Bão số 3 (bão Wipha) đổ bộ từ trưa ngày 22/7 và đã gây gió mạnh, mưa lớn, nước biển dâng cao kết hợp triều cường cho khu vực ven biển. Sau khi vào đất liền, bão tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Đặc biệt, bão số 3 sau khi suy yếu vẫn gây mưa lớn cho khu vực thượng Lào và khiến lũ thượng nguồn sông Cả tại Nghệ An dâng cao, một số điểm quan trắc thủy văn xuất hiện lũ lịch sử.

Công an xã Mường Típ (tỉnh Nghệ An) lập chốt, cử lực lượng canh gác đoạn qua điểm sạt lở tại bản Xốp Típ. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an.
Thông tin sơ bộ về thiệt hại, theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 16h hôm nay, tỉnh Nghệ An ghi nhận 2 người thiệt mạng (1 người do lũ cuốn, 1 người do sạt lở đất) và 4 người bị thương. Thanh Hóa có 1 người bị thương.
Về nhà ở, có 687 ngôi nhà ở bị hư hỏng, tốc mái (tập trung tại Nghệ An 417 nhà, Thanh Hóa 251 nhà, Phú Thọ 19 nhà). Tổng cộng 3.351 nhà bị ngập (Nghệ An 3.237, Thanh Hóa 114 nhà).
Về sản xuất nông nghiệp, 89.716 ha lúa đã bị ngập, tập trung ở các tỉnh tâm bão đổ bộ là Hưng Yên 10.000ha, Ninh Bình 56.117ha, cùng với Thanh Hóa 23.599ha). Hiện các lực lượng đang khẩn trương bơm tiêu nước chống úng.
Ngoài ra, 4.375ha lúa, hoa màu bị gãy đổ, thiệt hại tại Thanh Hóa và Nghệ An. Mưa lũ cũng cuốn trôi, làm chết 9 con gia súc, 3.276 con gia cầm.
Thanh Hóa xuất hiện 63 vị trí sạt lở tại quốc lộ, tỉnh lộ; Nghệ An có 150 vị trí bị sạt lở, ngập lụt và 3 cầu treo bị cuốn trôi.
Riêng trong ngày 23/7 đã xảy ra 6 sự cố đê điều. Cụ thể, 2 sự cố nứt dọc mặt đê hữu Cầu và đê hữu Hồng, TP. Hà Nội; sạt mái đê bối Nam Quần Liêu, tỉnh Ninh Bình; sạt mái phía đồng đê Tây sông Cùng, tỉnh Thanh Hóa;; sạt mái phía sông đê kênh Tam Điệp, tỉnh Thanh Hóa. Các địa phương đã xử lý giờ đầu.
Công tác rà soát, thống kê thiệt hại sau lũ đang tiếp tục được triển khai.