Bể lưu giữ carbon hàng trăm năm
Than sinh học là sản phẩm thu được khi nung sinh khối như rơm rạ, lõi ngô, vỏ cà phê, vỏ điều, cành lá cây… ở nhiệt độ cao trong điều kiện thiếu hoặc không có oxy. Kết quả tạo ra một loại loại than giàu carbon, ổn định, khó phân hủy sinh học, có khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng và cải thiện cấu trúc đất.
Điểm đặc biệt của than sinh học là phần lớn carbon trong sinh khối ban đầu được “khóa” lại trong cấu trúc than bền vững, thay vì bị giải phóng ra không khí dưới dạng khói đen như khi đốt cháy thông thường. Khi đưa vào đất, than sinh học có thể lưu giữ carbon trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Than sinh học đưa vào đất có thể lưu giữ CO2 trong đất và tăng độ màu mỡ. Trong ảnh: Đất bình thường và đất chứa than sinh học. Ảnh: Allpowerlabs.
Theo các nghiên cứu quốc tế, trung bình mỗi tấn than sinh học có thể “khóa” từ 2,2 – 3 tấn CO₂ tương đương (CO₂tđ), tùy theo loại sinh khối và quy trình sản xuất. Trên thị trường tín chỉ carbon tự nguyện toàn cầu, các tín chỉ từ than sinh học được đánh giá là “carbon chất lượng cao”, không chỉ về tính bền vững mà còn về các lợi ích đồng thời cho môi trường và cộng đồng. Nổi bật là cải thiện môi trường đất, giúp thảm thực vật phát triển mạnh mẽ và qua đó càng lưu trữ CO₂ hiệu quả hơn. Thiên nhiên mất cả nghìn năm để tạo ra 2,5 cm đất mặt, nhưng than sinh học có thể làm điều đó chỉ trong vài năm.
Sản xuất tín chỉ than sinh học theo chu trình khép kín
Trong khu vực Đông Nam Á, một mô hình trồng tre làm than sinh học tại Chiang Mai, Thái Lan đang bán tín chỉ carbon. Mô hình do Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HAI) hỗ trợ triển khai, với mục đích chính là giúp người cao tuổi có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Đây là một chu trình khép kín: trồng tre, thu măng, đốt phế phẩm làm than, đưa trở lại đất để nuôi cây, giúp tre phát triển tốt hơn, măng nhiều hơn.
Ông Trần Ngọc Quyền, chuyên gia từ Văn phòng toàn cầu của Tổ chức HAI cho biết: Khi chúng tôi hướng dẫn sản xuất, người dân Thái Lan nhanh chóng nhận thấy lợi ích của “vàng đen” này. Trong khi phân bón hóa học cần bón lại sau mỗi 3–4 tháng, phân ủ từ than sinh học không có hạn sử dụng, giúp cải tạo đất hiệu quả, duy trì độ màu mỡ và giảm phụ thuộc vào các loại phân bón hóa học. Nếu đảm bảo đủ nước và phân bón, người dân thu hoạch măng quanh năm. Đặc biệt, giá măng cao hơn gấp 2-4 lần vào mùa khô khi măng khan hiếm.

Chi phí đầu tư dụng cụ làm than sinh học quy mô lớn trị giá 1.000 USD (tương đương 25 triệu đồng), có thể sản xuất 3-4 tấn than mỗi ngày, tương đương 1.000-1.500 tấn mỗi năm. Ảnh: HAI.
Về mặt số liệu, để chứng minh hiệu quả hấp thụ carbon, người dân Thái Lan thực hiện đo đếm thường xuyên: Với 1.600 khóm tre/ha, sản lượng đạt khoảng 268 tấn tre mỗi năm. Sau quá trình nhiệt phân, lượng tre này có thể chuyển đổi thành 60 tấn than sinh học, lưu giữ khoảng 54 tấn CO₂.
Trong mô hình này, tổ chức phi chính phủ làm cầu nối người dân với nhà đầu tư, hỗ trợ tập huấn các quy trình kỹ thuật từ trồng và chăm sóc tre, sản xuất than sinh học, cách thức đo đếm, chứng minh lượng giảm phát thải. Bên mua tín chỉ carbon là các doanh nghiệp trong nước, có nhu cầu tín chỉ để bù trừ lượng phát thải gây ô nhiễm của họ, hoặc xây dựng hình ảnh thương hiệu xanh và bền vững hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ở Chiang Mai (Thái Lan), giá bán tín chỉ carbon từ mô hình này đạt khoảng 150 USD/tấn CO₂, tương đương 29.600 USD/ha/năm (tức khoảng 740 triệu đồng).
Mô hình mới dành cho người cao tuổi Hòa Bình
Từ kinh nghiệm tại Thái Lan và một số dự án trên thế giới, HAI Việt Nam đang hỗ trợ người cao tuổi ở xã Cao Sơn, tỉnh Hòa Bình triển khai mô hình trồng tre kết hợp sản xuất than sinh học. Nòng cốt là những hội viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn xã Cao Sơn.
Thời gian đầu, người dân sản xuất than sinh học từ vật liệu sẵn có như cảnh củi, gỗ vụn, tre nứa... rồi ủ cùng phân chuồng và sử dụng cho vườn nhà. Chỉ trong 2-3 tháng, cây trồng sinh trưởng tốt hơn rõ rệt, tạo sức lan tỏa cho mô hình trong cộng đồng.
Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức HAI tại Việt Nam, những kỹ thuật chuyển giao cho người dân xã Cao Sơn đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. HAI đã xây dựng bộ phương pháp làm than sinh học dễ học, dễ làm nhất; chi phí đầu tư thấp và không yêu cầu phải có cơ sở hạ tầng. Người dân thậm chí chỉ cần đào một cái hố, tận dụng thùng sắt đã qua sử dụng...

Ông Phạm Xuân Dũng, 68 tuổi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Cao Sơn (tình Hòa Bình) cho biết, than sinh học mang lại hiệu quả cải tạo đất rõ rệt và được người dân ủng hộ. Ảnh: TN.
Mặt khác, nếu muốn mở rộng ra quy mô công nghiệp không hề khó. Chi phí đầu tư khoảng 25 triệu đồng để sản xuất sản xuất 3-4 tấn than sinh học mỗi ngày, tương đương 1.000-1.500 tấn mỗi năm. Thiết kế dự án hoàn toàn phù hợp với sức vóc người cao tuổi, dễ triển khai ở vùng nông thôn còn khó khăn hay bất kỳ nơi đâu phù hợp.
Thực tế tại Việt Nam, nguyên liệu sản xuất than sinh học rất phong phú và đa dạng. Các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ lạc, bã mía, vở trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, vỏ dừa, vỏ ca cao... rất sẵn nhưng phần lớn đang bị bỏ phí hoặc sử dụng với giá trị thấp. Theo ông Quyền, bước đi đầu tiên nên là xây dựng mô hình sản xuất than sinh học để phổ biến trong nước, có phương pháp đo lường tin cậy và hướng đến bán tín chỉ carbon cho doanh nghiệp trong nước. Khi các doanh nghiệp thấy rõ giá trị đầu tư, thị trường sẽ tự vận hành. Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông, đào tạo cho cộng đồng và cán bộ địa phương hiểu rõ lợi ích của than sinh học, từ cải tạo đất, nâng năng suất đến tạo thu nhập mới thông qua tín chỉ carbon.
Bà Đỗ Thị Hồng Dung, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng: Hiện nay phần lớn các mô hình sản xuất than sinh học còn ở quy mô hộ gia đình, rất ít có quy mô công nghiệp do nhu cầu thị trường chưa cao.
Trong xu thế phát triển xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0, việc kinh doanh tín chỉ carbon là cách tiếp cận mới và cho thấy hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, quan trọng là làm thế nào để chứng minh hiệu quả giảm phát thải và có đơn vị chứng nhận, phát hành tín chỉ carbon đủ tiêu chuẩn giao dịch. Việc này sẽ cần có sự hỗ trợ tích cực từ các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan quản lý trong việc xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích cần thiết.
Dự kiến năm 2028, thị trường carbon nội địa của Việt Nam chính thức vận hành. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, tín chỉ carbon từ than sinh học có thể trở thành một mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của ngành nông nghiệp.