| Hotline: 0983.970.780

Nghệ sĩ Hữu Châu bồng bềnh trong chiếc nôi vàng giông bão

Thứ Sáu 04/07/2025 , 11:02 (GMT+7)

Nghệ sĩ Hữu Châu ở tuổi 59, kể lại cuộc đời mình một cách cởi mở trong cuốn sách ‘Chiếc nôi vàng giông bão’ vừa được ra mắt tại TP.HCM.

Nghệ sĩ Hữu Châu.

Nghệ sĩ Hữu Châu.

Nghệ sĩ Hữu Châu sinh ra trong một gia tộc cải lương lừng lẫy bậc nhất miền Nam. Bà nội của nghệ sĩ Hữu Châu là người sáng lập đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga và truyền lửa đam mê nghệ thuật cho thế hệ con cháu.

Người cha Hữu Thìn qua đời khi anh mới 14 tuổi. Hữu Châu lớn lên giữa hai cái bóng rất lớn của cô ruột là nghệ sĩ Thanh Nga và chú ruột là nghệ sĩ Bảo Quốc. Không chỉ trụ vững trên sân khấu kịch nói, nghệ sĩ Hữu Châu còn có nhiều vai diễn ấn tượng trên màn ảnh.

Cuốn sách “Chiếc nôi vàng giông bão” được xác định là “bút ký chân dung”, do Thanh Thủy chấp bút. Nghĩa là nghệ sĩ Hữu Châu kể lại, còn Thanh Thủy ghi chép. “Chiếc nôi vàng giông bão” chia làm 8 phần, với 40 chương, tái hiện một chiều dài thăng trầm của sân khấu Nam bộ qua góc nhìn nghệ sĩ Hữu Châu. Chuyện riêng và chuyện chung tương tác trực tiếp, giúp công chúng hiểu thêm về dòng chảy nghệ thuật và số phận nghệ sĩ.

Người chấp bút cho cuốn sách, bày tỏ: “Chiếc nôi, trong ngôi nhà lớn nghệ thuật êm ấm và giông bão - vừa dịu hiền ru anh trong những giấc mộng vàng tuổi thơ - vừa quay cuồng trong nhiểu cơn lốc xoáy, mạnh mẽ hất anh vào cuộc sống bao la, khắc nghiệt và trần trụi, hun đúc cho chúng ta có được một nghệ sĩ Hữu Châu quý báu như một viên ngọc lấp lánh đa sắc màu”.

Trong sự bồng bềnh của “chiếc nôi vàng giông bão”, nghệ sĩ Hữu Châu bộc bạch chân thành: “Tôi nhớ thanh xuân. Một thanh xuân im lìm đầy lo toan, trăn trở, vụng về vá đắp, chống đỡ tứ phía dọc ngang. Tôi cũng nhớ một thanh xuân khá lôi thôi, bừa bộn, “hư”, tuy không đến mức bê tha, nhưng ăn chơi, nhậu nhẹt khí thế, lết bánh, không thua ai”. 

“Chiếc nôi vàng giông bão” khắc họa hành trình nghệ sĩ Hữu Châu hơn 40 năm đứng dưới ánh đèn sân khấu, để lại “những bài học lớn, những câu chuyện đẹp mà nay kể lại để vui, để nhớ với lòng biết ơn sâu sắc”. Từ vai diễn đầu tiên xuất hiện thoáng qua sàn diễn hồi mới 5 tuổi với “cát-xê” là cây cà lem đậu xanh, đến nay nghệ sĩ Hữu Châu đã có cho mình hàng trăm vai diễn đáng nhớ trong vai trò nghệ sĩ sân khấu.

Cuốn sách nhìn lại một hành trình nghệ thuật sân khấu.

Cuốn sách nhìn lại một hành trình nghệ thuật sân khấu.

Để làm một nghệ sĩ đích thực, ai cũng phải trả giá. Nghệ sĩ Hữu Châu thú nhận ông đã có một thời lận đận với nghề và gieo neo với đời: “Điều kinh khủng qua rồi, chịu đựng rồi cũng thành quen. Như nghề diễn vậy, phải làm sao để nhân vật nhập vào thật nhanh, thoát ra cũng nhanh để sống tiếp chứ. Tận cùng của nỗi đau là nụ cười. Tôi nghĩ sẽ không xảy ra những điều đau khổ nữa vì quá nhiều rồi”.

Lần theo miền ký ức miên man, nghệ sĩ Hữu Châu được chìm đắm vào mạch cảm xúc năm tháng dĩ vãng cùng những người thực hiện cuốn sách “Chiếc nôi vàng giông bão”. Dù cấu trúc cuốn sách không mấy chặt chẽ và văn phong mờ nhạt cá tính, nhưng “Chiếc nôi vàng giông bão” vẫn thu hút bạn đọc nhờ sự chân thành của nghệ sĩ Hữu Châu: “Tiền bạc cứ hun hút, bào mòn hết thảy, vắt kiệt bao thanh xuân. Tôi nhiều lần chỉ vì mấy ngàn đồng bạc, chỉ vì nhiều bữa nhà không có tiền đi chợ,  mà nhắm mắt bước vô vài cuộc kiếm tiền lạ lùng. Tôi vô tình khám phá ra những góc vô cùng tối tăm của Sài Gòn by night, tối ngoài sức chịu đựng và tưởng tượng của một chàng trai trẻ còn ít nhiều mộng mơ”.

Nghệ sĩ Hữu Châu ký tặng sách cho người hâm mộ.

Nghệ sĩ Hữu Châu ký tặng sách cho người hâm mộ.

Dù “chiếc nôi vàng” nhiều “giông bão” và quan hệ thị trường nhiều áp lực, nghệ sĩ Hữu Châu vẫn giữ một niềm tin vững chắc vào nghệ thuật sân khấu trường tồn. Đứng trước những khó khăn mà sân khấu đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, nghệ sĩ Hữu Châu cho biết có chăng đó chỉ là sự phát triển trong cách thức khán giả thưởng thức nghệ thuật, đòi hỏi ở người làm nghệ thuật càng nhiều nỗ lực để thay đổi và đáp ứng phù hợp. Có lẽ cũng bởi vậy mà ngoài thời gian dành ra cho nghiệp diễn, nghệ sĩ Hữu Châu còn dành tâm huyết đào tạo những lớp nghệ sĩ trẻ, vun trồng và tưới tắm cho hạt giống nghệ thuật ngày càng được nảy nở tươi tốt.

Tại buổi ra mắt “Chiếc nôi vàng giông bão”, nghệ sĩ Hữu Châu khẳng định, bản thân ông không đủ để làm nên một cuốn sách, cũng may “sau lưng tôi, trên đầu tôi còn cả một khoảng thời gian của ông bà, cha mẹ, cô chú anh chị nữa. Nó dày lắm. Đó là sự nghiệp của gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga, trong đó có tôi, cũng đã kéo dài gần trăm năm rồi. Tôi nghĩ đến lúc này, sự hiểu biết của mình đã rõ ràng hơn, sâu hơn để có thể kể lại một cách mạch lạc nhiều điều”.

Xem thêm
Công an Hà Nội vào chung kết Cúp Quốc gia 2024/2025

Tối 26/6, Công an Hà Nội giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp Quốc gia 2024/25 sau chiến thắng 3-1 trước Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở Hải Phòng: [Bài 2] Triển khai đồng bộ bốn giải pháp căn cơ

Tiềm năng du lịch đường thủy ở Hải Phòng rất lớn, có thể tận dụng lợi thế từ cảng biển để phát triển du lịch đặc thù gắn với bảo vệ môi trường.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất