Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Chủ Nhật, 11/5/2025 12:35 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Thắp sáng tương lai cho người dân vùng sâu

Chủ Nhật 20/04/2025 , 19:12 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Khi có điện lưới quốc gia, người dân làng vùng sâu Canh Tiến, huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) sẽ thoát khỏi cảnh đời tăm tối, mở ra hướng phát triển mới…

“Chia tay” với cảnh đời tăm tối

Canh Tiến, ngôi làng vùng sâu của xã Canh Liên (huyện Vân Canh,Bình Định) nằm lọt thỏm giữa ba bề là núi, một bề là mênh mông nước hồ Núi Một giáp ranh với xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn). Từ xa xưa đến nay, điện luôn là giấc mơ truyền đời của người dân làng Canh Tiến.

Anh Diệp Đăng Dũng (58 tuổi), một hộ người Kinh ở thị xã An Nhơn lên làng Canh Tiến định cư để mua bán tạp hóa từ thập niên 90 (thế kỷ 20), nhớ lại: Năm 2000, Nhà nước cấp cho làng Canh Tiến một máy phát điện 10 ngựa, công suất chỉ đủ thắp sáng được cho 60 hộ dân, nhưng do phải cấp điện cho đến 127 hộ nên máy quá tải, cháy. Máy hỏng, làng Canh Tiến tiếp tục được Nhà nước cấp máy mới công suất lớn hơn, 28 ngựa, thế  nhưng không máy nào trụ được, mang về chạy được vài tháng là hỏng. Máy hỏng, mỗi gia đình góp mỗi ít, được năm ba triệu thuê thợ về sửa, chạy được vài ba ngày lại hỏng tiếp do quá tải.

“Chính quyền thôn khuyến cáo người dân rằng điện chỉ được thắp sáng chứ không dùng máy hát, đầu câm, âm ly… để tránh máy điện quá tải sẽ hỏng. Thế nhưng họ không nghe, bảo sướng được lúc nào hay lúc ấy, khi nào máy hỏng hẳn hay”, anh Dũng bộc bạch.

Trước đây, ở làng Canh Tiến có khoảng 40 hộ được dùng điện 'ké' từ những máy điện cá nhân mà không được sử dụng thoải mái. Ảnh: V.Đ.T.

Trước đây, ở làng Canh Tiến có khoảng 40 hộ được dùng điện “ké” từ những máy điện cá nhân mà không được sử dụng thoải mái. Ảnh: V.Đ.T.

Máy điện Nhà nước cấp hỏng hết, những hộ dân có điều kiện trong làng tự túc mua máy điện về dùng trong gia đình, ví như hộ anh Diệp Đăng Dũng. Vào năm 2014, anh Dũng mua 1 máy nổ loại F8 và cục phát điện hết 8 triệu rưỡi để sử dụng trong gia đình. Những hộ chung quanh có nhu cầu thì góp dầu vào để dùng điện, mỗi tháng góp 10 lít, nhưng công suất của máy chỉ đủ cung cấp cho 10 hộ. Khi ấy, từ những máy điện cá nhân, làng Canh Tiến có khoảng 40 hộ được dùng điện. Nhưng không được dùng thoải mái, ban đêm chỉ xem qua chương trình thời sự trên tivi và xem xong bộ phim là tắt. Số hộ còn lại vẫn chung sống với đèn dầu.

“Các cháu nhỏ ở làng Canh Tiến khá hiếu học. Tuy nhiên, ham học đến mấy mà đêm về không có điện thì việc học của các cháu cũng gặp trắc trở”, anh Dũng chia sẻ.

Làng Canh Tiến có 188 hộ dân, hơn 530 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Bana và Chăm Hroi. Không có điện lưới, việc tiếp cận thông tin của người dân làng Canh Tiến cũng rất hạn chế. Trăn trở với điều này, UBND tỉnh Bình Định quyết tâm đưa điện từ lưới điện quốc gia về làng Canh Tiến nhằm cải thiện đời sống và tạo động lực phát triển kinh tế cho làng vùng sâu.

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, làng Canh Tiến là căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong thời kỳ chiến tranh, là địa phương còn khó khăn nhất của huyện miền núi Vân Canh. Làng Canh Tiến nằm cách biệt, có địa hình cách trở, nên trước giờ không có đường giao thông vào làng, phương tiện đi lại khó khăn. Muốn tới làng Canh Tiến phải đi đường mòn từ xã Canh Hiệp qua đèo Nha Sam hoặc đi đò ngang vượt qua hồ Núi Một từ xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) mới có thể vào làng. Do không có điện lưới nên làng Canh Tiến không thể phát triển kinh tế, du lịch để cải thiện đời sống người dân tại địa phương. Do đó, đời sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn.

“Khi điện lưới quốc gia được kéo vào làng Canh Tiến, người dân ở đây có điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng khẳng định.

Điện lưới quốc gia đã về đến làng Canh Tiến. Ảnh:V.Đ.T.

Điện lưới quốc gia đã về đến làng Canh Tiến. Ảnh:V.Đ.T.

Điện thắp lên niềm hy vọng mới

Từ bức thiết trên, UBND tỉnh Bình Định quyết tâm đưa điện lưới quốc gia về làng Canh Tiến. Công trình cấp điện cho làng Canh Tiến do Công ty Điện lực Bình Định triển khai có quy mô lớn và phức tạp với 12,9 km đường dây trung áp xuyên rừng, 2,2 km đường dây hạ áp, 3 trạm biến áp 22/0,23 kV, 188 công tơ điện tử đo xa cùng hệ thống điện trong nhà cho tất cả hộ dân; tổng vốn đầu tư 9,2 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Công trình được khởi công ngày 17/12/2024, Công ty Cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước, đơn vị thi công, phải đối mặt với nhiều khó khăn. Công nhân phải thi công trong rừng sâu, leo núi dựng cột bằng tay, kéo dây qua đèo dốc, vận chuyển vật tư qua đường lầy lội.

Theo ông Lê Văn Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước, toàn tuyến hầu như đi qua rừng keo lâu năm, nhiều đoạn phải xin ý kiến điều chỉnh để đảm bảo không ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân. Mọi vật tư đều phải vận chuyển bằng sức người hoặc bằng ghe theo hướng từ hồ Núi Một (thị xã An Nhơn) vào.

Vật tư được vận chuyển bằng ghe theo hướng từ hồ Núi Một (thị xã An Nhơn) vào làng Canh Tiến. Ảnh: V.Đ.T.

Vật tư được vận chuyển bằng ghe theo hướng từ hồ Núi Một (thị xã An Nhơn) vào làng Canh Tiến. Ảnh: V.Đ.T.

“Công trình đi qua những cánh rừng trồng của dân nên phải vừa thi công vừa làm công tác dân vận để nhận sự đồng thuận của bà con. Thời điểm cuối năm 2024, mưa lũ tràn về làm đổ sập cả mảng núi kéo theo những cột điện vừa dựng xong, chúng tôi phải làm lại từ đầu. Công ty phải tăng cường nhân lực, vật lực, ưu tiên triển khai thi công công trình, sớm hoàn thành toàn bộ khối lượng công trình”, ông Long chia sẻ.

Công ty Điện lực Bình Định giao nhiệm vụ cho Điện lực Phú Tài hỗ trợ chi phí và thi công lắp đặt đường dây hạ áp, bảng điện và đèn chiếu sáng vào tận từng nhà dân, để các hộ dân nơi đây có điện dùng ngay khi điện lưới quốc gia về tới làng.

Đến nay, công trình đã hoàn thành tất cả các hạng mục, dự kiến lễ đóng điện làng Canh Tiến  sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4/2025, nhưng trong những ngày này người dân đã khấp khởi niềm vui. Nhìn những người dân làng Canh Tiến “đón” điện vào nhà bằng những nụ cười tươi roi rói, chúng tôi hiểu là niềm vui của họ lớn đến dường nào.

Ông Đinh Văn Tào, Trưởng làng Canh Tiến, xúc động bày tỏ: “Dân làng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có ngày được dùng điện như ở đồng bằng. Khi dòng điện quốc gia thắp sáng từng ngôi nhà nhỏ giữa đại ngàn, người dân sẽ có đời sống mới. Tối về bà con sẽ không phải sống trong cảnh tối tăm nữa, con cháu học hành cũng thuận lợi hơn, cuộc sống người dân sẽ khá lên”.

Người dân làng Canh Tiến 'đón' điện vào nhà bằng những nụ cười tươi roi rói. Ảnh:V.Đ.T.

Người dân làng Canh Tiến “đón” điện vào nhà bằng những nụ cười tươi roi rói. Ảnh:V.Đ.T.

Cũng theo ông Tào, từ nay, người dân Canh Tiến có thể lên kế hoạch mua sắm quạt, ti vi, đèn học, máy xay..., phát triển chăn nuôi, chế biến nông sản. Có điện lưới quốc gia là tiền đề để các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin viễn thông đến  gần hơn với người dân địa phương.

Theo ông Đinh Long Vân, Giám đốc Điện lực Phú Tài, giữa tháng 4 này, đơn vị đã hoàn thành lắp đặt toàn bộ công tơ điện cho các hộ gia đình, kiểm tra mọi công đoạn, chờ ngày đóng điện chính thức. “Chúng tôi xác định đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm xã hội. Anh em kỹ sư, thợ điện đã làm việc ngày đêm, bất kể thời tiết để kịp tiến độ. Nhìn bà con háo hức chờ mong, chúng tôi cảm thấy mọi nỗ lực của mình rất xứng đáng”, ông Vân chia sẻ.

“Đưa điện lưới quốc gia về làng Canh Tiến là dấu ấn trong hành trình xây dựng lưới điện nông thôn ở tỉnh Bình Định. Từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phát triển hệ thống điện an toàn, ổn định để phục vụ tốt hơn đời sống bà con vùng sâu, vùng xa” ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đọc nhiều nhất