Sông Tô Lịch có giá trị lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm và gắn liền với tiến trình phát triển của các thời kỳ Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, do quá trình bồi lấp, lưu chứa nước thải sinh hoạt của người dân thành phố, sông Tô Lịch trở thành dòng “sông chết”. “Làm sống lại những dòng sông xanh đã và đang chết dần chết mòn” là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội.
Nhiều phương án xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch đã được UBND thành phố Hà Nội thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, giải pháp nạo vét trầm tích đáy sông, thu gom, xử lý nguồn nước thải, nước mưa trước khi xả vào sông; cải tạo cảnh quan hai bên sông; rà soát, điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch về cấp thoát nước. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch được xem là hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện giải pháp này, Hà Nội dự kiến lấy nguồn nước từ sông Hồng, dẫn qua tuyến đường ống chạy ngầm có chiều dài khoảng 5,5 km về hồ Tây và sông Tô Lịch. Dự án sẽ hoàn thành trước tháng 9/2025.
Đảm bảo sau tiếp nước, sông Tô Lịch không còn mùi ô nhiễm
Bà Hoàng Thị Mai Hương, Phó Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng cấp, thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết: UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt làm sạch dòng sông Tô Lịch và hai bên hành lang bờ sông. Do đó, UBND các quận, huyện và các đơn vị vệ sinh môi trường, Công ty thoát nước đang tích cực phối hợp triển khai rất tích cực ngoài hiện trường, ngày đêm nạo vét bùn, vệ sinh lòng sông và xây dựng hệ thống thu gom nước thải; đồng thời kết hợp thực hiện giải pháp cấp nước bổ cập làm "sống lại" dòng sông. Bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, thời gian tới, dòng sông sẽ trong xanh, sạch sẽ, đảm bảo sau tiếp nước, sông Tô Lịch không còn mùi ô nhiễm, đáp ứng mong đợi của nhân dân.

Các đơn vị đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây lắp hệ thống thu gom nước thải sông Tô Lịch. Ảnh: Xuân Vũ.
Những ngày qua, không khí trên công trường nạo vét sông Tô Lịch luôn tất bật, hối hả. Nhiều công nhân không ngại khó khăn dầm mình trong dòng nước đen kịt ô nhiễm để cùng máy xúc, xà lan thực hiện việc nạo vét, khơi thông. Sau khi nạo vét được bùn, công nhân sẽ dùng máy hút bùn lên xe bồn để vận chuyển đi xử lý. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, phương tiện máy móc, thi công cả ngày lẫn đêm, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án, phấn đấu hoàn thành trong tháng 8/2025.
Mới đây, sau khi kiểm tra thực địa và nghe các đơn vị báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông ghi nhận, thời gian qua, các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp Thành phố, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tập trung, nỗ lực, cố gắng triển khai các nhiệm vụ được giao về cải tạo cảnh quan, xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Cảnh quan, môi trường dọc 02 bên sông Tô Lịch thường xuyên được quan tâm kiểm tra, vệ sinh, có nhiều cải thiện đáng kể...

Sông Tô Lịch đoạn thượng nguồn được nạo vét lòng sông, trồng cây thủy sinh, dòng sông đang hồi sinh, trong trở lại. Ảnh: Xuân Vũ.
Hiện nay Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo thành phố Hà Nội triển khai nạo vét bùn thải sông Tô Lịch giai đoạn 2; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo môi trường lòng sông sau khi nạo vét bùn, đảm bảo sau khi tiếp nước, dòng sông sẽ trong xanh, không còn mùi ô nhiễm.
Đối với việc cải tạo vỉa hè khu vực 2 bên sông Tô Lịch sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thực hiện vệ sinh môi trường, cải tạo vỉa hè khu vực 2 bên sông, bên phía nhà dân, để tạo cảnh quan đô thị thông thoáng, sạch đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Theo quan sát của phóng viên, sông Tô Lịch hiện nay đã nạo vét được khoảng 5 km khúc thượng nguồn, từ nút giao Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Đoạn sông đã làm vệ sinh sạch sẽ, cây thủy sinh đang lên xanh tốt, nước trong trở lại, hạn chế rất nhiều mùi hôi thối như trước đây. Để dòng sông Tô Lịch trong xanh, rất cần ý thức của mỗi người dân trên địa bàn trong việc bảo vệ dòng sông, không xả rác thải, phóng uế xuống dòng sông và bờ sông, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.