Từ lâu, ở đất Nam Định dư luận đã phong thanh về một chiếc giường của vua chúa nạm đủ 86 viên ngọc quý, cẩn vô vàn trai, ốc quý hiếm. Thiết kế bảo vật này theo âm dương, ngũ hành, ai nằm trên đó một tối, sáng dậy người thấy lâng lâng, khoẻ khoắn như được ngậm sâm hay phục vài thang thuốc bổ... Cẩn ngọc làm nhụy hoa
Suốt mấy ngày la cà trên đất thành Nam, dò hỏi thông tin về "Chiếc giường giấc mộng đế vương” vẫn không có chút manh mối. May mắn thay, anh bạn thân làm giáo viên ở huyện Hải Hậu lại cho biết: “Cách đây sáu bảy năm, mình cũng được một lần… sờ vào chiếc giường này. Để mình liên lạc với thằng em ở xã Hải Phú, nó biết tường tận nhà ông chủ chiếc giường lắm”.
Buổi tối, thằng em ông bạn nhận lời dẫn đi, chúng tôi mừng quýnh, đội mưa rét, hăm hở lên đường. Trời tối om, nhưng nhà chủ nhân của món đồ cổ vương giả, ông Vương Văn Thực (xã Hải Phú, Hải Hậu) Hội viên Hội cổ vật Thiên Trường dễ tìm vì nằm ngay ở trục đường liên xã. Cánh cửa ngôi nhà tầng đồ sộ đóng im ỉm, từ đó hắt ra ánh đèn sáng, vọng tiếng sang sảng điện đàm không ngớt của gia chủ. Thằng em đứng ngập ngừng ngoài cổng rồi lén sang quán nước gần đó ngồi chờ chứ kiên quyết không chịu vào; hỏi nhỏ, ông bạn mới cho hay: “Nó ngại vào vì… tán trượt con gái rượu nhà người ta”. Được sự giới thiệu cũng rất đặc biệt ấy, chúng tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà chủ nhà. Trò chuyện lấy lệ một lát, tôi rụt rè xin phép được chiêm ngưỡng chiếc giường quý.
Chiếc giường để trên tầng hai, qua loạt lớp cửa chắc chắn, một hành lang tối hun hút, mờ ảo. Khi cánh cửa gỗ nặng nề xịch mở, đèn bật sáng, chúng tôi như hoa mắt trước một quầng ánh sáng lung linh đang hắt ra từ chiếc giường. Gần trăm viên ngọc bắt đèn sáng như mắt mèo, những vỏ ốc quý cẩn sáng như cầu vồng ngũ sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Có thể nói, những người thợ xưa phải khéo léo lắm mới chạm trổ được những đường nét công phu, tinh xảo dường ấy. Nào là hình Văn Vương đi cầu hiền, nào là những hình hoa, hình lá cách điệu. Giữa chiếc giường có sáu miếng đá lớn, vân vi như rồng bay, phượng múa, như nước chảy, mây trôi trong đó một miếng tròn, còn lại là hình vuông, tất cả sờ vào đều mát lạnh.
Kể về duyên số với chiếc giường này, bà Thực cho biết: “Hôm đó, tôi vào nhà ông Ngoạn trong xã Hải Ninh để mua đồ sứ và được giữ lại mời cơm. Ông ấy đáng tuổi bố mình, cũng có tiếng là sành chơi. Ăn cơm xong, tôi đi rửa bát, qua phòng của ông thấy có cái giường kiểu lạ lắm, hoa văn chạm khắc chưa từng thấy bao giờ, nhưng nó chỉ bé bằng nửa chiếc giường hiện nay thôi”.
Càng ngắm càng mê lịm người đi, như bị bỏ bùa, bà Thực mới đường đột: “Chú Ngoạn ơi, có chiếc giường kiểu này không, nhưng phải cổ cơ, cháu thích quá”. “Có, em Xin (con trai ông Ngoạn cũng là người buôn đồ cổ ở trên Hà Nội) cũng đang vào Cần Thơ săn một chiếc giường của vua, nó còn quý gấp chục chiếc giường này ấy chứ”. Nghe thấy thế, ngay lập tức bà Thực điện cho người con ông Ngoạn nằng nặc đòi mô tả thật tỉ mỉ chiếc giường.
Càng tả, càng kết, bà vật nài mua lại với giá trên trăm triệu (cách đây hơn mười năm, trị giá gần hai mươi cây vàng) dù chưa biết mặt mũi chiếc giường đó thế nào. Giới buôn đồ cổ, nhất là những đại gia trọng chữ tín lắm, bà Thực chỉ bảo: “Chú tả sai mà đem về đây, đồ không đúng đồ là chị không lấy, chú phải chịu trách nhiệm còn đúng như thế, chị không thèm bớt một xu”.
Thế mới biết “chất chơi” của bà Thực mạnh đến mức nào. Bà bảo, chơi đồ cổ, hễ thấy thích là bằng giá nào cũng mua bởi sểnh ra một cái có khi ân hận, tiếc cả đời. Chiếc giường có nguồn gốc tận Cần Thơ, tương truyền là giường của vua, được gia chủ truyền đời giữ gìn nhưng vì kinh tế eo hẹp quá, con cháu đành dứt ruột bán đi. Bảo vật được tháo ra, bọc trong tầng tầng, lớp lớp vải mềm, đệm xốp rồi được chở ra bằng ô tô. Sự vận chuyển cũng thật kỳ công. Ngày đó đường sá còn xấu, lại thêm thừa tính cẩn thận nên bà Thực gọi điện vào cho cánh chuyên chở lái sao cho phải tránh từng cái ổ gà, từng lằn giảm xóc, không được xước xát dù chỉ một li, một tí.
Đội xe hễ mệt là dừng nghỉ, đói là dừng ăn, ngày đi, đêm ngủ không cần chú trọng đến tốc độ. Chính vì vậy mà quãng thời gian chuyển từ Nam ra Bắc của chiếc giường mất ngót 1 tuần lễ. Về đến Nam Định, bà Thực thuê một tốp 4 người thợ mộc tinh nghề đến để lắp ráp từng mảnh của chiếc giường lại. Mất cả buổi vật lộn, cánh thợ mới hoàn thành công việc. Bà giảng giải: “Giường của vua có đặc điểm khác với giường công chúa là giường công chúa có bốn khung để mắc màn, cửa màn có riềm gỗ, trên đỉnh có sàn gỗ. Loại giường công chúa này, tôi bán nhiều nhưng đồ cổ như thế này tôi chưa gặp nhưng đồ “tai tái” (đồ cỡ dăm bảy chục năm - PV) tôi bán hàng trăm triệu nhưng cái giường cổ mà quý thế này có lẽ chỉ là duy nhất”. Chất liệu của giường làm từ những phiến gỗ của cây trắc vài trăm năm tuổi.
“Có ông Chủ tịch tỉnh B đến nhà cứ mê mệt với chiếc giường, đã trả giá trên tỉ, dùng đủ mọi cách thuyết phục kể cả biếu con gái nhà tớ kem dưỡng da loại xịn nhưng tớ không bán”, ông Thực cho hay.
Trước đây, khi chiếc giường này kê ở tầng dưới, ai vào cũng trầm trồ. Các đoàn buôn đồ cổ, kể cả mấy chuyên gia Trung Quốc dẫn theo cả phiên dịch đến cứ gạ mua suốt, gia chủ không muốn bán nên phải mang lên tầng hai, khoá kín cửa lại. “Giá cao nhất họ trả trên một tỉ”, gia chủ nói. Bà Thực còn hăm hở dẫn chúng tôi sang phòng cô con gái rượu và cả phòng vợ chồng bà. Tất cả đều nghễu nghện những bộ giường thuộc hàng “tai tái”, đồ sộ, giá cỡ hàng trăm triệu đồng.
