Cho thuê 3 ha hành lang thoát lũ làm… khuôn viên cây xanh
Khi sự việc xâm hại nghiêm trọng hành lang thoát lũ sông Hồng đã diễn ra nhiều ngày, rất nhiều hạng mục, công trình kiên cố trên bãi sông Hồng đã được thi công, hình thành mặt bằng bê tông kiên cố…, mới đây nhất, đầu tháng 6/2025, chính quyền quận Long Biên (thời điểm 1/7 đã thay đổi thành các phường mới sau hợp nhất) mới có các văn bản liên quan tới sự việc.

Công trình kiên cố xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Hồng. Ảnh: Kiên Trung.
Cụ thể, ngày 4/6/2025, UBND quận Long Biên ra văn bản số 1208 do Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Phạm Bạch Đằng ký với nội dung chấp thuận đề xuất của UBND phường Ngọc Thụy về việc ký hợp đồng ngắn hạn cho thuê đất bãi bồi sông Hồng, mục tiêu nhằm quản lý, khai thác chống lấn chiếm, đảm bảo cảnh quan đô thị khu đất giáp đền Rừng, tổ 10 phường Ngọc Thụy (nay là phường Bồ Đề).
Tổng diện tích khu đất bãi này lên tới hơn 30.147m2; thời gian thực hiện không quá 5 năm, trong đó diện tích trồng hoa, cây cảnh, thảm cỏ hơn 27.000m2; diện tích sân, đường nội bộ: 2.500m2.
Các hạng mục được cho phép đầu tư, gồm: cải tạo đất vườn để trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh; làm sân, đường nội bộ, chỗ để xe (lát gạch block hoặc đá dăm); nhà bảo vệ diện tích tối đa 20m2 bằng thùng container có thể di dời, tháo dỡ…
Từ văn bản chấp thuận của UBND quận Long Biên (cũ), ngày 23/6/2025 UBND phường Ngọc Thụy ban hành Kế hoạch tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai phương án, bao gồm các bước: chuẩn bị hồ sơ mời thầu và tuyên truyền kêu gọi nhà thầu đầu tư tham gia dự án; bán hồ sơ mời thầu)…

Công trình xâm hại diện tích lớn hành lang thoát lũ sông Hồng. Ảnh: Kiên Trung.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 23/6/2025, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Hoàng Văn Lực đã ký Hợp đồng cho thuê đất đối với ông Hoàng Xuân Mai; giá trị hợp đồng thuê 30.147,3m2, thời hạn 1 năm là hơn 510 triệu đồng, tương ứng 17.000 đồng/m2/năm.
Được biết, hiện trạng khu đất giáp đền Rừng (tổ 10) chưa được giao cho phường quản lý mà do cộng đồng dân cư và một số hộ dân sử dụng sản xuất nông nghiệp, trồng hoa màu…

Thực trạng "băm nát" hành lang thoát lũ sông Hồng để xây dựng công trình kiên cố. Ảnh: Tùng Đinh.
Như vậy, tính từ thời điểm UBND quận Long Biên có văn bản chấp thuận chủ trương, UBND phường Ngọc Thụy triển khai ký hợp đồng cho thuê đất bãi đối với hộ dân (vào ngày 23/6) cho tới nay mới hơn 1 tuần. Thế nhưng, mặt bằng hiện tại cho thấy, những công trình kiên cố xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Hồng gồm hàng ngàn m2 bê tông; hàng trăm cột bê tông kiên cố; san nền, đổ vật liệu san lấp làm đường đi; đào hồ nhân tạo trong khuôn viên bãi bồi… và rất nhiều cây xanh đại cảnh đã được trồng, nhiều cây nay đã nảy mầm, bật lá… Điều này chứng tỏ thời gian thi công phải được thực hiện từ trước đó rất lâu.
Người dân địa phương xác nhận, các phương tiện máy móc, công nhân xây dựng đã thi công từ nhiều tháng trước đó. Việc ban hành các văn bản, hồ sơ giấy tờ này phải chăng để hợp thức hóa những công trình sai phạm, chưa được chấp thuận của các cấp có thẩm quyền?!
Tuyệt đối không bao chiếm, xây công trình trong khu vực bảo vệ đê
Ông Hoàng Văn Lực (Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy trước đây), người ký các văn bản, hợp đồng cho thuê hơn 30.000m2 đất bãi bồi sông Hồng cho biết: sau hợp nhất, ông đã được điều động, phân công làm công tác chuyên môn, không còn phụ trách tại cơ sở.
Tuy nhiên ông Lực khẳng định, các nội dung liên quan thực hiện theo phương án quận đã phê duyệt. Chính quyền phường mới có trách nhiệm giám sát, tiếp tục thực hiện theo phương án đã ký. Nếu như chính quyền mới thấy phương án không đúng, không thực hiện theo hợp đồng thì hủy hợp đồng, dừng triển khai, thanh lý hợp đồng.

3 ha đất bãi sông Hồng nằm trong hành lang thoát lũ được UBND phường Ngọc Thụy (cũ) cho thuê để trồng cây xanh...

Nhưng thực tế đang đã được xây dựng những công trình kiên cố, bê tông... Ảnh: Kiên Trung.
Trả lời câu hỏi về việc, hợp đồng cho thuê đất mới được ký vào cuối tháng 6 nhưng việc san lấp, xây dựng các công trình kiên cố làm biến dạng hiện trạng bãi sông ban đầu, thi công trên hành lang thoát lũ sông Hồng, ông Lực cho biết: “Sẽ bảo anh em kiểm tra rồi thông tin lại!”.
Từ ngày 1/7, phần lớn diện tích phường Ngọc Thụy được hợp nhất với các phường Ngọc Lâm, Gia Thụy, Bồ Đề; một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Thượng Thanh, Long Biên để trở thành phường mới có tên phường Bồ Đề.
Ông Phạm Bạch Đằng (Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên trước đây) - người ký văn bản chấp thuận đề xuất phương án cho thuê đất bãi bồi sông Hồng của phường Ngọc Thụy (cũ), hiện được phân công đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND phường Bồ Đề mới sau hợp nhất.
Theo Sở NN-MT Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý hành chính đối với 31 vụ vi phạm pháp luật về đê điều trong đó có 27 vụ xảy ra tại các khu vực bãi sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đổ chất thải, tập kết vật liệu xây dựng, san gạt mặt bằng và xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều.
Dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 194 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD), trong đó có 108 điểm đang hoạt động và 86 điểm đã tạm dừng.
Để tăng cường hiệu quả quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, quản lý chặt chẽ đất công, đất nông nghiệp và đất ngoài bãi sông.
Thành phố yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bao chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép hoặc xây dựng công trình không phép trong khu vực bảo vệ đê điều; tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm, không tiếp tay cho các hoạt động vi phạm đê điều, xây dựng trái phép cũng được đẩy mạnh.