Trong bối cảnh nhiều loại trái cây đang mất giá, trái thanh long tại tỉnh Đồng Tháp cũng không tránh khỏi cảnh lao dốc nghiêm trọng. Giá bán thấp hơn cả chi phí sản xuất khiến nhiều nhà vườn buộc phải cắt bỏ nụ và trái non để cắt lỗ, hy vọng cải thiện tình hình ở vụ sau.
Tại các xã chuyên thanh long của tỉnh Đồng Tháp như Tân Thuận Bình, Mỹ Tịnh An, Lương Hòa Lạc bà con nông dân đang bước vào vụ thu hoạch thanh long chính vụ. Tuy nhiên, trái ngược với niềm vui được mùa, giá thanh long ruột đỏ chỉ còn chưa tới 3.000 đồng/kg, trong khi tháng trước vẫn còn giữ mức 10.000 đồng/kg.

Giá thanh long bán xô tại vườn là 2.500 đồng/kg, gần như chạm đáy. Ảnh: Minh Đảm.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một nông dân xã Tân Thuận Bình, ngậm ngùi chia sẻ: “Giá bán xô tại vườn chỉ 2.500 đồng/kg thì lỗ là chắc chắn. Dù vậy vẫn phải bán để dọn vườn cho vụ tới. Vụ thuận đỡ tốn tiền điện hơn vụ nghịch, nhưng mưa nhiều thì bệnh nhiều, phân thuốc cũng không thể cắt giảm được”.
Theo các doanh nghiệp thu mua, nguyên nhân khiến giá thanh long lao dốc chủ yếu do thị trường xuất khẩu chậm và đầu ra không ổn định. Hiện sản lượng thanh long tiêu thụ trong nước chiếm phần lớn, còn hàng loại 3 hoặc hàng dạt chủ yếu để làm nước ép hoặc mứt, giá trị thương phẩm thấp.
Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã chủ động cắt bỏ nụ, trái non để “cắt vụ”, giảm chi phí chăm sóc. Ông Nguyễn Văn Chính, chủ vườn thanh long gần 1 ha ở xã Mỹ Tịnh An cho biết: “Giá tại kho là 3.000 đồng/kg, lái mua tại vườn chỉ còn 2.000 đồng. Nếu giá 7.000 đồng còn lỗ, thì giá này lỗ nặng luôn. Bởi vì, tiền thuê nhân công hết 40 nghìn đồng/giờ, rồi giá phân, thuốc. Bây giờ tôi phải hái bỏ nụ, có vườn trái đã đến giai đoạn vuốt ngoe rồi mà con phải chặt trái bỏ”.

Ông Chính đang hái bỏ nụ thanh long. Ảnh: Minh Đảm.
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 10.000 ha diện tích thanh long, phần lớn nằm ở các xã thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trước đây. Giá thanh long rớt chạm đáy trong bối cảnh mùa mưa kéo dài khiến chất lượng giảm, trong khi thị trường xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc.
Do hiệu quả kinh tế giảm và không còn ổn định như trước đây, ở nhiều địa bàn, nông dân trồng xen các loại cây ăn trái khác vào vườn thanh long để thay thế. Bà con thường trồng xen mít, dừa xiêm hoặc phá bỏ hoàn toàn vườn thanh long kém hiệu quả để chuyển sang mô hình kinh tế khác.