
Một sản phẩm trà shan tuyết lựa chọn giải pháp TrueData trong truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà đang trở thành yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Đây là thông điệp xuyên suốt được đưa ra tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia” do Công ty cổ phần Công nghệ Chống giả Việt Nam (ACTIV) phối hợp cùng Techfest Việt Nam tổ chức sáng 15/4.
Theo ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay, hàng giả, hàng nhái, sản phẩm kém chất lượng không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn là bài toán toàn cầu. Một sản phẩm lỗi hoặc gian lận nguồn gốc có thể khiến cả thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, gây tổn thất lớn về uy tín và giá trị thương hiệu quốc gia.
Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường, sở hữu trí tuệ và cam kết môi trường, netzero…, ông Trần Giang Khuê cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường truy xuất nguồn gốc.
"Đây là biện pháp thiết thực giúp đảm bảo minh bạch, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước", ông Trần Giang Khuê nói.
Từ góc độ đổi mới sáng tạo, TS Trịnh Bá Dương, Chủ tịch AseanHub, đại diện Techfest Việt Nam cho rằng, tình trạng làm giả hiện nay ngày càng tinh vi, không chỉ dừng ở sao chép hình thức mà còn giả mạo cả dữ liệu và mã truy xuất. Tem nhãn và mã vạch truyền thống đã bộc lộ nhiều bất cập và dễ bị làm giả.

Ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT ACTIV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT ACTIV cho rằng, thực trạng hàng không rõ nguồn gốc vẫn xuất hiện phổ biến trên các chợ truyền thống và cả các sàn thương mại điện tử. Điều này gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
TS Trịnh Bá Dương đề xuất mô hình tích hợp ba công nghệ gồm RFID - Blockchain - AI. Trong đó, mỗi sản phẩm mang mã định danh riêng, hỗ trợ lưu trữ thông tin và truy xuất không tiếp xúc (RFID); toàn bộ dữ liệu được lưu trữ dưới dạng sổ cái phân tán, không thể chỉnh sửa, đảm bảo tính minh bạch và chính xác (Blockchain) và phân tích dữ liệu lớn, phát hiện bất thường, cảnh báo sớm rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả (AI).
Mô hình này đã được nhiều quốc gia ASEAN áp dụng. Đơn cử như Thái Lan dùng RFID và Blockchain trong truy xuất sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc; Singapore sử dụng AI để kiểm soát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp trong ngành dược, nông sản đã bắt đầu triển khai truy xuất số hóa nhưng còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành.

Mỗi tem gắn chip TrueData trên sản phẩm hiện có giá 5.500 đồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Để giải bài toán minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ACTIV giới thiệu giải pháp truy xuất nguồn gốc TrueData – “căn cước điện tử” dựa trên nền tảng sử dụng chip RFID tích hợp, có khả năng lưu trữ và truy vết thông tin toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của sản phẩm. Các thông tin này bao gồm mã truy vết sản phẩm, mã địa điểm, thời gian từng sự kiện và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Theo ông Phạm Văn Thọ, mỗi chip RFID là một câu chuyện hoàn chỉnh, được mã hóa với độ an toàn tuyệt đối, giúp người mua hàng yên tâm khi sử dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc từ giải pháp TrueData. Qua đó, giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đặc biệt có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Công nghệ này cũng giúp kiểm soát tốt hơn hàng hóa nhập khẩu, từ đó tạo sự cạnh tranh công bằng với hàng trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban vận động thành lập Hiệp hội các Tổ chức Nghiên cứu, Ứng dụng giải pháp Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cũng chính thức ra mắt.