Nông dân điêu đứng
Tại xã Hàm Thuận Nam, tỉnh Lâm Đồng, anh Trần Quốc Thắng, chủ trang trại thanh long rộng 46 ha sản suất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Hiện thanh long GlobalGAP của anh Thắng thu hoạch rất nhiều nhưng doanh nghiệp không thu mua xuất sang châu Âu. Ảnh: Kim Sơ.
Từ ngày 1/7, anh đã thu hoạch khoảng 50 tấn thanh long, nhưng doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lại không thực hiện giao dịch. Buộc lòng, anh phải bảo quản số lượng lớn này trong kho, song thời gian bảo quản thanh long chỉ khoảng 15 ngày, nếu không sẽ hư hỏng và mất trắng. Tình hình càng thêm khó khăn khi trang trại của anh Thắng còn khoảng 30 tấn thanh long dự kiến thu hoạch trong thời gian tới mà chưa biết bán cho ai.
Anh Thắng cho biết, từ nhiều năm nay trang trại của anh chuyên sản xuất thanh long GlobalGAP đáp ứng thị trường châu Âu với mức giá ổn định từ 18-20 ngàn đồng/kg ruột trắng và 28-30 ngàn đồng/kg ruột đỏ. Đặc biệt, thanh long xuất khẩu sang châu Âu yêu cầu size nhỏ (khoảng 10 quả/3 kg), nên rất khó bán cho các thị trường khác, càng khiến việc tiêu thụ nội địa trở nên khó khăn hơn.
Tương tự, trang trại thanh long Sơn Trà cùng xã Hàm Thuận Nam với diện tích 20 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP cũng đang rơi vào cảnh "khóc dở mếu dở".

Thời gian qua, thanh long GlobalGAP có giá thu mua ổn định và rất cao. Ảnh: Kim Sơ.
Chủ trang trại cho biết, 30 tấn thanh long đã thu hoạch từ ngày 2/7 để xuất đi châu Âu nhưng đến nay vẫn chưa thể xuất được. Dự kiến sắp tới sẽ thu hoạch thêm 20 tấn nữa, nhưng vấn đề vướng mắc chứng thư vẫn chưa có hướng giải quyết.
Nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ
Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, hiện khu vực Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng) có trên 26.000 ha thanh long, trong đó có trên 453 ha thanh long GlobalGAP.
Theo ông Cảnh, giá trị sản xuất thanh long GlobalGAP rất cao, hiện khoảng 28.000 đồng/kg mua tại vườn đối với thanh long ruột đỏ. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ cần kiểm tra hàng hóa không có dư lượng thuốc BVTV là có thể được cấp chứng thư để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Nông dân thu hoạch những quả thanh long chín. Ảnh: Kim Sơ.
Tuy nhiên từ ngày 1/7 vừa qua, phía châu Âu đang yêu cầu việc cấp chứng thư phải do cơ quan Nhà nước cấp, thay vì doanh nghiệp tự kiểm định hay thông qua các bên thứ ba. Chính sự thay đổi này đã tạo ra một rào cản lớn.
“Từ ngày 1/7/2025 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu không thể thực hiện được giao dịch do không có cơ quan cấp chứng thư theo yêu cầu trên. Điều này khiến hàng trăm tấn thanh long của nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu phải tồn đọng trong kho, đối mặt với nguy cơ hư hại và mất trắng nếu không được cấp chứng thư kịp thời để xuất đi”, ông Cảnh bày tỏ.
Theo ông Cảnh, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tìm ra nguyên nhân cụ thể của yêu cầu mới từ châu Âu và có giải pháp cấp bách để thiết lập quy trình cấp chứng thư bởi Nhà nước. Việc sớm tháo gỡ "nút thắt" này không chỉ giúp giải cứu hàng trăm tấn thanh long đang "mắc kẹt", mà còn giữ vững niềm tin của bà con nông dân và duy trì uy tín của thanh long Việt Nam trên thị trường quốc tế.