Trong khi đó, cơn bão lịch sử Yagi vừa xảy ra vào tháng 9/2024 vẫn còn nhãn tiền. Thời điểm đó, lũ trên sông Hồng ở mức "báo động đỏ", thậm chí còn gây nguy hiểm khó lường đối với cây cầu Long Biên.
Đại công trường trong hành lang thoát lũ sông Hồng

Công trình băm nát hành lang thoát lũ sông Hồng trên địa bàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), nay là phường Bồ Đề mới sau sáp nhập. Ảnh: Kiên Trung.
Nhiều ngày qua, khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc tổ dân phố số 10, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội (từ ngày 1/7 có tên mới là phường Bồ Đề) xuất hiện nhiều phương tiện máy cẩu, máy xúc… hoạt động rầm rộ, cấp tập. Hàng ngàn m3 vật liệu san lấp được đưa tới bằng xà lan tải trọng hàng ngàn khối, máy múc được huy động để múc chuyển lên bờ.
Khu vực bãi bồi trước đó là nơi canh tác hoa màu của người dân đã bị san ủi hoàn toàn, biến thành mặt bằng rộng hàng ngàn m2 kéo thẳng từ con đường dân sinh tới mé bờ sông, chạm ngấn nước mặt sông Hồng.
Một chuyên gia về thủy lợi, đê điều cho hay, với hiện trạng đổ vật liệu san lấp ra sát ngoài bờ sông, sát mép nước sông Hồng như trên, chắc chắn vi phạm Luật Đê điều nghiêm trọng.
Có mặt tại khu vực hành lang thoát lũ sông Hồng khu vực tổ dân phố số 8, tổ dân phố số 10 (phường Ngọc Thụy) vào những ngày cuối tháng 6/2025, phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường tận mắt chứng kiến thực trạng đang diễn ra trên đại công trường này.
Toàn bộ khu vực đang diễn ra cảnh tượng san lấp, tạo lập mặt bằng nói trên liền với mặt sau phía tiếp giáp sông Hồng của đền Rừng - công trình di tích lịch sử cấp thành phố mới được công nhận vào tháng 2/2025 vừa qua.
Tại vị trí thẳng ngõ phố 359A (tổ 10, phường Ngọc Thụy) ra bãi bồi ven sông, trước đó là cống thoát nước, nay được cải tạo và xây dựng lối lên xuống với các bậc bê tông kiên cố. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt, khu vực này đã bị quây kín để thi công. Rất nhiều chướng ngại vật được đặt tại lối lên xuống này để chặn đường lên xuống bãi bồi.

Công trình bê tông kiên cố xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Hồng.

Trước kia, khu vực này là bãi bồi, người dân canh tác rau màu nhiều chục năm qua. Ảnh: Kiên Trung.
Trên khu vực hành lang thoát lũ sông Hồng, một công trình kiên cố với hàng trăm cột bê tông làm chân đỡ đang được thi công cấp tập. Những hàng cột được xây dựng theo thiết kế, có khoảng cách đủ để sau này chỉ cần gia cố thêm một bức tường ngăn, hoàn toàn trở thành những phòng nghỉ hoặc một quầy ki ốt, diện tích mỗi quầy vài chục m2.
Theo quan sát, công trình bê tông kiên cố này có chiều dài khoảng vài trăm mét, rộng khoảng 5m, có những chỗ vươn ra tới vài chục mét; chiều cao mỗi cột bê tông khoảng 3m. Phía trên mặt được đổ mái bê tông hoàn thiện tạo thành mặt bằng rộng hàng ngàn m2.
Đứng trên mặt bằng vừa được tạo lập này, nhìn thẳng ra phía sông Hồng là khu vực bãi giữa nổi lên như một cù lao nhỏ; phía bên phải, khoảng cách chừng 1km theo đường chim bay là chiếc cầu Long Biên lịch sử.

Mặt bằng bê tông rộng hàng ngàn m2 được tạo lập trên hành lang thoát lũ sông Hồng.

