| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội khai thác tiềm năng đất đai ven sông Hồng

Thứ Sáu 16/05/2025 , 14:15 (GMT+7)

Khu vực đất bãi bồi ven sông Hồng được ví như 'lá phổi' của Thủ đô, rất phù hợp định hướng xây dựng đô thị xanh.

Tiềm năng đất đai chưa được “đánh thức”

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội (từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì đến xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên) được phù sa bồi đắp tạo nên 13 bãi nổi, bãi bồi, với hệ sinh thái tự nhiên và thảm thực vật phong phú. Bãi bồi giữa sông, đất bãi bồi, thường được gọi tắt là bãi giữa, với nhiều kiểu hình dáng, ở nhiều vị trí khiến cho dòng chảy lớn bị chia tách thành nhiều nhánh nhỏ. Bãi giữa và bãi bồi ven sông Hồng có diện tích rất lớn, được coi như “lá phổi” điều tiết khí hậu cho Thủ đô Hà Nội.

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có nhiều bãi bồi là tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với sinh thái du lịch. Ảnh: Xuân Vũ.

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có nhiều bãi bồi là tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với sinh thái du lịch. Ảnh: Xuân Vũ.

Các bãi giữa có hình dáng chung là hình thoi, xuôi theo dòng chảy. Bãi giữa sông Hồng rộng khoảng 23 ha. Đây là khu vực bãi bồi lớn và quan trọng nhất với Hà Nội nằm ở dưới cầu Long Biên, chủ yếu thuộc địa bàn hành chính quận Hoàn Kiếm, là một không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô.

Đi trên cầu Long Biên hẳn nhiều người sẽ dễ dàng quan sát thấy một bãi bồi giữa lòng sông hình thoi áp sát chân cầu. Tại địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình) giáp ranh quận Long Biên, bãi bồi này hình thành một "ao" hình thoi nằm chéo với chiều dài sông Hồng, nơi đây có một xóm thuyền bè neo đậu. Bãi bồi ven bờ hữu thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình ngày càng nở rộng, nhô cao lên trên mặt nước, thu hẹp dòng chảy sông Hồng…

Những năm gần đây, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi hơn bởi các công trình thủy điện trên thượng nguồn phát huy công năng trị thủy. Do đó, ngay cả khi mùa mưa, bãi bồi giữa sông Hồng vẫn hiển hiện là cánh đồng hoa màu mùa nào cây nấy, đồng thời cũng là điểm vui chơi ưa thích của nhiều người dân Hà Nội.

Đất đai khu vực bãi bồi rất màu mỡ nên ít phải sử dụng các loại phân bón hóa học trong canh tác nông nghiệp. Hiện nay có rất nhiều cư dân sinh sống trên bãi bồi, bãi giữa sông Hồng, canh tác nông nghiệp, đánh cá dưới sông và làm du lịch bằng việc phục vụ du khách tham quan các vườn hoa, chụp ảnh.

Năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000, đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu triển khai các quy hoạch khu vực bãi bồi ven hay giữa sông Hồng, một quỹ không gian khá lớn nhưng chưa được khai thác một cách hợp lý. Theo Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, khu vực sông Hồng chảy qua nội đô kéo dài từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì với dân số hơn 181.000 người, tổng diện tích khoảng 686 ha.

Khai thác hợp lý đất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung giao thẩm quyền cho HĐND thành phố xây dựng các quy định cụ thể hóa và UBND thành phố được quyền phê duyệt các quyết định xây dựng công trình trên các bãi sông. Những quy định mới đó là khung pháp lý quan trọng để vừa bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông. Hà Nội hoàn toàn có thể kỳ vọng về một thành phố ven sông với không gian rộng mở của các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái kết nối với không gian văn hóa truyền thống và các loại hình công nghiệp văn hóa dọc tuyến sông Hồng qua các quận, huyện.

Một số ý kiến cho rằng, điều mà dư luận quan tâm là thành phố sẽ làm gì với quỹ đất này. Trong khi đó, Hà Nội đang thiếu không gian mở, không gian cây xanh tự nhiên trong đô thị. Mặt khác, thực tế hiện nay do tính phi chính thức nên nhiều người dân ở các bãi bồi vẫn đang trong cuộc sống không nước sạch, không điện lưới, thậm chí nhiều trẻ em đến trường cũng rất gian nan.

Người dân bãi đá sông Hồng, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phục vụ du lịch. Ảnh: Xuân Vũ.

Người dân bãi đá sông Hồng, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phục vụ du lịch. Ảnh: Xuân Vũ.

Trước thực trạng người dân "khát" các không gian công cộng, Hà Nội đang hoạch định việc khai thác bãi bồi và vùng ven sông Hồng trở thành các không gian văn hóa, du lịch, môi trường hấp dẫn cho hoạt động cộng đồng và gìn giữ hệ sinh thái bền vững.

Hà Nội dự kiến cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi bồi nổi. Quỹ đất tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp truyền thống, thành phố đề nghị ưu tiên các loại cây trồng chịu úng tốt, cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực: cây hoa, hoa màu ngắn ngày, cây dược liệu và cây rau quả.

Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ sản xuất như lán, trại, công trình sơ chế, bảo quản nông sản. Công trình xây dựng từ 15 m2 đến 100 m2 tùy theo diện tích đất nông nghiệp. Đối với hình thức sử dụng quỹ đất tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, tổ chức, cá nhân được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình, trong đó có khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, khu công cộng, đón tiếp, quản lý, đào tạo và điều hành, dịch vụ, khu vườn sinh thái...

Trong lúc chưa đầu tư phát triển thành công viên, đô thị ven sông, việc tạo điều kiện cho người dân “an cư” để yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần phát triển Thủ đô là điều cần thiết. Từ đó sẽ huy động được các nguồn lực đầu tư căn cơ, tạo nên những không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời, picnic, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ; các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho trong phát triển du lịch của Thủ đô.

Xem thêm
Giá căn hộ khởi điểm chỉ bằng 50% giá thị trường

Những căn hộ cao cấp đã bàn giao với giá khởi điểm chỉ bằng 50% giá thị trường sẽ được Sunshine Group livestream vào ngày 1/7 tới đây.

TP.HCM: Biệt thự, nhà phố liền kề ‘ế ẩm’

Phân khúc biệt thự và nhà phố liền kề trên thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình trạng sức tiêu thụ giảm mạnh vì giá bán ngày càng đắt đỏ.

Bến Tre bãi bỏ 20 dự án đầu tư khu đô thị mới

HĐND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Nghị quyết bãi bỏ các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương đề xuất dự án đầu tư các khu đô thị mới trên địa bàn.

Bình luận mới nhất