Kể từ ngày 1/7/2025, chính quyền 30 quận, huyện của TP Hà Nội kết thúc sứ mệnh lịch sử. Đồng thời, Hà Nội chính thức vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp, với 126 xã, phường sau khi sát nhập, điều chỉnh địa giới hành chính.
Hiện nay, sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính, nhiều người dân lo lắng trước thông tin phải thay đổi thẻ căn cước, hộ chiếu để thuận tiện cho các thủ tục hành chính sau này. Tuy nhiên, thông tin trên là không chính xác, Công an TP Hà Nội khẳng định không bắt buộc phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu.

Người dân không phải đổi thẻ căn cước khi thay đổi tên đơn vị hành chính. Ảnh minh hoạ.
Trao đổi với phóng viên, trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP Hà Nội cho biết: “Đối với thẻ căn cước, người dân không phải làm thủ tục cấp đổi lại, do hiện nay tất cả các thông tin điện tử của người dân được điều chỉnh trên hệ thống thông tin điện tử VNeID để giải quyết các thủ tục hành chính”.
“Ngoài ra, hiện nay lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo tất cả các Sở, ban, ngành không được yêu cầu người dân phải điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước… Chỉ những trường hợp người dân hết hạn, đến hạn phải làm thủ tục cấp đổi lại thẻ căn cước thì mới nên đi làm thay đổi thông tin trên thẻ căn cước. Hoặc trường hợp có nhu cầu nguyện vọng cá nhân (không bắt buộc) muốn thay đổi thông tin trên thẻ căn cước theo địa chỉ mới thì đến các điểm cấp, đổi thẻ căn cước để làm thủ tục bình thường”, trung tá Nguyễn Thành Lâm cho biết thêm.
Còn đối với hộ chiếu, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP Hà Nội khẳng định: Không bắt buộc phải đổi hộ chiếu, nếu hộ chiếu hiện tại vẫn còn thời hạn sử dụng hợp lệ.

Đối với hộ chiếu, người dân cũng không cần phải thay đổi. Ảnh minh hoạ.
Căn cứ Nghị quyết số 190/2024/QH15 do Quốc hội ban hành ngày 29/1/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023–2030, các loại giấy tờ hành chính có thông tin về đơn vị hành chính cũ vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến khi hết thời hạn hoặc có văn bản thay thế, điều chỉnh, thu hồi theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người dân không bắt buộc phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu chỉ vì địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú được đổi tên hoặc sáp nhập. Quy định này góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh gây xáo trộn không cần thiết cho người dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện một số thông tin sai lệch, xuyên tạc rằng người dân phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu ngay sau khi địa phương đổi tên. Một số đối tượng xấu còn lợi dụng tâm lý lo lắng để dụ dỗ người dân làm lại hộ chiếu với chi phí cao, thậm chí lừa đảo qua không gian mạng.
Trước tình trạng trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân, không truy cập các đường link chưa được kiểm chứng, không nghe lời mời chào, dẫn dụ của các đối tượng lạ hoặc giả danh cơ quan Nhà nước.