| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền thân thiện - Người dân sẻ chia

Thứ Ba 01/07/2025 , 13:35 (GMT+7)

TÂY NINH Ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp, Tây Ninh ghi nhận không khí chủ động, trật tự. Cán bộ nỗ lực phục vụ, người dân đồng hành, sẻ chia với tinh thần xây dựng.

Phường tất bật, người dân thấu hiểu

Sáng 1/7, ngày đầu tiên vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp, phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận không khí tại khu vực Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh cũ: đường phố thông thoáng, không còn cảnh đông đúc như thường thấy vào đầu tuần. Sự thay đổi ấy phản ánh một chuyển động lớn: Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh nay đã được đặt tại tỉnh Long An (cũ). 

Khu vực Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh (cũ) đường phố thông thoáng, không còn cảnh đông đúc như thường thấy vào đầu tuần. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh (cũ) đường phố thông thoáng, không còn cảnh đông đúc như thường thấy vào đầu tuần. Ảnh: Trần Trung.

Trái với vẻ yên ả ở Trung tâm cũ, tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Tân Ninh mới, không khí lại hoàn toàn khác. Ngay từ sáng sớm, hàng chục người dân đã có mặt để giải quyết các thủ tục hành chính như tư pháp – hộ tịch, cấp đổi căn cước công dân, và đặc biệt là lĩnh vực đất đai – môi trường.

Có mặt từ rất sớm để giải quyết thủ tục đất đai, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, trước đây ông ở khu 6, phường 3. Nghe thông tin từ ngày 1/7, thủ tục đất đai sẽ có một số thay đổi, nên ông đến Trung tâm Hành chính công để làm thủ tục liên quan cấp mới quyền sử dụng đất.

“Tôi cũng hay làm các hồ sơ liên quan đến đất đai nên thấy rõ, ngày đầu sáp nhập áp lực công việc của cán bộ rất lớn, vì hồ sơ nhiều quá. Tôi nghĩ người dân cũng cần thông cảm cho cán bộ và chờ đợi trong sự chia sẻ, không nên gây thêm áp lực”, ông Thắng nói.

Ngay từ sáng sớm, hàng chục người dân tại phường Tân Ninh đã có mặt để giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Trần Trung.

Ngay từ sáng sớm, hàng chục người dân tại phường Tân Ninh đã có mặt để giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Trần Trung.

Phường Tân Ninh là đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường cũ: phường 1, phường 2, phường 3, phường 4 và phường Hiệp Ninh. Phường Tân Ninh hiện là một trong những địa bàn rộng nhất của Tây Ninh nên đã tạo áp lực đáng kể cho đội ngũ cán bộ nơi đây.

Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đất đai – môi trường của phường Tân Ninh, chị Trần Thị Phương Thảo, cán bộ phụ trách lĩnh vực này, đang một mình gánh vác khối lượng công việc khổng lồ. Chị Thảo chia sẻ, trước đây, mỗi phường có một cán bộ phụ trách, còn hiện nay, sau sáp nhập, một cán bộ phải đảm nhận toàn bộ công việc của 5 phường gộp lại, khiến khối lượng công việc tăng vọt.

“Riêng lĩnh vực đất đai – môi trường đã có tới 23 loại thủ tục hành chính khác nhau, lại là lĩnh vực nhạy cảm, thường xuyên phát sinh kiến nghị, khiếu nại… nên cán bộ phụ trách phải vừa vững chuyên môn, vừa có kỹ năng xử lý tình huống mềm dẻo. Áp lực từ người dân là có, nhưng chúng tôi cũng hiểu nhu cầu của họ là chính đáng”, chị Thảo nói.

Bà Nguyễn Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Ninh cho biết thêm, để chuẩn bị cho việc chính thức đưa phường Tân Ninh đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, UBND phường đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều phần việc, với mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trên địa bàn. Trong quá trình triển khai, phường nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Sở Khoa học và Công nghệ trong việc hướng dẫn, cài đặt và vận hành phần mềm một cửa – công cụ then chốt để tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính một cách minh bạch, hiệu quả và thuận tiện cho người dân.

Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên chính thức hoạt động, Trung tâm đã ghi nhận một số khó khăn bước đầu, do lượng người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tăng cao – nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, xây dựng. Bên cạnh đó, do hệ thống phần mềm một cửa còn mới, nên một số công chức chưa thực sự thành thạo, dẫn đến việc xử lý hồ sơ còn chậm và phát sinh một số lỗi kỹ thuật như: kết nối chưa đồng bộ, vướng mắc ở một số thủ tục chuyên ngành (ví dụ: cấp phép xây dựng hoặc giải quyết hồ sơ trong ngày).

Bà Nguyễn Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Ninh (áo đỏ) cùng cán bộ Trung tâm Hành chính công tận tình hỗ trợ người dân. Ảnh: Trần Trung.

Bà Nguyễn Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Ninh (áo đỏ) cùng cán bộ Trung tâm Hành chính công tận tình hỗ trợ người dân. Ảnh: Trần Trung.

Trước tình hình đó, UBND phường Tân Ninh đã chủ động đề ra các giải pháp cụ thể như: tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm rõ thông tin về việc tập trung giải quyết thủ tục hành chính; tổng hợp và báo cáo kịp thời các lỗi kỹ thuật phát sinh để Sở Khoa học và Công nghệ có phương án hỗ trợ, xử lý ngay trong ngày; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng phần mềm một cửa và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

“Với phương châm “Lấy người dân làm trung tâm phục vụ”, UBND phường Tân Ninh cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành, khắc phục triệt để các khó khăn trước mắt, để đưa Trung tâm Hành chính công trở thành địa chỉ tin cậy, thuận tiện và thân thiện đối với nhân dân”, bà Hương nhấn mạnh.

Xã biên giới gần dân và chuyên nghiệp

Ở một góc khác của tỉnh Tây Ninh, tại xã biên giới Hòa Hội (huyện Châu Thành cũ), không khí ngày đầu vận hành chính quyền mới diễn ra trong tinh thần chủ động và nghiêm túc. Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công, cán bộ công chức đã có mặt từ sớm, hướng dẫn tận tình cho người dân đến làm thủ tục.

Người dân xã biên giới Hòa Hội đến Trung tâm Hành chính công giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Trần Trung.

Người dân xã biên giới Hòa Hội đến Trung tâm Hành chính công giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Trần Trung.

Anh Trương Văn Tuấn, cán bộ phụ trách bộ phận một cửa – Trung tâm Hành chính công xã Hòa Hội, chia sẻ: “Trước khi sáp nhập, tôi đã được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn. Nhờ đó, khi làm việc tại trụ sở mới, tôi tự tin hướng dẫn bà con một cách nhanh, gọn, hiệu quả. Mong muốn lớn nhất của tôi là người dân cảm thấy thoải mái, không phải chờ đợi lâu như trước đây”.

Trong ngày đầu, người dân địa phương cũng bày tỏ sự hài lòng và kỳ vọng vào mô hình chính quyền hai cấp. Ông Nguyễn Hoàng Phi (65 tuổi, ngụ xã Hòa Hội) nói: “Tôi ủng hộ việc sắp xếp lại bộ máy hành chính. Tinh gọn, hiệu quả là xu thế tất yếu. Mong rằng bộ máy mới sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn, kịp thời và chuyên nghiệp hơn”.

Cùng chung quan điểm, ông Đặng Bá Thư (cùng ngụ xã Hòa Hội) cho biết: “Ban đầu còn bỡ ngỡ vì cách bố trí mới, nhưng cán bộ hướng dẫn tận tình nên thủ tục diễn ra nhanh chóng. Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc của cán bộ. Mong mô hình mới sẽ tiếp tục gần dân, lắng nghe dân và phục vụ minh bạch”.

Cán bộ xã Hòa Hội tận tình phục vụ cư dân biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ xã Hòa Hội tận tình phục vụ cư dân biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Đồng Dũng - Chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết thêm, việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được địa phương triển khai nghiêm túc, bài bản và theo đúng lộ trình. Ngay sau khi có chỉ đạo từ cấp trên, xã đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận để đảm bảo bộ máy mới vận hành thông suốt, đúng tiến độ, không làm gián đoạn quyền lợi chính đáng của người dân.

“Với đặc thù là xã biên giới, mô hình tinh gọn nhưng hiệu quả sẽ là cơ hội để chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân và bảo đảm vững chắc an ninh biên giới, khẳng định tính đúng đắn của mô hình hai cấp trong thực tiễn”, ông Dũng khẳng định.

Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là bước đi quan trọng trong chiến lược cải cách hành chính của Tây Ninh, phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Việc tinh gọn bộ máy không đơn thuần là sự thay đổi về cơ cấu hành chính, mà là một cuộc chuyển mình toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tinh giản trung gian, tạo điều kiện để chính quyền cơ sở phát huy vai trò “gần dân nhất, sát dân nhất”.

Xem thêm

Bình luận mới nhất