| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-MT đề nghị xử lý nghiêm vụ 'băm nát' hành lang thoát lũ sông Hồng

Thứ Năm 03/07/2025 , 18:35 (GMT+7)

Bộ NN-MT đề nghị TP. Hà Nội khẩn trương kiểm tra, làm rõ; buộc tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại bãi sông, lòng sông bị lấn chiếm về hiện trạng ban đầu.

Cận cảnh xâm phạm hành lang thoát lũ sông Hồng

Trên khu vực bãi bồi rộng hàng ngàn m2 liền kề với di tích đền Rừng (phường Bồ Đề, Hà Nội), hành lang thoát lũ sông Hồng đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Mới chỉ vài tháng trước, khu vực này vẫn xanh mướt màu xanh hoa màu, cây ngắn ngày. Toàn bộ khu vực bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn phường Ngọc Thụy (cũ) - nay là phường Bồ Đề. Riêng khu vực bãi giữa sông Hồng có tên gọi bãi Phúc Xá, trước đó được giao cho Đội sản xuất nông nghiệp Bắc Biên phụ trách, sau này đổi tên thành Đội sản xuất nông nghiệp Phúc Xá.

Toàn cảnh vị trí nơi bãi sông Hồng ở phường Bồ Đề, Hà Nội bị lấn chiếm để xây dựng mặt bằng kiên cố. Ảnh: Tùng Đinh.

Toàn cảnh vị trí nơi bãi sông Hồng ở phường Bồ Đề, Hà Nội bị lấn chiếm để xây dựng mặt bằng kiên cố. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều chục năm qua, các đội viên canh tác nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính quyền địa phương các thời kỳ cũng không xác lập pháp lý, giao quyền sở hữu cho các đội sản xuất đối với diện tích đất này.

Lý do đây là đất bãi bồi, nằm ngoài đê, thuộc hành lang thoát lũ sông Hồng. Theo quy định của Luật Đê điều, nó là đất hộ đê, không ai được phép xâm phạm, nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng công trình trên hành lang thoát lũ. Thế nhưng thời điểm hiện tại, một khoảng xanh đã bị xóa bỏ. Thay vào đó là công trình kiên cố bê tông, cốt thép đang được xây dựng, lấn chiếm hàng ngàn m2 đất bãi ven sông Hồng.

Hàng trăm cột bê tông được đổ trên khu vực đất bãi tạo lập một mặt bằng rộng hàng ngàn m2. Ảnh: Kiên Trung.

Hàng trăm cột bê tông được đổ trên khu vực đất bãi tạo lập một mặt bằng rộng hàng ngàn m2. Ảnh: Kiên Trung.

Mặt bằng này nối thẳng với khu đền Rừng cũ, vốn trước kia chỉ bao gồm 2 - 3 phủ thờ. Người dân phỏng đoán, Ban quản lý di tích đền Rừng đang cải tạo, tôn tạo khu di tích này.

Cổng vào di tích đền Rừng. Ảnh: Kiên Trung.

Cổng vào di tích đền Rừng. Ảnh: Kiên Trung.

Tuy nhiên, chưa có bất kỳ thông tin và thông báo nào từ chính quyền sở tại về dự án cải tạo, trùng tu đối với di tích cấp thành phố mới được công nhận vào tháng 2/2025, và mới tổ chức lễ đón nhận Quyết định công nhận di tích hồi tháng 4 vừa qua.

Mặt bằng vừa bị lấn chiếm nối liền với khuôn viên di tích đền Rừng. Ảnh: Kiên Trung.

Mặt bằng vừa bị lấn chiếm nối liền với khuôn viên di tích đền Rừng. Ảnh: Kiên Trung.

Trong trường hợp tôn tạo, trùng tu di tích cũng phải tuân thủ Điều 25 Luật Đê điều, tuân thủ Quyết định số 257 Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình của Thủ tướng Chính phủ; được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 429 ngày 21/4/2025.

Trồng cây, xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ sông Hồng. Ảnh: Kiên Trung.

Trồng cây, xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ sông Hồng. Ảnh: Kiên Trung.

Tiếp nối công trình bê tông kiên cố này là một mặt bằng rộng vài ngàn m2 đang thành hình, tạo lập khuôn viên trồng cây đại cảnh. Một hồ nước nhân tạo ở vị trí trung tâm đã được đào, diện tích lên tới cả ngàn m2; xung quanh là hệ thống đường đi. Điều đáng nói, tất cả các hoạt động này đều nằm trong hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê sông Hồng.

Để san ủi bãi bồi này, chủ đầu tư đã sử dụng 3 chiếc xà lan chở vật liệu san lấp, trạc thải, chất thải rắn… cập ở mép sông Hồng, sau đó dùng máy móc tiến hành san ủi. Một lượng lớn vật liệu san lấp ước tới hàng vạn m3 đã được đổ xuống vị trí này, và còn tiếp tục tăng cho tới khi dự án này hoàn thành.

Lũ trên sông Hồng dâng cao sau bão Yagi. Ảnh: Kiên Trung.

Lũ trên sông Hồng dâng cao sau bão Yagi. Ảnh: Kiên Trung.

Khôi phục về hiện trạng bãi sông, lòng sông như cũ

Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng đổ phế thải, trạc thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tại văn bản số 3703, Bộ NN-MT cho biết: Tình trạng đổ phế thải, trạc thải, san lấp mặt bằng, lấn chiếm bãi sông, lòng sông trên địa bàn TP. Hà Nội diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là khu vực bãi sông Hồng qua địa bàn các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên (cũ)... Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, gây cản trở thoát lũ, đe dọa đến an toàn của hệ thống đê.

Bộ NN-MT đề nghị TP. Hà Nội khẩn trương kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó buộc tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại bãi sông, lòng sông bị lấn chiếm theo hiện trạng ban đầu; tổ chức quản lý bãi sông, lòng sông trên địa bàn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, không để phát sinh vi phạm mới.

Giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông để đảm bảo khả năng thoát lũ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều đến tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức, thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 13/2/2025, Bộ NN-MT cũng có văn bản đốc thúc các địa phương gấp rút giải tỏa, thanh thải vật cản, xử lý vi phạm lấn chiếm bãi sông, lòng sông, phạm vi bảo vệ đê điều để đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ.

Bộ NN-MT cảnh báo: Năm 2024, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa lũ lớn, đặc biệt lớn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Hoàng Long… Lũ trên hầu hết các tuyến sông đã lên mức báo động III và trên báo động III, trong đó nhiều tuyến sông đã vượt mức lũ lịch sử (các sông Thao, Cầu, Đáy, Ninh Cơ, Kinh Môn, Gùa, Trà Lý, Bùi), một số trạm vượt mực nước thiết kế đê (sông Cầu tại Lương Phúc, Hà Nội; sông Đáy tại Phủ Lý, Hà Nam).

Để đảm bảo thoát lũ, an toàn đê điều, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ NN-MT đề nghị các tỉnh, thành phố gấp rút giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông, nạo vét, khơi thông lòng dẫn để đảm bảo khả năng thoát lũ.

Chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là việc xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông, tập kết vật liệu, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông; quản lý, sử dụng bãi sông, lòng sông trên địa bàn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 24 ngày 3/6/2013.

Bộ NN-MT cho biết, trong khi đó, những năm qua tình trạng vi phạm xây dựng công trình, tập kết vật liệu, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương làm giảm khả năng thoát lũ, gia tăng mực nước, gây áp lực rất lớn lên hệ thống đê điều (hệ thống đê điều đã xảy ra trên 800 sự cố, trong đó nhiều sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn đê).

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Huyện Khoái Châu coi thường pháp luật 'làm trước, xin sau'

Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Khoái Châu đã tự ý xây dựng dự án hạ tầng khu dân cư, trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Hưng Yên.

Hà Nội bưng bít thông tin vụ ‘vẽ’ dự án trên ‘đất vàng’

TP. Hà Nội ‘vẽ’ dự án có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng các hạng mục trong dự án được khái toán trước đây chỉ khoảng 7 tỷ đồng.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất