Theo UBND huyện Tân Yên, tổng diện tích vải thiều toàn huyện năm 2025 là 1.375 ha, dự báo sản lượng ước đạt 15.500 tấn, tăng nhẹ so với 15.000 tấn của năm 2024. Trong đó, diện tích vải chín sớm chiếm 1.250 ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn.
Huyện tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP (1.250 ha) và GlobalGAP (500 ha), đồng thời xây dựng mới 6 vùng sản xuất vải chín sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích 50 ha tại các xã Phúc Lễ, Lãn Thịnh, Quất Du 2 và Phúc Hòa.
Thời gian thu hoạch vải năm 2025 của huyện Tân Yên bắt đầu từ cuối tháng 5, tập trung cao điểm vào đầu tháng 6 và kết thúc vào khoảng 25 - 30/6/2025. Đây là "thời gian vàng" để các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ vải được triển khai hiệu quả nhất.

UBND huyện Tân Yên dự báo sản lượng vải của huyện năm nay đạt khoảng 15.500 tấn. Ảnh: Hoàng Phong.
Về cơ cấu thị trường, sản lượng tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 3.500 tấn. Huyện Tân Yên xác định tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị Central Retail, Mega Market, Winmart+, chuỗi siêu thị Go!, Lotte... Đồng thời, vải Tân Yên sẽ tiếp tục có mặt tại các chợ đầu mối hoa quả lớn ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, khai thác tiềm năng của các khu vực này.
Thị trường xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiêu thụ khoảng 9.500 tấn, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống quan trọng. Bên cạnh đó, huyện tập trung vào các thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Hàn Quốc...
Cụ thể, 17 mã vùng trồng với tổng diện tích 856 ha, sản lượng dự kiến 9.400 tấn (tại các xã Phúc Hòa, Liên Sơn, Hợp Đức, Tân Trung, thị trấn Cao Thượng) đã được cấp để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đối với thị trường Nhật Bản, 3 mã vùng tại xã Phúc Hòa với diện tích 26 ha, sản lượng khoảng 300 tấn đã được phê duyệt. Thị trường Mỹ cũng ghi nhận 3 mã vùng tại xã Phúc Hòa, diện tích 40,4 ha, sản lượng 350 tấn. Tương tự, thị trường Thái Lan có 5 mã vùng tại xã Phúc Hòa, diện tích 62 ha, sản lượng 650 tấn.
Nhiều doanh nghiệp, thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp tác liên kết, giám sát tiêu thụ vải tại huyện. Hiện đã có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Mova Plus và City Food đăng ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng lớn. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp tiêu thụ truyền thống như Công ty cổ phần Toàn Cầu, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam... cũng đã quan tâm và cam kết tiêu thụ vải.

Huyện Tân Yên tập trung đưa vải thiều vào các thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Hàn Quốc. Ảnh: Hoàng Phong.
Nhận thức rõ vai trò then chốt của công tác chuẩn bị, UBND huyện Tân Yên đã lên kế hoạch chi tiết cho các hoạt động tiền mùa vụ. Giữa tháng 5/2025, huyện tổ chức hội nghị gặp mặt, tọa đàm với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các trưởng mã vùng trồng. Ngày 23/5, hội nghị kết nối, thỏa thuận hợp tác xúc tiến tiêu thụ vải đã được tổ chức, tạo sự thống nhất và chủ động trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, huyện Tân Yên cũng tiếp tục triển khai hiệu quả đề án phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thiết thực như tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phân tích mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm trước thu hoạch, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và phát triển sản phẩm OCOP.
Việc kiểm soát chặt chẽ khâu lấy mẫu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ vườn trồng đến tay người tiêu dùng, đặc biệt tại các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các vùng vải xuất khẩu được huyện đặt lên hàng đầu.
Công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bao gồm việc sử dụng tem nhãn, bao bì theo đúng quy định được huyện Tân Yên siết chặt. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, duy trì và mở rộng hệ thống biển mã QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm.