Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Phạm Tuấn - Chủ Nhật, 13/04/2025 , 08:08 (GMT+7)

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021).

Nguyễn Huy Thiệp sinh thời đã gây sửng sốt văn đàn với các truyện ngắn “Tướng về hưu”, “Kiếm sắc”, “Thương nhớ đồng quê”, “Những bài học nông thôn”, “Muối của rừng”… Trong di sản của Nguyễn Huy Thiệp có một tác phẩm khá đặc biệt là cuốn sách tiểu luận, vừa được tái bản với tên gọi “Trò chuyện với hoa thủy tiên và…”

Cuốn sách “Trò chuyện với hoa thủy tiên và…” có nhiều bài viết từng được Nguyễn Huy Thiệp công bố trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường) với bút danh Dương Thị Nhã. Trong đó, ông mạnh dạn kiến nghị một giải pháp công nghệ văn chương: “Thời hiện đại, công việc đào tạo nhà văn là rất cần thiết, cần phải xây dựng thành một “công nghệ”. Nâng cấp cho trường đại học viết văn Nguyễn Du, để nó gần với thiên nhiên hơn, gắn bó với xã hội hơn là rất cần thiết (chứ không phải là nhốt nó trong một ngôi nhà chật hẹp giữa Thủ đô). Có lẽ đã đến lúc người ta phải nghĩ đến một tuýp nhà văn khác (không phải tự phát, nỗ lực cá nhân, năng khiếu): lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm”.

Một đặc điểm của Nguyễn Huy Thiệp khi viết tiểu luận là ông nói “trắng phớ” ra những điều mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra, với thái độ: “Tôi không hề coi những ý kiến của tôi là chân lý, tôi chỉ nêu ra những suy nghĩ “nhầm lẫn” để mọi người trong giới văn học xem xét mà thôi”.

Như nhiều người cầm bút khác, Nguyễn Huy Thiệp suy ngẫm nhiều về nhiệm vụ, chức năng, hay “thiên chức” của văn học, mà theo ông, không nên đề cao quá mức, để sinh ra sự “sùng bái, sợ hãi”. Ở mức độ cơ bản nhất, ông vẫn đinh ninh “văn học là khoa học về con người”. Môn khoa học đó cần phải hướng con người vươn tới những điều tốt đẹp: “Viết về cuộc sống, viết về con người cũng là để tìm ra những “lẽ đời” thật đẹp và giản dị làm “tấm gương soi chung” cho mọi người. Đấy cũng là sứ mạng. Văn học có giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng”.

Trên hết, ông xác tín văn học có khả năng thôi thúc và thức tỉnh con người: “Nhà văn là gì? Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy. Nó là con vật nhạy cảm hết sức đáng thương với các thói xấu của cả bầy đoàn. Nó viết không phải vì nó, nó viết để cả bầy đoàn rút ra từ đấy một lợi ích công cộng, một lợi ích văn hóa.

Chúng ta hãy thử hình dung một người sinh ra, làm lụng, ăn uống, sống hoàn toàn mê man trong những phép tắc lề luật, những khuôn khổ đạo đức tù đọng, “hết ngày dài lại đêm thâu”, thời gian cứ thế trôi đi, rồi chết. Tất cả những điều ấy diễn ra vô nghĩa, tầm thường, quanh quẩn, không so sánh, không đối chiếu… như thế sẽ kinh khủng như thế nào. Văn chương không cho phép người ta sống thế, văn chương thôi thúc, đánh thức tất cả tiềm năng con người trong họ và cảnh tỉnh rằng: “Này! Sống thế nào thì sống, sống như thế khổ lắm, nhục lắm, sống như thế đểu lắm, khốn nạn lắm… Mau mau lên, sắp hết đời rồi.” Sự thôi thúc ở văn chương dựng người ta dậy”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tin tưởng vào sức mạnh của văn học: “Gạt sang bên sự nhếch nhác của hiện thực, nhặt ra những mảnh vụn sang trọng trong tư tưởng nhà văn, cưu mang nó, đấy chính là tiến bộ. Loài người đã nhích từng tí một đến chân lý nhờ những hạt vàng tư tưởng ấy. Nó cứu cuộc đời theo cách riêng của nó”.

Để văn học thực hiện được nhiệm vụ ấy và sứ mệnh ấy, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng người sáng tác phải gửi gắm vào tác phẩm những tư tưởng và tình cảm lớn mạnh, cao cả. Đó là “muối”, là “lòng tín ngưỡng với sự sống”, là sự “hướng thượng”, là “đạo”. Ông khẳng định: “Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Nhưng “đối với nhà văn không có lòng tín ngưỡng với sự sống thì những trang viết của anh chỉ có thể dừng ở mức độ viết kiếm ăn thôi chứ nâng lên được tầm văn hóa thì còn lâu mới với tới.”

Ý thức tín ngưỡng, hướng thượng, vươn lên sự cao cả, chân lý, cái đẹp, sự tuyệt đối phải là những hòn than ủ đỏ trong tác phẩm nhà văn. “Văn chương hay bởi có “lời đạt”, “lời đạt” là bởi có “đạo”, “đạo” xuất phát từ “tâm” tức là trái tim người viết. Đã không viết thì thôi, chứ viết ắt phải có tâm, phải có tấm lòng.

Cuốn sách gửi gắm nhiều suy tư văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.

Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, muốn tác phẩm có được những tư tưởng và tình cảm lớn, người sáng tác phải lao động nghiêm túc, phải nghiên cứu, tích lũy, đi thực tế, xê dịch, thậm chí phải “tự làm khó mình”. Bởi lẽ “muốn viết văn, nhà văn dứt khoát phải biết cách nghiên cứu con người. Bước đầu của việc nghiên cứu đấy là ngay từ đầu anh ta phải biết cách nhìn, biết cách quan sát bản thân mình, sau đó mới mở rộng ra quan sát “ngoài thiên hạ”. Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình”.

“Trò chuyện với hoa thủy tiên và…” đề cập đến nhiều vấn đề lý luận nền tảng trong văn học, như nhiệm vụ của văn chương, tư tưởng của tác phẩm và lao động của nhà văn. Quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp phản ánh tinh thần trách nhiệm của người cầm bút với xã hội.

Bên cạnh đó, với cuốn sách “Trò chuyện với hoa thủy tiên và…”, Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ nhiều kiến giải về một số thể loại văn học như truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết. Truyện ngắn, theo ông, là “viết dễ, khó thành, ít “đứng được”, có tính chất “ăn ngay”, “thời sự”, ví như những vũ khí “mi-ni””. Tiểu thuyết là thể loại “ăn tạp”, “dễ dàng hơn, thênh thang hơn”, phù hợp với thời đại mà văn học đã trở nên “dân chủ” hơn. Thơ “thật cao quý”, “biểu hiện sự thật”, nhưng cũng có phần “tráo trở và mập mờ”. Ông trăn trở cách thức thể hiện của mỗi thể loại, nhưng ông cũng thấy sự phân chia thể loại chỉ tương đối, và điều quan trọng là người sáng tác có “nội dung” gì để kể với mọi người.

Đặc biệt, Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra nhiều nhận xét bén nhọn về tình hình văn học ở nước ta thời ông được xem như một hiện tượng độc đáo. Ông bảy tỏ: “Chưa bao giờ văn học ở ta có những cơ hội lớn như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ khó như bây giờ… Hầu hết chúng ta đều thấy như văn học thiếu vắng những tham vọng to lớn. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái oăm, đôi khi đểu cáng”.

Ngoài ra, ông cũng thao thức về cách tổ chức hội nhóm nhà văn, về cách đánh giá của cơ chế thị trường đương đại “nghệ thuật phải bán được”... Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh, tạo điều kiện cho nền văn học phát triển là trách nhiệm chung: “Văn học có giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính. Một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá trị nghĩa là nhân tính mất đi. Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội”.

Phạm Tuấn
Tin khác
Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.