Việc tổ chức chính quyền hai cấp là cuộc cách mạng về tổ chức ngoài việc khắc phục bộ máy cồng kềnh, tầng nấc trung gian, biên chế cán bộ công chức lớn… còn tạo ra không gian kết nối giữa các vùng kinh tế, các thế mạnh của các vùng, miền để chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình.
Từ nay, sự chồng chéo giữa các cấp hành chính được gỡ bỏ, các nguồn lực được phân bổ tập trung và hiệu quả hơn, bộ máy gọn nhẹ hơn nhưng năng động, linh hoạt và phục vụ người dân tốt hơn.

Cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, trả lời giải đáp của người dân đến làm thủ tục. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Báo Nông nghiệp và Môi trường đã cập nhật, ghi nhận những hình ảnh đầu tiên của ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương hai cấp tại TP Hà Nội.
Thủ tục nhanh gọn, người dân hài lòng
Từ sáng sớm, các cán bộ tại UBND phường Đại Mỗ đã có mặt để hoàn tất các khâu chuẩn bị để phục vụ những công dân Thủ đô đầu tiên đến làm việc. Đến 7 giờ 45 phút, bộ phận một cửa hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng hoạt động tiếp đón người dân.
Trong buổi sáng ngày 1/7, hàng chục người dân có mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Đại Mỗ (TP. Hà Nội) từ sớm để làm giấy tờ, hồ sơ. Trung tâm cắt cử 12 viên chức phục vụ hỗ trợ, hướng dẫn người dân tận tình, cặn kẽ.
Bà Nguyễn Thị Mai (58 tuổi, ngụ phường Đại Mỗ) đến trung tâm hành chính công để làm giấy tờ nhà đất. Bà chia sẻ các cán bộ hỗ trợ niềm nở và nhiệt tình.
“Hồ sơ tôi còn thiếu một số giấy tờ, các cán bộ giải thích cặn kẽ, yêu cầu tôi về bổ sung và hẹn ngày lên làm lại. Tôi thấy thời gian giải quyết hồ sơ của phường Đại Mỗ mới rất nhanh, đây là điều mà người dân như tôi mong muốn”, bà Mai chia sẻ.
Chung cảm xúc với bà Mai, hai anh em ông Nguyễn Quang Đức và Nguyễn Quang Anh đến làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở để chuẩn bị xây nhà thờ. “Tôi thấy thủ tục nhanh gọn, tôi hài lòng. Sau khi làm thủ tục, tôi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, viết giấy hẹn đến ngày 15/7 nhận kết quả”, ông Quang Đức nói.

Sáng 1/7, rất đông người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường Đại Mỗ. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng 1/7, rất đông người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công của phường Đại Mỗ để làm thủ tục đăng ký biến động nhà đất, hộ tịch, tư pháp… Ngoài ra còn có lĩnh vực mới như đăng ký giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận lần đầu. Tuy người dân đến làm thủ tục đông hơn mọi ngày nhưng được giải quyết nhanh gọn, không ách tắc ở khâu nào.
Phân công nhiệm vụ rõ ràng, tổ chức vận hành trơn tru
Cũng trong sáng 1/7, UBND xã Vĩnh Thanh - đơn vị hành chính mới hợp nhất từ ba xã cũ của huyện Đông Anh gồm Vĩnh Ngọc, Hải Bối và Tàm Xá - chính thức đi vào hoạt động. Hiện nay, xã vẫn duy trì 3 điểm phục vụ hành chính công tại các vị trí trụ sở của các xã cũ để tránh gây xáo trộn cho người dân.
Tại điểm phục vụ hành chính công ở trụ sở xã, ngay trong buổi sáng, nhiều người dân đã đến làm thủ tục.
Anh Nguyễn Đình Bình (thôn Hải Bối) cho biết: “Tôi mang giấy tờ đến và được cán bộ hướng dẫn làm tờ khai, nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, các cán bộ giải quyết rất nhanh chóng. Chỉ sau 30 phút, tôi đã hoàn thành cả ba thủ tục: khai sinh, đăng ký thường trú và bảo hiểm y tế cho con”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Ngọc Chi) tới đăng ký kinh doanh cửa hàng sim phong thủy. “Cán bộ hướng dẫn rất chu đáo, tôi hoàn tất hồ sơ ngay trong buổi sáng. Khi có kết quả, tôi sẽ được thông báo qua điện thoại để đến nhận. Mọi thứ diễn ra thuận lợi, không có vướng mắc nào”.

Chị Nguyễn Thị Hiền (áo đỏ), ngươi dân thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Thanh đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Khánh Ly.
Theo ông Nguyễn Tất Vũ, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND xã Vĩnh Thanh, công tác chuẩn bị cho việc hợp nhất đã được tiến hành từ trước ngày 1/7, bao gồm cả thời gian chạy thử nghiệm, phân công nhiệm vụ rõ ràng để bộ may chính quyền vận hành ổn định ngay từ ngày đầu. “Mục tiêu của chúng tôi là phục vụ hiệu quả, sát dân, gần dân thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số”, ông Vũ chia sẻ.
Điểm phục vụ hành chính công của xã không chỉ tiếp nhận hồ sơ mà còn hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý, số hóa hồ sơ và thông báo kết quả giải quyết nhanh chóng. Trong ngày đầu tiên, đơn vị cung cấp phần mềm đã cử kỹ thuật viên túc trực hỗ trợ xử lý sự cố nếu phát sinh và ghi nhận tình huống thực tế để hoàn thiện hệ thống.

Cán bộ tại Trung tâm hành chính xã Vĩnh Thanh hướng dẫn anh Nguyễn Đình Bình, người dân thôn Hải Bối làm thủ tục khai sinh cho con. Ảnh: Trung Nguyên.
Ông Vũ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc chuyển giao một số thủ tục hành chính từ cấp huyện về cấp xã có thể phát sinh vướng mắc. Những nội dung vượt thẩm quyền, xã sẽ tổng hợp và báo cáo các sở, ngành để được hướng dẫn, bảo đảm phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Gần dân hơn, trách nhiệm hơn
Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, không chỉ phường Đại Mỗ hay xã Vĩnh Thanh mà các phường khác trên địa bàn Hà Nội cũng bắt nhịp nhanh với mô hình mới. Sáng 1/7, tại UBND phường Tương Mai, không khí làm việc diễn ra bình thường nhưng đọng lại là tâm thế mới từ đội ngũ cán bộ, công chức trong ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp - cấp thành phố và cấp xã.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Anh Đức, cán bộ Văn phòng UBND phường Tương Mai cho biết: “Mô hình chính quyền địa phương hai cấp đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ phải chủ động hơn, linh hoạt hơn và đặc biệt là sát dân hơn trong xử lý công việc”.

Người dân phường Tương Mai đến làm thủ tục hành chính được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình. Ảnh: Lan Chi.
Theo ông, việc tinh gọn bộ máy giúp loại bỏ các tầng nấc trung gian, từ đó nâng cao tốc độ xử lý thủ tục hành chính. “Chính quyền gần dân không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể trong từng hồ sơ, từng phản ánh của người dân”, ông Đức nhấn mạnh.
Cũng công tác tại UBND phường Tương Mai, một cán bộ văn phòng nhìn nhận mô hình hai cấp là xu hướng tất yếu của nền hành chính hiện đại: “Trước đây, giữa phường và quận có lúc còn chồng chéo trong chỉ đạo, nay khi cơ cấu tinh gọn, việc triển khai các chính sách sẽ thông suốt hơn”.
Chị kỳ vọng việc chuyển đổi mô hình sẽ kéo theo cải tiến về công nghệ, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, qua đó vừa tiết kiệm thời gian cho cán bộ, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận chính quyền.

Ngay từ đầu giờ sáng 1/7, nhiều người dân đã đến điểm phục vụ hành chính công phường Tương Mai để giải quyết các thủ tục cần thiết. Ảnh: Mai Đan.
Một cán bộ địa chính của phường Tương Mai cũng chia sẻ: “Tôi thấy trách nhiệm lớn hơn vì vai trò của cấp huyện không còn, mọi việc đều được nhìn nhận trực tiếp từ người dân. Áp lực có, nhưng đây cũng là động lực để cán bộ các phòng, ban phải chuyên nghiệp hơn, rõ ràng hơn trong từng công việc”.
Cán bộ địa chính cho rằng, mô hình mới đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ hơn với người dân, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như cấp giấy phép xây dựng, xử lý vi phạm trật tự đô thị... “Không thể xa dân, càng không thể chậm trễ”, cán bộ này khẳng định.
Tận tâm đến từng hồ sơ
Còn tại phường Vĩnh Tuy, bộ phận “một cửa” phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã ghi nhận lượng người dân đến làm thủ tục hành chính tăng đột biến – đặc biệt là hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Mặc dù khối lượng công việc gia tăng đáng kể, cán bộ phường vẫn giữ vững tinh thần phục vụ với phương châm: “Người dân đến làm thủ tục và rời đi, nhất định phải mang theo sự yên tâm và hài lòng.”
Phường Vĩnh Tuy được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba phường cũ là Thanh Lương, Bạch Đằng và Vĩnh Tuy, với tổng dân số hơn 65.000 người. Là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu hành chính tại đây luôn ở mức cao và biến động liên tục. Để bảo đảm phục vụ người dân không bị gián đoạn, chính quyền phường đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại nhân sự và tổ chức các đầu mối tiếp dân.