Cuộc điện đàm của ông chủ giờ mới dứt. Ông Thực giới thiệu thêm về chiếc giường “Giấc mộng đế vương”. Long sàng này tương truyền do vua Trung Quốc tặng nhà Nguyễn. Những tảng đá trên giường cũng như toàn bộ ngọc quý được xếp theo thuyết ngũ hành tương sinh, ngũ hành tương khắc giúp cho người nằm trên đó an thần, ngon giấc, khoẻ mạnh. “Hoa văn được khắc trên đó là một đám cưới cung đình. Có công chúa, có ngựa, hươu, ô, kiệu, có rừng, có núi… Nghệ nhân Trung Quốc không khảm thực như thợ Việt Nam, tức là người ra người, ngợm ra ngợm mà khảm theo hình tượng, rất trừu tượng. Xem buổi tối chưa thể thích bằng ban ngày bởi khi ánh sáng chiếu vào vỏ ốc sẽ phản ra ánh sáng ngũ sắc tức năm bậc, cực kỳ thú, còn ngọc lúc ấy sẽ có màu rất huyền diệu”.
Chẳng hiểu có mê thuật gì nhưng theo bà Thực, ngủ trên giường rất ngon giấc: “Bình thường chú dậy sớm, cô dậy muộn nhưng nằm giường này ngủ thin thít, đã cẩn thận hẹn giờ rồi nhưng nhiều lúc quá cả tiếng mới biết, mở mắt ra, nắng đã quá đỉnh màn. Chiếc giường này chỉ dành cho khách quý nằm. Có khi mấy ông bạn chồng tôi đến uống rượu say lừ đừ lên giường nằm thế mà hôm sau ngủ dậy, mặt ai nấy hồng hào, người khoẻ, miệng không đắng, cứ như thể chưa từng có bữa rượu tuý luý”. Hiện giờ đang mùa lạnh, một chiếc đệm được đặt lên mặt giường nhưng mùa hè chỉ trải một chiếc chiếu trúc hoặc nằm trực tiếp. Mấy tấm đá mát lạnh, cứng là vậy nhưng điều đặc biệt là nằm lên chẳng hề đau mình mẩy mà lại cảm giác được thư giãn. Bà Thực cười: “Khi nào rảnh rỗi, nhà báo về nằm thử cho biết”.
Ông bà Thực là những người chơi đồ cổ có tiếng ở đất Nam Định, đã ba đời chuyên sưu tầm đồ sành sứ, đồ gỗ. Nhà ông chỗ nào cũng thấy những món đồ nhuốm màu thời gian mà bất cứ ai biết chơi cũng thèm thuồng. Nào là cuốn thư “Nữ trung hào kiệt” sắc phong cho Trưng Trắc, Trưng Nhị… trị giá cả trăm triệu đồng; những lọ, bình sứ đời Minh, đời Thanh (Trung Quốc) đến chiếc đồng hồ cổ thời Pháp thuộc, quả lắc đồng khắc dày đặc hoa văn, cao đến ngót 3 m, trị giá trên trăm triệu. Nhưng ông Thực lại mê những thứ thuộc về cuộc sống vương giả xa xưa.
Ngoài chiếc “long sàng”, quý thứ nhì trong nhà là bộ bàn ghế cũng của vua mà có người năn nỉ trả tới 600 triệu gia chủ cũng chưa ưng. Bộ bàn ghế này theo như gia chủ tiết lộ là bộ lá lúa mà vua Nguyễn tặng quan hai Pháp (khắc hình bông lúa mỳ nên gọi nôm là lá lúa). “Ngày xưa, những thứ thêu rồng, khảm rồng chỉ dành để vua ngự, dân phạm thượng là bị chém cổ ngay”. Mấy chiếc ghế có hình bông lúa mỳ quấn quýt xung quanh tay vịn. Nước gỗ nâu bóng màu thời gian, sờ vào mát lạnh như nước đá. Bộ ghế này được ông mua ở Nam Định nhưng không biết nó lưu lạc từ đâu về. Nước gỗ sau mấy trăm năm cứ bóng loáng như có quang dầu, đặc biệt trên mặt bàn có khảm một con rồng cực to bằng ốc quý sáng lấp lánh màu vàng. Trên mặt rồng, một chữ Vương được khắc theo lối chân phương dưới dạng Hán tự cổ.
Tối đó, trên chiếc giường gỗ tạp nhà anh bạn, chẳng biết do rượu, do gió biển mà tôi ngủ thin thít, trong giấc mơ còn chờn vờn một bóng rồng…