Dự báo bão không đi vào đất liền Việt Nam
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão lúc 4h sáng nay (24/7) ở trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Cường độ cấp 8-9 (62–88km/h), giật cấp 11.
Nhiều khả năng bão sẽ không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam mà sẽ quay ngược ra ngoài Thái Bình Dương trong 24-48 giờ tới. Tuy nhiên, bão vẫn gây gió mạnh, sóng lớn cho vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, và khả năng tác động tới dải thời tiết xấu trên khu vực Bắc Bộ, gây mưa kéo dài sang ngày 25/7.

Ảnh vệ tinh về cơn bão số 4. Nguồn: Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia.
Dự báo từ ngày 24 đến đêm 25/7, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to (60–130mm, cục bộ có nơi trên 50mm).
Chiều và đêm 24/7, cao nguyên Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to (15–30mm, cục bộ có nơi trên 80mm).
Nguy cơ mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong vòng 3 giờ. Trong mưa dông có thể xảy ra: lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Từ ngày 26/7, mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có xu hướng giảm dần.

Dự báo đường đi của bão số 4 đến 5h sáng nay (24/7). Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Ai đặt tên cho bão?
Trước đây, các cơn bão thường được xác định bằng tọa độ địa lý gây khó nhớ. Việc sử dụng tên riêng giúp rút ngắn thời gian thông báo, giảm nhầm lẫn, đặc biệt hữu ích trong bối cảnh có thể có từ 2-3 cơn bão hoạt động cùng lúc trên một khu vực.
Từ năm 2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương - là thành viên Uỷ ban Bão thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) - đề xuất. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.
Việc đặt tên cho các cơn bão đã được áp dụng từ lâu nhằm xác định nhanh và rõ ràng từng cơn bão trong thông báo cảnh báo. Tên gọi ngắn gọn, dễ nhớ không chỉ giúp người dân dễ nhận biết và chú ý hơn, mà còn hỗ trợ các cơ quan truyền thông truyền tải thông tin thuận lợi, tăng cường khả năng ứng phó khi bão ập đến.
Theo quy định, những tên bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản sẽ bị loại bỏ trong các kỳ họp thường niên của Ủy ban Bão. Tại phiên họp gần đây nhất vào tháng 2/2025, Ủy ban Bão cũng đã thảo luận và chấp thuận loại bỏ một số tên bão gây hậu quả nghiêm trọng. Như cơn bão Trà Mi (do Việt Nam đặt tên), đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các địa phương của Philippines. Cơn bão Yagi (do Nhật Bản đặt tên) đã gây thiệt hại nặng nề đối với các tỉnh ở phía Bắc của Việt Nam trong năm 2024. Đồng thời, tên Sao La (Saola) cũng được thay thế bằng Sao Biển (Saobien) theo đề xuất của Việt Nam.