| Hotline: 0983.970.780

Nghi lễ nông nghiệp được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chủ Nhật 06/07/2025 , 12:12 (GMT+7)

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu (TP Huế) là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người - thiên nhiên - thần linh.

Ngày 6/7, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định ghi danh “Bhuôih Haro Tơme - Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở xã Nam Đông, xã Long Quảng, xã Khe Tre, TP Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Lễ hội mừng lúa mới (Bhuôih Haro Tơme) là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người - thiên nhiên - thần linh trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Diễn ra sau mỗi mùa thu hoạch, lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn thần linh, đặc biệt là thần lúa Giàng Haro, đã ban cho bản làng mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên và no ấm.

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Cơ Tu (TP Huế). Ảnh: V.D

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Cơ Tu (TP Huế). Ảnh: V.D

Được gìn giữ và truyền nối qua nhiều thế hệ, lễ hội là nét đặc trưng trong chu trình canh tác lúa truyền thống của người Cơ Tu, đồng thời là dịp quan trọng để cộng đồng sum họp, vui chơi và thắt chặt tình đoàn kết. Nghi lễ có thể diễn ra trong phạm vi từng gia đình hoặc quy mô cộng đồng toàn bản làng, với các hoạt động cúng tế, hiến sinh, múa chiêng trống, điệu múa Pađil Yayă, ẩm thực truyền thống và trang trí cột tế Xơnur đầy biểu tượng.

Việc ghi danh lễ hội Bhuôih Haro Tơme vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu tại Nam Đông - một vùng đất giàu truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong bản sắc văn hóa miền núi ở TP Huế.

“Đây là kết quả của quá trình sưu tầm, lập hồ sơ khoa học công phu do Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung (đơn vị tư vấn) phối hợp UBND huyện Nam Đông (cũ), Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế (cơ quan thẩm định) cùng với các nghệ nhân, già làng và cộng đồng thực hiện, là động lực để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống xã hội đương đại”, ông Hải chia sẻ.

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người - thiên nhiên - thần linh. Ảnh: V.D

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người - thiên nhiên - thần linh. Ảnh: V.D

Dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký quyết định chính thức đưa “Tri thức dân gian về Bún bò Huế” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tri thức dân gian.

Bún bò Huế không chỉ là món ăn nổi tiếng cả nước và quốc tế, mà còn là kết tinh của hàng trăm năm tri thức dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và kinh tế của món ăn đặc trưng mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô. Đồng thời cũng là bước đệm ý nghĩa trong lộ trình đưa Huế trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực.

Xem thêm
Tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự ASIAN Cup 2026

Thắng Guam với tỷ số 4-0 vào tối 5/7, tuyển bóng đá nữ Việt Nam dẫn đầu bảng E và góp mặt tại vòng chung kết ASIAN Cup nữ 2026.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở Hải Phòng: [Bài 2] Triển khai đồng bộ bốn giải pháp căn cơ

Tiềm năng du lịch đường thủy ở Hải Phòng rất lớn, có thể tận dụng lợi thế từ cảng biển để phát triển du lịch đặc thù gắn với bảo vệ môi trường.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất