giữ nguyên ở mức 30 năm tù.
Cùng với Nguyễn Văn Hậu, một số cựu quan chức cũng được đề nghị giảm án sau khi nộp bổ sung khắc phục hậu quả. Trong đó có ông Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cũ), ông Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), đều được đề nghị giảm mức án còn 3 - 4 năm tù. Các bị cáo khác như Bùi Minh Hồng và Hoàng Quốc Trị, nguyên lãnh đạo huyện Vĩnh Tường (cũ), cũng được Viện Kiểm sát đề nghị giảm hình phạt so với trước đó.