Sáng sớm, khi những cánh cổng trụ sở UBND xã Phước Thành, TP.HCM vừa được mở ra, không khí đã trở nên nhộn nhịp, đông vui khác thường. Đây là buổi làm việc đầu tiên của cán bộ, công chức xã sau khi ba xã Phước Sang, Tân Hiệp và An Thái chính thức sáp nhập thành xã Phước Thành theo Nghị quyết số 1685/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trụ sở HĐND, UBND, các phòng chức năng và Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Phước Thành. Ảnh: Trần Phi.
Tâm thế ngày đầu đến nhiệm sở mới là sự đan xen của nhiều cảm xúc: Vui mừng, hồi hộp, bỡ ngỡ và cả những nỗi niềm thầm lặng chưa dễ giãi bày. Việc sáp nhập được xem là bước chuyển mình quan trọng, hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, tránh trùng lặp chức năng và đặc biệt là nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.
Xã Phước Thành sau sáp nhập có diện tích tự nhiên 123,49 km² và dân số 13.447 người, với tổng cộng 92 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác. Bộ máy tổ chức được sắp xếp lại với ba khối chính: Khối Đảng, Mặt trận và Đoàn thể, và chính quyền địa phương bao gồm HĐND, UBND xã, các phòng chuyên môn và Trung tâm Phục vụ Hành chính công.
Kỳ vọng hành trình mới
Ngay trong ngày đầu tiên, sự rộn ràng tại trụ sở như nhắc nhở mỗi cán bộ nơi đây rằng một hành trình mới đã bắt đầu với trách nhiệm lớn lao hơn. Bà Đoàn Thanh Nga, chuyên viên Phòng Kinh tế xã Phước Thành chia sẻ với nụ cười xen chút lo lắng rằng: “Tôi cảm thấy vui mừng vì được tham gia vào một tổ chức mới, lớn mạnh hơn, có điều kiện để phát triển toàn diện, nhưng đồng thời cũng có nhiều áp lực hơn bởi địa bàn giờ đã rộng hơn, dân số đông hơn, công việc sẽ nhiều hơn và yêu cầu cũng cao hơn”.

Bà Đoàn Thanh Nga, chuyên viên Phòng Kinh tế xã Phước Thành cho rằng cần phải nhanh chóng thích nghi, chủ động nắm bắt tình hình, hiểu địa phương mới. Ảnh: Trần Phi.
Bà tự nhủ bản thân cần phải nhanh chóng thích nghi, chủ động nắm bắt tình hình, hiểu địa phương mới, không chỉ để hoàn thành công việc mà quan trọng hơn là phục vụ nhân dân tốt nhất. Cảm xúc của bà Nga cũng là tâm sự chung của nhiều cán bộ cấp xã trong buổi sáng ấy.
Ông Trần Tuấn Anh, chuyên viên Phòng Kinh tế xã Phước Thành, chia sẻ rằng trong ngày đầu đến nhiệm sở mới, cảm giác bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi. Việc sáp nhập ba xã đã tạo nên một bộ máy lớn hơn, nhân sự đông hơn, quy trình xử lý công việc được tinh gọn nhưng đồng nghĩa với áp lực cũng tăng lên đáng kể.
Ông cho biết: "Thực tế ban đầu, chúng tôi vẫn còn phải làm quen với cách tổ chức mới, phạm vi quản lý rộng hơn, khối lượng công việc nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây là cơ hội để mỗi cán bộ được rèn luyện, trưởng thành và phục vụ nhân dân tốt hơn. Điều tôi kỳ vọng là cơ sở vật chất sẽ sớm được đầu tư đồng bộ, trang thiết bị đầy đủ hơn để tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ, đồng thời giúp người dân khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính cảm thấy nhanh chóng, dễ dàng và yên tâm hơn".
Ông cũng nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi hiểu rằng việc sáp nhập là một quá trình chuyển mình lớn, không thể tránh khỏi những khó khăn bước đầu. Nhưng với tinh thần cầu thị, đoàn kết và sẵn sàng học hỏi, tôi tin rằng tập thể cán bộ xã Phước Thành sẽ sớm thích nghi và từng bước khẳng định được hiệu quả của bộ máy mới".
Từ góc độ quản lý, ông Huỳnh Huy Cường, Trưởng phòng Kinh tế xã Phước Thành, thẳng thắn chia sẻ: "Việc sáp nhập là một chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa bộ máy hành chính. Đây là cơ hội để địa phương tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế sau sáp nhập, số dân tăng lên, địa bàn quản lý mở rộng nhưng nhân sự vẫn giữ nguyên, điều này tạo ra áp lực không nhỏ cho cán bộ cấp cơ sở".
Ông Cường bày tỏ mong muốn: "Tôi rất hy vọng các cấp lãnh đạo sớm xem xét bổ sung thêm nhân sự hợp lý, điều chỉnh chế độ đãi ngộ phù hợp để cán bộ yên tâm công tác lâu dài. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu để nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng phục vụ nhân dân cho cán bộ trong bối cảnh mới".

Ông Huỳnh Huy Cường cho biết sáp nhập là cơ hội lớn nhưng cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho cán bộ cấp xã. Ảnh: Trần Phi.
Theo ông Cường, mô hình tổ chức hiện tại của xã Phước Thành đã được sắp xếp khoa học khi trụ sở Đảng ủy và các đoàn thể được bố trí tại cơ sở cũ của xã Tân Hiệp, trong khi trụ sở chính quyền và Trung tâm Phục vụ Hành chính công được đặt tại địa điểm cũ của xã Phước Sang. "Cách bố trí này không chỉ tiết kiệm được nguồn lực mà còn tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ, giải quyết thủ tục hành chính," ông nói.
Người dân đồng thuận cao
Về phía người dân, bà Nguyễn Thị Lan, cư dân xã Phước Thành, bày tỏ sự hài lòng khi chia sẻ: "Khi tôi đến UBND xã làm thủ tục, các anh chị cán bộ hướng dẫn rất tận tình, thủ tục được giải quyết nhanh gọn. Tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện và nhiệt tình hơn sau sáp nhập. Việc hợp nhất các xã không làm cho chính quyền trở nên xa cách, ngược lại tôi thấy cán bộ càng quan tâm, hỗ trợ người dân tốt hơn". Bà Lan cũng cho biết thêm: "Tôi và nhiều người dân xung quanh đều đồng tình với chủ trương sáp nhập vì bộ máy bây giờ tinh gọn, làm việc hiệu quả, đỡ rườm rà hơn trước".

Cán bộ xã Phước Thành hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục trực tuyến tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ. Ảnh: Trần Phi.
Qua các buổi tiếp xúc với nhân dân, nhiều người dân trên địa bàn cũng đồng tình cao với phương án tinh gọn bộ máy, ủng hộ việc hiện đại hóa quy trình quản lý và kỳ vọng vào một chính quyền địa phương năng động, gần dân, giải quyết công việc nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh. Dù vẫn còn một số lo lắng về việc phải điều chỉnh giấy tờ cá nhân hay khoảng cách địa lý của một số thôn trở nên xa hơn, nhưng hầu hết tin tưởng những bất tiện này sẽ sớm được giải quyết khi bộ máy vận hành ổn định và thủ tục được đơn giản hóa hơn.
Ông Nguyễn Thanh Thông, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, khẳng định: "Việc sáp nhập không chỉ đơn thuần là hợp nhất địa giới hành chính mà là cơ hội lớn để địa phương chúng tôi tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại và hoạt động hiệu quả hơn. Chúng tôi luôn lấy người dân làm trung tâm phục vụ và sẽ ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho công dân".
Ông Thông cũng nhấn mạnh: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình sản xuất bền vững, đồng thời đẩy mạnh du lịch sinh thái, phát triển dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Chúng tôi cũng đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân."
Chủ tịch UBND xã Phước Thành khẳng định thêm: "Địa phương sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương, mở rộng kết nối tiêu thụ nông sản, tạo nền tảng cho kinh tế nông thôn phát triển bền vững".

Ông Nguyễn Thanh Thông khẳng định sáp nhập là cơ hội để xây dựng bộ máy hiện đại, tinh gọn và phục vụ tốt hơn. Ảnh: Trần Phi.
Trong những nụ cười, ánh mắt và cả sự trăn trở của cán bộ cấp xã ngày đầu tiên có thể cảm nhận được sự đồng lòng, niềm tin và khát vọng cùng nhau viết nên một chương mới cho vùng đất này. Phước Thành đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển toàn diện và những người đang ngày ngày miệt mài làm việc tại đây chính là những người đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình bền vững phía trước.