Toàn bộ khu vực này hàng trăm năm qua là bãi bồi, người dân chỉ dám canh tác hoa màu, cây ngắn ngày. Ảnh: Kiên Trung.
Tuy nhiên, từ vị trí này quan sát được trực diện toàn bộ hiện trạng hành lang thoát lũ sông Hồng bị “băm nát” như thế nào!
Mặt đường dân sinh tổ dân phố 10 xuống đến mép sông có chiều dài lên tới cả trăm mét. Hiện tại, một bên cổng phụ của Di tích đền Rừng đang được tôn tạo thành một con dốc dài, đi qua công trình bê-tông kiên cố đang xây dựng là một mặt phẳng lên tới vài ngàn m2. Một chiếc hồ lớn rộng vài trăm mét nằm ở vị trí trung tâm, đối diện với trung tâm đền Rừng, cách mặt sông Hồng vài chục mét. Trên khu đất rộng vừa tạo lập, nhiều cây xanh công trình kích thước lớn, cắt trụi hết cành lá được trồng mới để tạo cảnh quan. Một con đường lớn sát mép nước cũng đang thành hình.
Phá nát bãi bồi ven sông Hồng để làm gì?
Quan sát từ trên cao, toàn cảnh chúng tôi ghi nhận được, khu vực hành lang thoát lũ sông Hồng đang bị xâm phạm tại vị trí Di tích lịch sử đền Rừng lên tới vài ha. Nếu như đơn vị thi công tiếp tục đổ vật liệu san lấp tôn cao nền, toàn bộ khu vực này sẽ được nâng cao lên vài mét, và khu vực mép sông Hồng kéo dài hàng trăm mét sẽ bị cứng hóa, trở thành vật cản thoát lũ.

Vị trí lối lên xuống bãi sông để người dân đi canh tác bị bịt kín bởi các chướng ngại vật và hàng rào tôn. Ảnh: Kiên Trung.

Việc san lấp kéo dài xuống tận bờ sông, sát ngấn nước mặt sông Hồng. Ảnh: Kiên Trung.

Thời điểm sau bão Yagi vào tháng 9/2024, Hà Nội báo động lũ sông Hồng cấp độ 2, cấm các phương tiện lưu thông trên cầu Long Biên. Ảnh: Kiên Trung.
Trong khi đó, cơn bão lịch sử Yagi vừa mới xảy ra vào tháng 9/2024, cách đây chưa đầy một năm. Thời điểm đó, mực nước sông Hồng tại Long Biên (ngày 10/9) lên 10,5m ở mức báo động 2, TP. Hà Nội phải phát lệnh báo động đến 10 quận huyện.
Khi đó, cầu Long Biên chỉ còn là một vệt kẻ mờ nổi trên mặt nước sông Hồng, toàn bộ khu vực bãi Phúc Xá, bãi bồi ven sông ngập chìm trong nước, và tất cả các phương tiện đều bị cấm lưu thông trên cầu Long Biên.
Việc san lấp, băm nát hành lang thoát lũ sông Hồng ngay sát nội đô Hà Nội, khu vực bị xâm hại lên tới nhiều ngàn m2 mục đích để làm gì? Công trình cứng hóa ngay sát vị trí cây cầu lịch sử, già nua có tuổi đời thế kỷ có gây tác động tiêu cực, làm nắn dòng chảy sông Hồng từ đó tác động trực tiếp tới sự an toàn của cầu Long Biên hay không?... Đó là những câu hỏi đang đặt ra trước sự bất thường này!

Công trường xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Đinh.
Một người dân sống lâu năm tại phường Ngọc Thụy cho biết: Khu vực tổ dân phố số 10 khi xưa vốn là làng Gia Thượng, sau đó có dự án tái định cư tại đây, bà con đã di dời vào phía bên trong, nhường đất cho khu tái định cư dân cư làng Ngọc Hà sang.
Đền Rừng vốn là ngôi đền do dân làng Gia Thượng (gốc) thờ tự, khi bà con chuyển vào trong, dựng lên đình làng Gia Thượng, hằng năm dân làng Gia Thượng vẫn tổ chức lễ hội, đám rước từ đình Gia Thượng sang đến đền Rừng. Đền Rừng trước đó vốn chỉ là một ngôi đền nhỏ, chưa mở rộng quy mô như ngày nay.
Tháng 2/2025, Hà Nội quyết định công nhận Đền Rừng là di tích lịch sử cấp thành phố. Nếu như việc xây dựng hiện tại nhằm mục đích trùng tu, tôn tạo di tích thì phải có rất nhiều cấp thẩm quyền phê duyệt.Thứ hai, phải căn cứ theo quy hoạch thoát lũ của hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, bởi đây là một trong những hệ thống sông lớn, có tác động liên vùng, liên tỉnh và là vấn đề an nguy của quốc gia!