| Hotline: 0983.970.780

Tôm giống được lượng, lo chất: [Bài 7] Chỉ sử dụng tôm giống có thương hiệu

Chủ Nhật 16/03/2025 , 09:42 (GMT+7)

Bạc Liêu Yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại trong nuôi tôm là con giống. Chỉ nên sử dụng tôm giống từ các công ty có thương hiệu, uy tín, nguồn gốc rõ ràng.

Ông Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Thủy sản Long Mạnh, kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Thủy sản Long Mạnh, kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Bí quyết nuôi tôm lãi 6-7 tỷ đồng/năm  

Tại ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, ông Long Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty Thủy sản Long Mạnh - triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành nuôi trồng thủy sản, ông Nghĩa đã áp dụng công nghệ hiện đại, giúp tăng tỷ lệ thành công, giảm rủi ro dịch bệnh và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Ghi nhận của phóng viên, ông Nghĩa đầu tư xây dựng hệ thống ao tròn nuôi tôm theo mô hình khép kín, giúp kiểm soát tốt các yếu tố môi trường như độ mặn, pH, oxy hòa tan và chất lượng nước. Các ao nuôi được lót bạt HDPE, có hệ thống sục khí, xử lý nước, quản lý chất thải nhằm hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh.

Ngoài ra, ông Nghĩa còn áp dụng hệ thống tuần hoàn nước để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tiết kiệm nguồn nước. Điều này giúp tôm phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, nâng cao năng suất.

Theo ông Nghĩa, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại trong nuôi tôm là con giống. Ông chỉ sử dụng tôm giống từ các công ty có thương hiệu, uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Trước khi thả nuôi, tôm giống đều được kiểm tra qua xét nghiệm PCR để loại bỏ mầm bệnh nguy hiểm như TPD (bệnh mờ đục trắng gan) và EHP (vi bào tử trùng).

Mô hình nuôi tôm ao tròn của Công ty Thủy sản Long Mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi tôm ao tròn của Công ty Thủy sản Long Mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

“Người nuôi cần biết rõ tôm giống mình mua có nguồn gốc từ đâu, tôm mẹ được bắt ở đâu, ngày đẻ và số lứa như thế nào. Điều này giúp kiểm soát chất lượng ngay từ đầu và giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi”, ông Nghĩa chia sẻ.

Mô hình nuôi tôm của ông Nghĩa không sử dụng kháng sinh, thay vào đó ông áp dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát vi khuẩn gây bệnh và tăng cường sức đề kháng cho tôm. 

Một trong những điểm đột phá của mô hình này là áp dụng công nghệ giám sát ao nuôi từ xa bằng cảm biến và camera. Nhờ đó, ông Nghĩa có thể theo dõi các chỉ số môi trường nước, tình trạng tôm ăn và hoạt động trong ao, giúp kịp thời điều chỉnh các yếu tố bất lợi để đảm bảo tôm phát triển tốt nhất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng (đội mũ cối) tham quan và đánh giá cao mô hình nuôi tôm của Công ty Thủy sản Long Mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng (đội mũ cối) tham quan và đánh giá cao mô hình nuôi tôm của Công ty Thủy sản Long Mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Hiệu quả kinh tế và tiềm năng mở rộng

Nhờ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tỷ lệ thành công của các vụ nuôi tại trang trại ông Nghĩa lên tới 100%. Với diện tích 20ha, ông Nghĩa xây dựng 36 ao nuôi, diện tích mỗi ao khoảng 800m2, được chia thành 4 khu. Mỗi năm, ông Nghĩa nuôi từ 4-5 vụ, trung bình đạt 50 tấn/ha/vụ, sau khi trừ chi phí, lãi 6-7 tỷ đồng.

Hiện tại, ông Nghĩa không chỉ nuôi tôm thương phẩm mà còn cung cấp tôm giống chất lượng cao cho thị trường. Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ từ con giống đến kỹ thuật nuôi, sản phẩm tôm của ông được nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi trong khu vực tin tưởng lựa chọn.

Ông Ngô Quang Hùng, nông dân nuôi tôm tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, thích thú khi tham quan mô hình nuôi tôm của ông Công ty Thủy sản Long Mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Quang Hùng, nông dân nuôi tôm tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, thích thú khi tham quan mô hình nuôi tôm của ông Công ty Thủy sản Long Mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Với hiệu quả kinh tế cao và khả năng thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, ông Nghĩa đang có kế hoạch mở rộng quy mô nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nuôi tôm tại địa phương.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Long Văn Nghĩa tại Bạc Liêu là một minh chứng rõ ràng cho sự thành công khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Việc kiểm soát chặt chẽ môi trường ao nuôi, lựa chọn tôm giống chất lượng và sử dụng công nghệ hiện đại đã giúp mô hình này đạt hiệu quả cao.

Hai phân khúc tôm giống

Theo ông Long Văn Nghĩa, thị trường tôm giống tại Việt Nam hiện nay có thể chia thành hai phân khúc chính.

Phân khúc thứ nhất, gồm các doanh nghiệp lớn, có uy tín lâu năm, sản xuất tôm giống theo hướng công nghiệp hóa với chất lượng ổn định. Tuy nhiên, giá thành tôm giống trong nhóm này khá cao, dao động từ 140-160 đồng/con, trong khi chi phí sản xuất chỉ từ 20-30 đồng/con. Mặc dù giá cao, nhưng người nuôi tôm công nghệ cao vẫn ưu tiên lựa chọn vì đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Ông Nghĩa kiểm tra tôm giống trước khi thả nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nghĩa kiểm tra tôm giống trước khi thả nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Phân khúc thứ hai, gồm các doanh nghiệp nhỏ, không đủ điều kiện đầu tư tôm bố mẹ và trang thiết bị hiện đại. Các đơn vị này thường mua tôm giống bị loại từ các công ty lớn và bán lại cho người nuôi tôm với chất lượng không đảm bảo. Tôm giống nhóm này có giá thành rẻ, dao động từ 20-100 đồng/con, nhưng tỷ lệ thành công khi nuôi rất thấp, dễ mắc bệnh và chậm lớn.

Ông Nghĩa khẳng định: Thành bại tại con giống, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Khi đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, chi phí con giống chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi phí. Do đó, để đạt lợi ích kinh tế, người nuôi nên sẵn sàng trả giá cao để có tôm giống chất lượng.

Những người nuôi tôm chuyên nghiệp, nhất là trong mô hình công nghệ cao, thường lựa chọn tôm giống từ các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Họ thậm chí có thể truy xuất thông tin chi tiết về tôm bố mẹ như nơi xuất xứ, ngày đẻ và số lứa. Việc lựa chọn tôm giống chất lượng giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tăng tỷ lệ thành công.

Cách nhận biết tôm giống chất lượng cao

Theo ông Nghĩa, trong 30 ngày đầu tiên sau khi thả nuôi, có thể xác định được tỷ lệ thành công của vụ nuôi. Nếu tôm giống kém chất lượng, chúng sẽ dễ mắc hai loại bệnh phổ biến. Thứ nhất, là bệnh TPD (bệnh mờ đục trắng gan), xuất hiện trong 10 ngày đầu, gây tỷ lệ chết cao. Thứ hai, bệnh EHP (vi bào tử trùng), thường xuất hiện sau 20 ngày nuôi, làm tôm chậm lớn và khó đạt kích cỡ thương phẩm.

Hai bệnh này chiếm tới 70-80% nguyên nhân thất bại trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện nay. Do đó, người nuôi ngày càng thận trọng trong việc chọn tôm giống.

Hệ thống xử lý nước. Ảnh: Trọng Linh.

Hệ thống xử lý nước. Ảnh: Trọng Linh.

Để đánh giá chất lượng tôm giống, ông Nghĩa đề xuất ba phương pháp chính: Thông tin từ Cục Thủy sản, người nuôi có thể theo dõi thông báo chính thức về các trại giống có nguồn tôm bố mẹ đạt tiêu chuẩn. Đánh giá trực tiếp tại trại giống, người nuôi có thể đến tận nơi để kiểm tra điều kiện sản xuất và chất lượng con giống. Xét nghiệm PCR và nhuộm huỳnh quang (AFB), đây là phương pháp xét nghiệm hiện đại giúp phát hiện mầm bệnh, đảm bảo tôm giống khỏe mạnh trước khi thả nuôi.

Ông Nghĩa nhận định, trong tương lai, người nuôi sẽ dần loại bỏ các trại giống nhỏ lẻ, kém chất lượng, thay vào đó tập trung vào những đơn vị sản xuất có uy tín và công nghệ cao.

Môi trường nuôi tôm ngày càng khắc nghiệt, buộc người nuôi phải nâng cao tiêu chuẩn trong lựa chọn tôm giống. Trước đây, khi điều kiện tự nhiên ổn định, người dân ít quan tâm đến chất lượng con giống. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng tôm giống quyết định trực tiếp đến tỷ lệ thành công của vụ nuôi.

Những trại giống đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc, kỹ thuật và công nghệ sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đủ điều kiện đầu tư và kiểm soát chất lượng sẽ dần bị loại khỏi thị trường.

Xem thêm
‘Đời du mục' theo vịt chạy đồng

ĐBSCL Hễ nghe nơi nào vừa thu hoạch xong lúa trên đồng, còn trơ gốc rạ và đất đủ mềm là họ liên hệ xin 'mua đồng' để thả vịt.

Xử lý hành chính hộ dân không chấp hành tiêm vacxin đàn vật nuôi

CẦN THƠ Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ đề nghị, sau khi vận động, người dân không chấp hành tiêm vacxin cho vật nuôi, cần xử lý hành chính để răn đe.

Đi tìm cây chuối phấn vàng trên đất Tổ

Theo chân anh Đinh Mạnh Cường, tổ viên tổ khuyến nông xã Tân Lập, (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tôi ngược dốc lên núi Chẹn thăm vùng chuối phấn vàng mới được khôi phục.

Krông Nô triển vọng thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao

ĐẮK NÔNG Với đà phát triển như hiện nay, Krông Nô có triển vọng trở thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông trong tương lai không xa.

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Biến lá khóm thành tơ sợi

TIỀN GIANG Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Gắn chặt quản lý rừng bền vững với giao khoán đất lâm nghiệp

Giao khoán đất lâm nghiệp từng được kỳ vọng mở ra cơ chế sử dụng đất hiệu quả, gắn người dân với rừng, nhưng sau 30 năm, tỷ lệ khoán dừng ở mức 27%.