TPP khi đi vào thực hiện sẽ giảm thiểu tối đa các rào cản thương mại giữa 12 quốc gia thành viên, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Thỏa thuận được ký kết sau 5 ngày đàm phán căng thẳng tại Atlanta, Hoa Kỳ, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài tổng cộng 5 năm.
Việc ký kết bị trì hoãn liên tục mấy lần trong ngày Chủ nhật, vốn do các bên mà chủ yếu là Mỹ và Nhật Bản, Australia, New Zealand không nhất trí được điều khoản về bảo hộ quyền sáng chế dược phẩm.
Mỹ muốn mỗi loại dược phẩm mới ra đời sau khi TPP được thực hiện phải được bảo hộ trong thời gian 12 năm để khuyến khích các công ty dược mạnh dạn đầu tư nghiên cứu.
Tuy nhiên, Australia và New Zealand được sự hậu thuẫn của các tổ chức y tế dân sự chỉ muốn duy trì bảo hộ trong vòng 5 năm để có thể hạ giá thành dược phẩm nhanh hơn, một mặt giúp người nghèo có thể dễ dàng tiếp cận với các loại dược phẩm đặc trị, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách trợ cấp cho ngành y.
"Đây không chỉ là thắng lợi quan trọng của Nhật Bản mà cho cả tương lai của châu Á - Thái Bình dương", Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe nhận xét ngay sau khi tin ký kết chính thức được loan đi.
Để chính thức có hiệu lực, TPP cần tất cả các nước thành viên phê chuẩn.
TPP bao trọn tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội của từng nước tham gia, từ sản phẩm sữa hàng ngày tới công nghệ tân tiến và dược phẩm đặc trị.
Những người cổ súy cho TPP biện luận rằng thỏa thuận thương mại sẽ đem đến lợi ích hàng tỷ USD cho các nước thành viên.