Quy mô lớn, tác động sâu rộng
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài tuyến chính 390,9km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai dài 143,29km, bắt đầu từ điểm nối ray với Trung Quốc và kết thúc tại phường Âu Lâu (TP. Lào Cai). Toàn tuyến có 18 nhà ga và 13 trạm kỹ thuật, riêng tỉnh Lào Cai bố trí 4 nhà ga và 5 trạm tác nghiệp kỹ thuật.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua tỉnh Lào Cai ước tính diện tích đất bị thu hồi khoảng 1.453ha, ảnh hưởng tới hơn 5.100 hộ dân. Trong số đó, khoảng 2.089 hộ cần được bố trí tái định cư. Ảnh: Mạnh Dũng.
Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, chỉ riêng kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua Lào Cai đã ước tính lên tới 8.229 tỷ đồng. Diện tích đất bị thu hồi khoảng 1.453ha, ảnh hưởng tới hơn 5.100 hộ dân. Trong số đó, khoảng 2.089 hộ cần được bố trí tái định cư. Ngoài ra, còn có 104 dự án đang hoạt động tại Khu công nghiệp Đông Phố Mới và hai Cụm công nghiệp Đông Phố Mới, Sơn Mãn - Vạn Hòa thuộc diện phải di dời để phục vụ thi công nhà ga Lào Cai mới.
Dưới áp lực lớn từ tiến độ và quy mô, tỉnh Lào Cai đã sớm bắt tay vào công tác chuẩn bị. Đến nay, toàn tuyến 143,29km đã được đo đạc hoàn chỉnh; công tác thống kê, kiểm đếm đã thực hiện đối với 1.196/1.887 hộ dân và 54/104 cơ sở sản xuất. Tỉnh Lào Cai đã ban hành thông báo thu hồi đất cho 841 trường hợp và lên kế hoạch bố trí tại 45 khu tái định cư tập trung. Trong đó, 3 khu đang được thi công xây dựng, các khu còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến sớm khởi công trong thời gian tới.
Chủ động gỡ khó, chuẩn bị mặt bằng cho khởi công
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề nhằm chủ động tìm giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ khởi công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đánh giá, tuyến đường sắt đi qua nhiều địa phương với điều kiện sinh hoạt và văn hóa khác biệt, khiến việc bố trí tái định cư trở nên phức tạp. Nhiều hộ dân gắn bó với tập quán sản xuất nông nghiệp tại chỗ, cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo đời sống ổn định sau di dời. Bên cạnh đó, việc di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất quy mô lớn tại các khu, cụm công nghiệp cũng đặt ra bài toán khó trong việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí địa điểm sản xuất mới phù hợp.

Tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm gỡ khó cho Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai.
Một thách thức khác đến từ việc điều chỉnh hồ sơ hướng tuyến và phạm vi giải phóng mặt bằng so với kế hoạch ban đầu, buộc các địa phương phải tiến hành đo đạc, kiểm đếm bổ sung, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thực hiện.
Người dân tại các địa phương có tuyến đường sắt đi qua nhìn chung đều đồng tình với chủ trương xây dựng tuyến đường sắt mới. Tuy nhiên, người dân cũng bày tỏ băn khoăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các khu vực dân cư đông đúc, đất nông nghiệp đang canh tác.
Một người dân tại xã Gia phú, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ dự án, nhưng mong các cấp chính quyền và chủ đầu tư có phương án đền bù thỏa đáng, đảm bảo sinh kế cho người dân sau khi bị thu hồi đất".
Ngoài ra, người dân đề nghị các cơ quan liên quan cần thông tin rõ ràng về quy hoạch, hành lang tuyến đi qua, lịch trình triển khai, đồng thời đảm bảo trong quá trình thi công không làm ảnh hưởng đến môi trường sống, giao thông nội vùng.

Cán bộ xã Gia Phú, tỉnh Lào Lào đang kiểm đếm các công trình của người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Mạnh Dũng.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án đường sắt diễn ra ngày 9/7 vừa qua, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trong quá trình triển khai Dự án, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, khảo sát lấy ý kiến từ doanh nghiệp và người dân địa phương nhằm đảm bảo dự án phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, hạn chế tác động tiêu cực.
Đồng thời tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các đơn vị cần phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc liên quan. Đặc biệt, cần ưu tiên xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo điều kiện mặt bằng sạch để khởi công dự án đúng kế hoạch vào ngày 19/12/2025.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong kết nối hạ tầng khu vực trung du miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy giao thương với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Việc đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án không chỉ mang ý nghĩa với riêng Lào Cai, mà còn có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế vùng và liên kết quốc tế.