Ngay từ sáng sớm, người dân phường Vĩnh Tuy đã xếp hàng chờ làm thủ tục liên quan đến nhà, đất. Ảnh: Diệu Linh.
Bà Lê Thùy Dương – cán bộ phụ trách địa chính, xây dựng đô thị và môi trường – cho biết: “Ngay từ sáng sớm, người dân đã xếp hàng chờ làm thủ tục liên quan đến nhà, đất. Phần lớn là hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, trong đó có nhiều trường hợp tồn đọng từ nhiều năm do vướng mắc về mua bán, diện tích không trọn vẹn hoặc thiếu tính pháp lý.”
Hiện nay, quá trình bàn giao hồ sơ từ các đơn vị hành chính cũ vẫn đang được hoàn thiện, gây khó khăn cho việc tra cứu, xác minh thông tin. Thêm vào đó, nền tảng số VNID – hệ thống tiếp nhận hồ sơ điện tử – chưa xử lý được các trường hợp thiếu thông tin hoặc có tính chất phức tạp, buộc cán bộ phải tiếp nhận trực tiếp và hướng dẫn người dân từng bước.
Để giảm tải cho bộ phận một cửa và bảo đảm người dân được hỗ trợ đúng pháp luật, ngay từ ngày đầu triển khai, phường Vĩnh Tuy đã phối hợp với Đoàn Luật sư TP Hà Nội bố trí hai luật sư thường trực tại bàn hướng dẫn. Không chỉ giải thích quy trình, các luật sư còn hỗ trợ rà soát tính hợp lệ của hồ sơ, tư vấn cho các trường hợp tranh chấp, đồng sở hữu hoặc thiếu giấy tờ gốc. Nhờ đó, nhiều người dân đã có thể hoàn thiện hồ sơ ngay trong lần đầu đến phường, tránh việc phải đi lại nhiều lần.

Cán bộ hỗ trợ người dân làm các thủ tục chuẩn bị hồ sơ để làm việc tại bộ phận một cửa. Ảnh: Diệu Linh.
“Không hiểu luật thì khó làm lắm. Nhưng được chính luật sư hướng dẫn tận tình, tôi mới cảm thấy yên tâm,” ông Lê Văn Minh – cư dân tổ 12 – chia sẻ.
Cùng với sự thay đổi về quy trình, người dân cũng ghi nhận rõ sự chuyển biến trong thái độ phục vụ. Bà Dương Thị Hằng – Tổ trưởng Tổ dân phố 15 (phường Thanh Lương cũ) – cho biết bà con rất phấn khởi khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ ân cần, quy trình được giải thích rõ ràng, dễ hiểu.
“Sau sáp nhập, bà con kỳ vọng chính quyền sẽ mạnh hơn, giải quyết công việc nhanh hơn và gần dân hơn. Nhìn thấy sự tận tình và chuyên nghiệp hôm nay, tôi tin rằng kỳ vọng đó hoàn toàn có cơ sở,” bà Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn cho biết, trong bối cảnh người dân đến làm thủ tục quá đông, cơ sở vật chất tiếp đón hiện tại đôi lúc chưa đáp ứng được nhu cầu. “Đặc biệt vào giờ cao điểm, không gian chờ trở nên quá tải. Mong rằng thời gian tới phường sẽ bố trí thêm khu vực tiếp dân hoặc điều tiết luồng tiếp nhận hợp lý hơn để người dân cảm thấy thoải mái khi đến làm việc.”
Việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền đô thị hai cấp là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính. Nhưng điều then chốt vẫn là việc từng cán bộ ở cơ sở nhận thức rõ giá trị phục vụ người dân trong mỗi hành động cụ thể. Trước khối lượng công việc tăng vọt, đội ngũ cán bộ phường Vĩnh Tuy vẫn duy trì được sự bình tĩnh, tận tâm và linh hoạt – cho thấy sức bật tích cực của một bộ máy hành chính mới, lấy dân làm trung tâm và gần dân hơn.
Ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Hà Nội đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao và quyết tâm cải cách vì người dân. Những chuyển động ban đầu tuy còn nhiều việc phải hoàn thiện, nhưng rõ ràng, bộ máy mới đang vận hành đúng hướng - sát dân hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền hành chính hiện đại, kiến tạo và phục vụ.
Trước đó, TP Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quyết định của thành phố về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Bắt đầu từ ngày 1/7, Hà Nội triển khai mô hình chính quyền hai cấp gồm cấp Thành phố và cấp xã, theo chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Chính phủ. Bộ máy cơ quan cấp xã được tổ chức với ba phòng chuyên môn: Văn phòng HĐND – UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã) hoặc Phòng Kinh tế – Hạ tầng – Đô thị (đối với phường); Phòng Văn hóa – Xã hội. Trung tâm Phục vụ hành chính công trước mắt vẫn duy trì ở cấp thành phố với 4 phòng, 2 đơn vị sự nghiệp và 12 chi nhánh.