| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp “xanh hóa” bệnh viện tại TP.HCM

Thứ Ba 15/10/2024 , 12:33 (GMT+7)

(TN&MT) - TP.HCM là địa phương tập trung số lương bệnh viện, cơ sở y tế nhiều nhất cả nước, khám, chữa bệnh cho hàng triệu lượt bệnh nhân mỗi năm. Nhưng để đạt mục tiêu xanh trong các cơ sở y tế của thành phố còn cần nhiều giải pháp.

Sức khỏe

Tìm giải pháp “xanh hóa” bệnh viện tại TP.HCM

Nhóm phóng viên {Ngày xuất bản}

(TN&MT) - TP.HCM là địa phương tập trung số lương bệnh viện, cơ sở y tế nhiều nhất cả nước, khám, chữa bệnh cho hàng triệu lượt bệnh nhân mỗi năm. Nhưng để đạt mục tiêu xanh trong các cơ sở y tế của thành phố còn cần nhiều giải pháp.

anh-1.jpg
Bệnh viện Chợ Rẫy bị phát hiện xả nước thải có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải

Còn nhiều tồn tại, sai phạm
Sở Y tế TP.HCM cho biết: hiện trên địa bàn thành phố có 131 bệnh viện, trong đó có 63 bệnh viện công lập và 68 bệnh viện ngoài công lập; 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức; 310 trạm y tế và hơn 8.000 phòng khám tư nhân.

Cũng theo số liệu của Sở Y tế, trong năm 2023, các bệnh viện, cơ sở y tế đã thải ra môi trường 3.600 tấn chất thải lây nhiễm, gần 4,5 triệu m3 chất lỏng y tế, gần 18.000 tấn chất thải sinh hoạt…

Như vậy, với khối lượng chất thải y tế “khổng lồ” này cần phải được xử lý nghiêm ngặt, đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, việc chấp hành các quy định về xử lý nước thải, chất thải y tế đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải sớm được khắc phục.

Điển hình như, cuối tháng 2/2024, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, Sở TN&MT, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố, Trung tâm Y tế các địa phương đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế.

Theo cơ quan này, qua kiểm tra đã ghi nhận phần lớn trạm y tế chưa có giấy phép môi trường hoặc các văn bản tương đương. Hệ thống xử lý nước thải bị hư hỏng chưa được sửa chữa. Hợp đồng thu gom và vận chuyển chất thải y tế đã hết hạn nhưng chưa thực hiện gia hạn; nội dung hợp đồng thu gom chất thải nguy hại chỉ thể hiện thu gom tại một địa điểm…

anh-2.jpg
Bệnh viện Từ Dũ không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

Còn đối với các bệnh viện lớn, ngày 22/7/2024 vừa qua, Thanh tra Bộ TN&MT đã ban hành 3 Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 17/KL-TTr ngày 22/7/202, Thanh tra Bộ TN&MT xác định bệnh viện Nhi đồng 1 tồn tại các vi phạm như: báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020, 2021 không đúng theo mẫu; không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từ ngày 13/4/2021 – 5/8/2022.

Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng 1 còn xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 - 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) - 400 m3/ngày (24 giờ). Với hành vi này, bệnh viện này đã bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt số tiền gần 333 triệu đồng.

anh-3-1-.jpg
Rác bủa vây trước cổng bệnh viện Hùng Vương

Tại Kết luận thành tra số 16/KL-TTr, Thanh tra Bộ TN&MT xác định Bệnh viện Chợ Rẫy xả nước thải có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải năm 2021. Đồng thời, yêu cầu đơn vị này thực hiện đúng các nội dung trong giấy phép môi trường thành phần đã được cấp; thu gom và xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi xả ra ngoài môi trường.

Còn tại Kết luận thanh tra số 19/KL-TTr, Bộ TN&MT chỉ ra Bệnh Viện Từ Rũ không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từ 21/9/2019 đến 20/1/2020. Đồng thời, bệnh viện không kịp thời có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết để đề xuất thay đổi thông số quan trắc định kỳ về nước thải cho phù hợp với thực tế hoạt động.

anh-4.jpg
Mặc dù có thùng rác bên trong khuôn viên bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng trên nền đất vẫn vương vãi nhiều băng gạc

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng Phòng hành chính Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn xác nhận, đơn vị này đã hoàn tất nộp phạt số tiền 320 triệu đồng theo quyết định xử phạt của UBND Thành vì chưa có giấy phép môi trường. Theo đó, bệnh viện đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế 250 m3/ngày đêm từ tháng 8/2010 nhưng không có giấy phép xả thải vào nguồn nước do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Không chỉ là những sai phạm do các cơ quan chức năng chỉ tên, hàng ngày người dân đến khám, chữa bệnh không khó để nhìn thấy bọc nilon, hộp xốp, vỏ bánh rơi vương vãi do hoạt động buôn bán đồ ăn khu vực phía cổng của nhiều bệnh viện. Điều này gây ra hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan, vệ sinh cho nhiều bệnh viện.

anh-6-1-.jpg
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đang thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng mô hình “bệnh viện xanh”

Nhiều tín hiệu “xanh”
Dù vẫn còn không ít những “điểm tối” về môi trường cần phải sớm khắc phục, nhưng rõ ràng hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế của TP.HCM đang từng ngày có những thay đổi tích cực. Nhiều bệnh viện lớn, nhất là các bệnh viện được đầu tư bởi các nguồn lực xã hội đang ngày càng tiến gần hơn đến tiêu chí xanh – sạch – đẹp.

Bà Trần Nguyễn Như Anh - Giám đốc Quản lý chất lượng, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: Thứ nhất, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xử lý nước thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn khác…Hệ thống xử lý nước thải y tế và nước thải sinh hoạt được kiểm soát chặt chẽ đạt theo quy chuẩn của Bộ TN&MT QCVN 28:2010/BTNMT, trước khi xả thải ra môi trường …Đồng thời, chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh, lưu trữ cẩn thận trước khi được đưa đi xử lý an toàn, đúng quy định.

Không chỉ vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn hướng tới mô hình bệnh viện xanh – sạch – đẹp, trong đó giải pháp trồng cây xanh đã được ưu tiên. “Chúng tôi luôn tận dụng các khoảng đất trống để trồng các loại cây xanh phù hợp. Thiết kế, xây dựng các tiểu cảnh ở xung quanh bệnh viện, bố trí các chậu cây xanh dọc các hành lang khu ngoại trú và nội trú nhằm tạo cảm giác mát dịu, dễ chịu cho người dân khi đến khám, chữa bệnh” – bà Trần Nguyễn Như Anh nói.

anh-8-1-.jpg
Mặc dù luôn trong tình trạng quá tải vì lượng người đến khám chữa bệnh đông đúc, nhưng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vẫn giữ được môi trường xanh – sạch - đẹp

Tương tự, Bênh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cũng đang thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng mô hình “bệnh viện xanh”. Ngoài việc đảm bảo vận hành hệ thống xử lý nước thải, rác thải đúng quy định và trồng nhiều cây xanh, bệnh viện này còn hoàn toàn sử dụng hệ trang bị các thiết bị chiếu sáng được dán nhãn năng lượng xanh, hệ thống điều hòa thông minh để tiết kiệm điện.

Đồng thời, bệnh viện đã xây dựng các hệ thống quy định, quy trình vệ sinh môi trường, huấn luyện cho nhân viên vệ sinh thực hiện và giám sát hàng ngày. Chủ động thuê đơn vị chuyên nghiệp thực hiện xét nghiệm chất lượng nước thải đầu ra nhằm đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường phải đạt các tiêu chuẩn cho phép.

Không chỉ ở các bệnh viện quốc tế, bệnh viện tư, nhiều bệnh viện công tại TP.HCM cũng đang từng bước khoác lên mình một tấm áo mới: xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Trong đó, đối với Bệnh viện Đại học Y dược – nơi có trung bình 8.000 lượt người khám bệnh/ngày, chưa kể bệnh nhân nội trú và người nhà, việc đảm bảo vệ sinh môi trường thực sự là một vấn đề nan giải.

Thế nhưng, trái ngược với sự đông đúc của một bệnh viện tuyến đầu, người dân đến khám chữa bệnh luôn cảm thấy thoải mái bới không gian xanh, sạch, đẹp từ khuôn viên cho tới quầy tiếp đón bệnh nhân, phòng phẫu thuật, buồng bệnh, nhà vệ sinh.

anh-9.jpg
Tới thời điểm này bênh viện Đa khoa Sài Gòn vẫn chưa có giấy phép môi trường vì đang quá trình khắc phục để xin lại giấy phép

Cần giải bài toán kinh phí
Những nỗ lực của các bệnh viện trong xây dựng không gian khám, chữa bệnh xanh – sạch – đẹp thời gian qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn là chưa đủ. Để “xanh hóa” toàn hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ phía các bệnh viện, người dân và sự chỉ đạo, vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản trị tòa nhà bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, mặc dù lãnh đạo bệnh viện rất quan tâm đến việc xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp. Tuy nhiên, do diện tích đất không đủ rộng nên mật độ cây xanh vẫn chưa đáp ứng theo tiêu chí của Bộ Y tế. Chưa kể, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải nên để thực hiện việc “xanh hóa” là một việc không hề dễ dàng.

Còn với góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, để xây dựng các bệnh viện, cơ sở y tế theo mô hình xanh – sạch – đẹp, cơ quan này thường xuyên triển khai văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở y tế thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định.

anh-10-1-.jpg
Do diện tích đất không đủ rộng nên mật độ cây xanh của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vẫn chưa đáp ứng theo tiêu chí của Bộ Y tế

Đặc biệt, Sở Y tế đã kiến nghị UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cần bố trí kinh phí cho các Trung tâm y tế thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng và đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, tăng cường tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ, nhân viên làm quản lý chất thải y tế.

Quay trở lại trường hợp khắc phục vi phạm của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng Phòng hành chính cho biết, tới thời điểm này bênh viện vẫn chưa có giấy phép môi trường vì đang quá trình khắc phục để xin lại giấy phép.

Theo ông Hùng, từ 2018 ,bệnh viện đã có công văn gửi Sở Y tế để xin xây mới công trình hệ thống xử lý nước thải. Nhưng mãi tới đầu năm 2024, Sở Y tế lại giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm chủ đầu tư để sữa chữa, cải tạo hệ thống xử lý nước thải với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.

“Đến nay, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn do không có kinh phí, tiến độ thực hiện chậm vì bên chủ đầu tư kéo dài thời gian, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện thoại trao đổi, nhắc nhở nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện” – ông Nguyễn Minh Hùng cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án sửa chữa, cải tạo hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn là một trong những dự án đầu tư công của TP.HCM đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn.

Như vậy để giải bài toán “xanh hoá” cho hệ thống y tế của TP.HCM cần có những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến ngân sách để gỡ vướng cho các bệnh viện công và thúc đẩy các nguồn lực xã hội đầu tư vào các bệnh viện tư đạt chuẩn.

Xem thêm
Sai lầm dinh dưỡng tạo cơ chế phát sinh tế bào ung thư

Sai lầm dinh dưỡng được các nhà khoa học xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các loại bệnh ung thư trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Hạnh phúc tuổi trẻ giữa dòng xoáy mưu cầu vật chất

Hạnh phúc tuổi trẻ không phải nháo nhào với danh lợi sôi sục, đó là thông điệp mà triết gia Jiddu Krishnamurti nhắn nhủ chân thành cho những công dân toàn cầu hôm nay.

Khách má hồng cũng đã hết nỗi truân chuyên

Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên không phải câu chuyện thời xa lơ xa lắc, mà vẫn ám ảnh những người phụ nữ bao phen chọn nhầm mối duyên nợ vợ chồng.

Máu nhiễm mỡ và hệ lụy từ lối sống không kiểm soát

Máu nhiễm mỡ diễn ra âm thầm nhưng lại phát sinh nhiều biến chứng khó lường, nếu mỗi người không có ý thức phòng ngừa trong ăn uống và sinh hoạt.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Bình luận mới nhất