Từ đầu năm đến nay, Sơn La đã ghi nhận 698 trường hợp gia súc mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy với tổng khối lượng 34 tấn. Đặc biệt, đã xảy ra 3 ổ dịch trên vật nuôi tại các phường Tô Hiệu, Chiềng Cơi, Chiềng Sinh; ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại ở người tại xã Hua Nhàn (Tạ Khoa).
Đáng lưu ý, từ cuối tháng 6 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục và bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại nhiều xã, phường như Chiềng Cơi, Yên Châu, Mường Khiêng, Lóng Phiêng, Thuận Châu… Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho vật nuôi vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu bảo hộ dịch tễ.

Hộ nuôi lợn tại xã Yên Châu thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi lợn. Ảnh: Phan Trang.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Trong đó, cần huy động tối đa nguồn lực để triển khai phòng, chống dịch; phân công lực lượng giám sát dịch bệnh đến tận tổ, bản, tiểu khu, hộ chăn nuôi; kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để dịch lan rộng hay phát sinh ổ dịch mới. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp che giấu dịch, chậm báo cáo, làm lây lan dịch bệnh và hành vi bán chạy động vật mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường.
Các địa phương phải khẩn trương công bố dịch theo đúng quy định; xây dựng và tổ chức tiêm phòng vacxin đạt tối thiểu 80% tổng đàn vật nuôi đối với các bệnh nguy hiểm như dại, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp để nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các xã, phường chủ động bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vacxin để kịp thời ứng phó, khoanh vùng, dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn các xã, phường điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm, tiêm phòng vacxin, phun tiêu độc khử trùng, xử lý ổ dịch. Đồng thời chỉ đạo trạm kỹ thuật nông nghiệp các khu vực phối hợp với UBND cấp xã tăng cường giám sát, lấy mẫu, tiêu độc khử trùng môi trường. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát chặt việc buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh.
Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và môi trường trong chia sẻ thông tin, điều tra ổ dịch, ngăn chặn tác nhân gây bệnh lây từ động vật sang người như bệnh nhiệt thán, cúm gia cầm, bệnh dại…
Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan khu vực X, Ban chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, buôn bán động vật trái phép, đặc biệt là qua tuyến biên giới.
UBND tỉnh Sơn La cũng kêu gọi sự vào cuộc tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động hội viên, đoàn viên và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi, giữ ổn định kinh tế nông hộ.