| Hotline: 0983.970.780

Xuất hiện nhiều tình tiết mới trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn

Thứ Sáu 04/07/2025 , 12:48 (GMT+7)

Xuất hiện tình tiết mới trong thời gian nghị án, HĐXX quay lại phần xét hỏi, Viện kiểm sát đề nghị giảm án cho Nguyễn Văn Hậu và các bị cáo.

Sáng 4/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bước vào ngày làm việc được dự kiến là tuyên án đối với 41 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử bất ngờ thông báo quay lại phần xét hỏi do xuất hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất của vụ án.

Trong thời gian nghị án, HĐXX đã nhận được biên lai nộp tiền cho thấy bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, đã nộp khắc phục thêm 768 tỷ đồng. Số tiền này được phía Tập đoàn Phúc Sơn phối hợp với các đối tác thu xếp nộp thay cho bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Công an nhân dân.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Công an nhân dân.

Cùng thời điểm, bị cáo Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (nay là tỉnh Phú Thọ), cũng nộp bổ sung 200 triệu đồng. Như vậy, toàn bộ thiệt hại của vụ án đã được các bị cáo tự nguyện khắc phục hoàn toàn trước khi Tòa tuyên án.

Thông tin này đã khiến diễn biến phiên tòa thay đổi đáng kể. Đại diện Tập đoàn Phúc Sơn xác nhận việc nộp tiền trước HĐXX.

Đến lượt mình, bị cáo Nguyễn Văn Hậu nghẹn ngào đứng trước bục khai báo, gửi lời cảm ơn Hội đồng xét xử vì đã cho mình cơ hội được sửa sai. Ông cho biết đã được quản giáo thông báo về sự thống nhất giữa Tòa án và Viện kiểm sát liên quan đến phương án xử lý 196 lô đất để đảm bảo nguồn khắc phục. “Tôi nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình và đau lòng khi kéo theo hơn 40 người khác phải ra hầu tòa. Đêm qua tôi đã khóc vì mừng”, bị cáo nói.

Sau phần xét hỏi bổ sung, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đánh giá có đủ cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu và một số bị cáo khác. Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Hậu từ 14 đến 15 năm tù về tội Đưa hối lộ, 11 đến 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và 7 đến 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đề nghị vẫn là 30 năm tù, nhưng mức án thành phần đã được điều chỉnh thấp hơn đáng kể so với đề nghị trước đó.

Ngoài ông Hậu, 7 bị cáo khác cũng được đề nghị giảm án. Các luật sư bào chữa cũng đồng loạt đề nghị HĐXX và Viện kiểm sát xem xét lại mức án cho thân chủ của họ, dựa trên tình tiết toàn bộ hậu quả đã được khắc phục triệt để, thể hiện tinh thần ăn năn, hợp tác trong suốt quá trình điều tra và xét xử.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát không nêu thêm lập luận nào khác và đề nghị HĐXX căn cứ theo pháp luật để xem xét các đề nghị của các luật sư. Đến 9h45', Hội đồng xét xử thông báo cần thêm thời gian nghị án do xuất hiện tình tiết mới quan trọng.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Công an nhân dân.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Công an nhân dân.

Trước đó, trong bản luận tội ngày 27/6, Viện kiểm sát từng đề nghị hình phạt cao hơn đáng kể với bị cáo Nguyễn Văn Hậu, 17-18 năm tù về tội Đưa hối lộ, 15-16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu và 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã lợi dụng vị trí và quan hệ để chi hơn 132 tỷ đồng nhằm đưa hối lộ cho nhiều lãnh đạo cấp tỉnh tại Vĩnh Phúc (nay là tỉnh Phú Thọ), Phú Thọ và Quảng Ngãi. Trong đó, riêng bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị cáo buộc đã nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD (tương đương hơn 47,9 tỷ đồng), còn ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD.

Những khoản “bôi trơn” khổng lồ này nhằm giúp các công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn Phúc Sơn trúng các dự án lớn tại ba tỉnh. Tại Vĩnh Phúc, Phúc Sơn tham gia nhiều dự án đô thị và hạ tầng quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Tại Phú Thọ, tập đoàn này trúng các gói thầu tại Khu di tích Đền Hùng. Còn tại Quảng Ngãi, Phúc Sơn từng thi công gói thầu số 12 của dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc và một phần quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh.

Việc toàn bộ hậu quả kinh tế của vụ án được khắc phục trước khi tuyên án là diễn biến đáng chú ý, mở ra khả năng thay đổi bản án theo hướng có lợi cho một số bị cáo. Tuy nhiên, với quy mô và tính chất nghiêm trọng của vụ án, kéo dài trong nhiều năm, liên quan nhiều tỉnh thành và có dấu hiệu hệ thống, quyết định cuối cùng của Tòa án sẽ phải đặt trong tổng thể đánh giá toàn diện các hành vi vi phạm pháp luật, thiệt hại xã hội và mức độ ăn năn, khắc phục của từng cá nhân.

Phán quyết cuối cùng của Tòa dự kiến được tuyên vào lúc 9h ngày 11/7.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Huyện Khoái Châu coi thường pháp luật 'làm trước, xin sau'

Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Khoái Châu đã tự ý xây dựng dự án hạ tầng khu dân cư, trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Hưng Yên.

Hà Nội bưng bít thông tin vụ ‘vẽ’ dự án trên ‘đất vàng’

TP. Hà Nội ‘vẽ’ dự án có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng các hạng mục trong dự án được khái toán trước đây chỉ khoảng 7 tỷ đồng.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất