Sự xuất hiện của nhóm thư pháp Tiền Vệ đầu tiên tại Việt Nam gồm: Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn, Trần Trọng Dương với chủ thuyết đưa thư pháp hiện đại vào Việt Nam đã khiến hiện trạng thư pháp nước nhà có thêm một dòng thư pháp mới.
![]() |
Nhóm Tiền Vệ |
Thư pháp không phải thứ sao chép
Theo các anh, thư pháp hiện đại là như thế nào?
Từ trước cho đến nay, cứ nhắc đến thư pháp, đa phần ai cũng chỉ biết đến thư pháp cổ và thư pháp quốc ngữ. Thư pháp cổ điển là thư pháp viết chữ Hán chữ Nôm, còn thư pháp quốc ngữ mới chỉ có khoảng vài năm, và hiện đang dừng lại ở mức độ trang trí trên bìa báo bìa sách. Những người viết “thư pháp chữ Việt” này cũng được gọi là “các ông đồ thời @”.
Thực chất, thư pháp chữ quốc ngữ nên được khuyến khích như một thú chơi lành mạnh, hơn là game hay những trò độc hại khác. Còn mệnh danh là “ông đồ” thì hơi quá, vì họ không đọc được mấy chữ Hán chữ Nôm. Chúng tôi không phải vậy!
Chán ngấy thư pháp cổ hay sao mà các anh “tự tiện” cho ra đời loại hình thư pháp Tiền Vệ?
Anh hiểu thế này nhé, anh thấy rằng, anh hay tôi không thể bắt nhịp được với đời sống và tinh thần của xã hội hiện tại. Vì thế, anh đã tiến hành giải phóng tư duy, thích nói thật, nói những câu chuyện trung thực của xã hội và công cuộc xây dựng đất nước. Những tác phẩm theo phong cách thư pháp hiện đại của anh đã phần nào nói lên được những điều ấy. Và chúng tôi là như vậy đấy
Các anh cho ra đời một loại hình thư pháp mới, phải chăng có sự mặc cảm vì không thể vượt qua được cái bóng “cổ nhân”?
Trong phương diện nghệ thuật, thư pháp đối với chúng tôi không phải là một thứ đi sao chép lại, nếu anh viết giống người khác, là anh đã tụt hậu rồi. Mình viết giống “cổ nhân” thì mình đã tụt hậu với “cổ nhân”, viết giống Trung Quốc thì hẳn mình tụt hậu với Trung Quốc. Mình có cái nền là truyền thống thì mình phải kế thừa và vượt qua để tạo ra được cái bản sắc riêng của mình, đấy mới gọi là nghệ thuật. Còn không thì chỉ là những “ông đồ” đi sao chép chữ mà thôi.
Ai gọi nó là rác, thì họ đang khó chịu với cái mới
Thế thư pháp Tiền Vệ khác với thư pháp cổ như thế nào?
Khác nhiều lắm, đó là nghệ thuật đương đại.
Tôi thấy nghệ thuật bây giờ đang quá lạm dụng 2 chữ “đương đại”?
Nói là đương đại vì thư pháp tiền vệ chính là sự cộng hưởng của nhiều loại hình nghệ thuật khác. Còn nếu bạn thấy chúng tôi lạm dụng “đương đại” thì cứ hiểu nó là “đương tại” đi.
Trong cuộc biểu diễn thư pháp gần đây, trong một không gian Thiền, có bối cảnh là ngôi nhà có câu đối, trong tiếng nhạc Thiền, có thắp hương, khấn nguyện và đốt trầm. Không chỉ có 1 hay 2 người biểu diễn trong không gian đó là người sáng tạo mà tất cả những người tham gia, công chúng đến xem cũng sẽ thiền theo không gian đó.
Ví dụ thế này, một bức thư pháp được viết chân phương thì đơn thuần chỉ là sự sao chép, tuy nhiên, nếu có sự hỗ trợ từ âm nhạc thì con chữ sẽ không được viết như “cổ nhân” nữa mà nó mang những xúc cảm thời đại
Tức là sự cộng hưởng của tất cả?
Có sự cộng hưởng. Chúng tôi chỉ xuất thần trong một khoảnh khắc và viết lên một tác phẩm, đấy là một cái mới. Tôi nghĩ đó là một cách kế thừa truyền thống và phát triển, có nét hiện đại mới mẻ.
… Còn việc đưa chữ Nôm vào thư pháp Tiền Vệ?
Đấy hoàn toàn là bản sắc Việt, chữ Nôm là cái độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Cũng có nhiều người gọi thư pháp của bọn anh là rác, “lẩu” hay “thập cẩm”, các anh nghĩ sao?
Tất nhiên cũng có sự nghi ngờ, người ta hay quan niệm rằng, thư pháp là phải đọc được nhưng chúng tôi có sự đề cao tính xúc cảm, xem được, đánh thức mọi giác quan khi đến với loại hình nghệ thuật này.
Nếu dùng chữ “thập cẩm”, rác hay “lẩu”, hẳn những người đó hơi khó chịu với cái mới. Tôi nghĩ, dùng đúng chữ phải là đa phương tiện, nếu gọi là “thập cẩm” cũng không vấn đề mà… hãy xem xét kĩ bản chất của nghệ thuật là gì rồi hãy gọi.
Giới phê bình đánh giá công việc của bọn anh thế nào?
Giới họa sĩ và nghệ thuật ở Việt Nam rất ủng hộ chúng tôi. Có thể kể đến như Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân, Như Huy…
Các anh nhắc hơi nhiều đến chữ phát triển, vậy theo các anh, phát triển của các anh có đi kèm với bảo tồn thư pháp?
Tôi nghĩ đơn giản thôi, bảo tồn có nghĩa là giữ nguyên, phát triển thì khác đi rồi. Trong thư pháp Tiền Vệ, có cả sự phát triển, chúng tôi không bỏ đi những gì cổ truyền, đường nét vẫn hồn xưa, khí phách vẫn là thư pháp đơn thuần. Tiêu chí quan trọng nhất vẫn là phát huy. Như vậy mới có thể tiếp thị thư pháp ra đến thế giới, vì chúng ta có bản sắc và cái mới. Bao giờ chúng ta cũng cần phải có quá khứ phía sau!
Có điều gì đáng hỏi mà tôi lại chưa hỏi không?
Có chứ! Chúng tôi sẽ đưa nghệ thuật thư pháp phản ánh những vấn đề xã hội. Một cuộc triển lãm phản ánh việc lưu manh hóa trí thức sẽ được ra mắt trong thời gian tới, chúng tôi là những người làm việc về đầu óc nên rất trăn trở nhiều về vấn đề này. Hiện nay, tri thức Việt Nam đang bị “bê tông hóa”, triển lãm sẽ kết hợp cả nghệ thuật sắp đặt, chúng tôi đóng sách, đập phá bê tông và… dùng bia mộ để viết thư pháp. Bia mộ không có nghĩa là mồ chôn và có thể báo hiệu sự hồi sinh, nghệ thuật sắp đặt chính là đưa lại những góc nhìn cho người xem và chung tôi hi vọng có nhiều góc nhìn khác, mới mẻ.