Thứ Sáu, 18/4/2025 17:9 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM dự chi gần 12.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 4

Thứ Tư 09/04/2025 , 20:48 (GMT+7)

UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP.HCM xem xét ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Đường Vành đai 4 là tuyến giao thông chiến lược có vai trò kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. Trong đó, TP.HCM dự kiến bố trí gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách để tham gia thực hiện dự án.

Tuyến Vành đai 4 góp phần giảm tải cho các trục giao thông hiện hữu đang quá tải như Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và tuyến Vành đai 3.Ảnh: Thục Vy

Tuyến Vành đai 4 góp phần giảm tải cho các trục giao thông hiện hữu đang quá tải như Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và tuyến Vành đai 3.Ảnh: Thục Vy

Theo UBND TP.HCM, đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 207km, đi qua địa phận 5 tỉnh thành.

Cụ thể, tuyến đi qua TP.HCM dài 16,7km; Bình Dương 47,95km; Đồng Nai 46,08km; Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km và Long An 78,3km, trong đó có đoạn 3,8 km nằm trên địa bàn TP.HCM nhưng thuộc phần đầu tư của Long An. Riêng đoạn qua Bình Dương sẽ được triển khai độc lập theo nghị quyết của HĐND tỉnh này, còn lại các đoạn đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An sẽ được hợp nhất thành một dự án tổng thể, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Phần dự án tổng thể có tổng chiều dài khoảng 159,3km, tổng mức đầu tư dự kiến 122.774 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương khoảng 31.033 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 38.631 tỷ đồng và nguồn vốn BOT kêu gọi từ khu vực tư nhân khoảng 53.109 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến bố trí khoảng 2.054 tỷ đồng, tỉnh Long An 20,81 tỷ đồng, Đồng Nai 55,4 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không bố trí vốn trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM bố trí khoảng 9.929 tỷ đồng, Long An hơn 9.979 tỷ đồng, Đồng Nai 12.324 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu 4.268 tỷ đồng.

Tổng vốn ngân sách TP.HCM tham gia khoảng 11.983,88 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn triển khai dự án. TP.HCM đủ khả năng cân đối ngân sách hai giai đoạn nêu trên cho dự án theo phương thức PPP.

Để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, UBND TP.HCM đề xuất HĐND thành phố sớm thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án và chủ trương đảm bảo cân đối nguồn vốn gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để tham gia thực hiện.

Theo thiết kế, giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch 8 làn xe. Tuyến đường chính sẽ được xây dựng với quy mô cao tốc 4 làn xe, kèm theo 2 làn dừng khẩn cấp, đường gom và hệ thống đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh giúp tránh lãng phí chi phí và hạn chế xáo trộn đời sống dân cư trong các giai đoạn sau.

Sau khi hoàn thành, tuyến Vành đai 4 sẽ mở ra không gian phát triển mới cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp khai thác hiệu quả quỹ đất, thúc đẩy công nghiệp, đô thị và logistics. Đây là tuyến giao thông mang tính liên kết vùng cao, kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, góp phần giảm tải cho các trục giao thông hiện hữu đang quá tải như Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và tuyến Vành đai 3.

Vành đai 4 là tuyến đường có tính chất là đường vành đai liên vùng kết nối nhiều trục giao thông hướng tâm lớn, kết nối với các đầu mối giao thông quan trọng. Đặc biệt, việc khép kín đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm phục vụ an ninh, quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.

Xem thêm
Giá rao bán chung cư ở Bình Dương tăng 112% trong vòng 10 năm

Đó là thông tin được công bố tại sự kiện 'Toàn cảnh thị trường bất động sản Bình Dương: Sử sang chương' diễn ra ngày 15/4, tại TP.HCM.

Thảo Cầm Viên TP.HCM 'thoát nợ' thuê đất

Với quyết định chuyển từ cho thuê đất sang giao đất của UBND TP.HCM, Thảo Cầm Viên TP.HCM đã 'thoát nợ' thuê đất gần 800 tỷ đồng.