
Nhà văn - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc.
“Miền cỏ tranh” dày hơn 300 trang, đề cập trực tiếp đến các địa danh Bù Đăng, Bù Bốp, Bù Na, Bù Gia Mập, Phước Bính, Phước Long, Bom Bo, Đất Cuốc, Quảng Đức... Tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” chia làm 9 chương, với nhân vật chính là trinh sát Võ Lượng.
Tác giả của tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” là nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, sinh năm 1957 tại Hà Tĩnh. Gắn bó với quân đội hơn 40 năm, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi gần như cả đời văn Nguyễn Minh Ngọc chủ yếu viết về chiến tranh và hậu chiến, trong đó có thể kể đến tập truyện ngắn “Đất lành” và truyện dài “Đất thiêng”. Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cũng là người viết kịch bản bộ phim truyền hình “Cao hơn bầu trời” dài 50 tập về lực lượng không quân Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc tổ chức ra mắt tiểu thuyết "Miền cỏ tranh" sáng 5/7 tại TP.HCM. Đây là tác phẩm đầu tiên trong suốt hành trình dài sáng tác, được ông tự tin ghi thể loại là "tiểu thuyết", nên ông không giấu được niềm vui, muốn gửi gắm đến những người thân quen.
Với tiểu thuyết “Miền cỏ tranh”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đặt nhân vật trinh sát Võ Lượng giữa những đồng đội Tiểu đoàn 840, như một điển hình những năm tháng kiêu hùng và bi thương. Sự khốc liệt của đạn bom và sự can trường của cá tính, đã làm nên con người Võ Lượng và làm nên bức tranh cuộc sống người Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc.
Mảnh đất miền Đông Nam bộ thời khói lửa, từng xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm làm nên sự nghiệp của ba nhà văn được trao Giải thưởng Nhà nước là Nam Hà, Trần Văn Tuấn và Chu Lai. Nếu nhà văn Nam Hà có bộ tiểu thuyết “Đất miền Đông” hơn 2.000 trang, thì nhà văn Trần Văn Tuấn có tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” và nhà văn Chu Lai có tiểu thuyết “Nắng đồng bằng”.
Chọn bút pháp khác với những đàn anh đồng nghiệp, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc xây dựng “Miền cỏ tranh” trên nền tảng chất liệu được sàng lọc kỹ lưỡng. Nghĩa là tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” đan xen sự thật và hư cấu. Cao trào của “Miền cỏ tranh” được đặt vào bối cảnh: "Từ sau Mậu Thân, trên toàn miền Nam, phía cách mạng bị tổn thất nặng nề và gặp khó khăn nhiều bề. Hầu hết các cơ sở cũ đều bị phá bỏ với hy vọng chuyến này “tiến về Sài gòn” thì không trở lại nơi chốn giữa rừng xanh nữa. Tới khi bị tổn thất nặng, các lực lượng của ta phải rút từ nội thành và các đô thị về lại căn cứ thì lâm vào cảnh trắng tay, …hầu hết các cơ quan, đơn vị của ta đều không còn chỗ đứng chân. Bởi vậy, tất cả đều phải dạt sang đất Miên".

Tiểu thuyết "Miền cỏ tranh" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.
Tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” không mô tả chiến tranh, mà dựa vào không gian chiến tranh để khắc họa một cuộc giằng co giữa thiện và ác, giữa chân thành và thủ đoạn, giữa trong sáng và mưu mô. Vượt qua cái chết đã khó, mà vượt qua ích kỷ, vượt qua đê hèn còn khó hơn: “Mỗi con người đều có một số phận riêng, rất riêng, dường như tất cả được lập trình sẵn, thật khó có thể đổi thay. Tất cả như một cuốn phim tua nhanh trong tâm trí Võ Lượng, có đoạn vui, có khúc buồn, nhưng đọng lại vẫn là nỗi đau mất mát”.
Tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” lần mở quá khứ và trân trọng quá khứ. Tác giả dành một sự cảm thông và chia sẻ cho những người cầm súng vì Tổ quốc, vì phẩm giá con người: “Quãng đời lính chưa dài, nhưng cũng chẳng phải là ngắn, kể từ khi rời khu Lê nhảy núi, con người luôn cưỡng lại số phận đã đi đến tận cùng cuộc chiến. Trồng cây đắng hẳn không bao giờ cho trái ngọt. Võ Lượng tâm niệm và sống đúng như vậy”.
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc không đặt nặng việc tô vẽ những chiến công. Tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” dắt người đọc đi qua chiến tranh để trân trọng hòa bình, trân trọng từng khoảnh khắc được sống bình yên: “Trở lại Bù Gia Mập, anh dừng xe bên đường. Con mắt người lính chiến như thể bị thôi miên trước màu xanh vàng ngút ngát của trảng tranh. Những vạt cỏ tranh bị bom đạn thiêu rụi, mưa xuống, tua tủa cả một lớp ngọn mầm nhọn hoắt như chông đang giăng giăng. Màu xanh lá mạ. Chợt liên tưởng đến mảnh ruộng vẫn đi cày thuê hồi còn ở quê nhà, không kìm nổi, Võ Lượng đưa tay dứt một túm cỏ tranh. Anh đưa một cọng lên miệng nhấm. Đăng Đắng…”.