Ý kiến những người trong cuộc
Tại tỉnh Nghệ An, hiện các trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện, thị xã, thành phố (cũ) đã được chuyển về thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh với tên gọi là các trạm DVNN và không còn pháp nhân riêng, con dấu, tài khoản riêng kể từ ngày 1/7/2025.
Ông Phạm Hoàng Mai, Trạm trưởng Trạm DVNN Quế Phong (tỉnh Nghệ An) nêu thực tế: "Trạm DVNN không có tư cách pháp nhân, không tài khoản, không con dấu sẽ không có sự chủ động về công việc thường xuyên cũng như hoạt động đột xuất.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, nay là Trạm Dịch vụ nông nghiệp Hưng Nguyên (Nghệ An). Ảnh: Đình Tiệp.
Trong quá trình thực hiện công việc sẽ không phát huy và khuyến khích được tính chủ động, sáng tạo của tập thể và từng cá nhân trong đơn vị. Việc phối hợp với xã, tổ chức, cá nhân… trong công tác chuyên môn như chỉ đạo phòng chống dịch trên cây trồng, vật nuôi, xử lý tiêu hủy động vật... mà các văn bản ban hành không có dấu, không có tư cách pháp nhân sẽ không có giá trị về mặt pháp lý.
Trạm thực hiện dịch vụ nhưng không có tài khoản và không có cơ chế tự chủ con dấu sẽ không thể thực hiện được các giao dịch dịch vụ thiết yếu tại địa phương, khó bố trí vị trí việc làm cho người lao động, nhất là lao động hợp đồng”.
Giám đốc một trung tâm DVNN ở tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, trong giai đoạn đầu, quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Cụ thể như việc sắp xếp lại bộ máy, điều chuyển nhân sự, việc xác định mối quan hệ phối hợp giữa trung tâm DVNN với UBND cấp xã cũng như với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y...
“Về mặt pháp lý, các trung tâm DVNN hiện nay trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường nên có thể xem là đơn vị ngang cấp với các Chi cục thuộc Sở. Tuy nhiên, do chưa có sự phân công cụ thể trong triển khai nhiệm vụ nên vẫn còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn trong công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vật nuôi – đây là nhiệm vụ của các trung tâm hay Chi cục Chăn nuôi và Thú y? Cách phối hợp, phân cấp ra sao hiện vẫn chưa được quy định rõ ràng. Việc dự báo, dự tính sâu bệnh, điều tra, khảo sát trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, rất cần có cơ chế hỗ trợ rõ ràng và phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc này”, vị giám đốc này chia sẻ.
Cũng theo vị này, hiện nay trung tâm DVNN thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ hơn so với trước đây, trong khi biên chế không tăng. Điều này sẽ khiến việc thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.
Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm DVNN Thạch Thành (Thanh Hóa) thì cho rằng, việc đưa các trung tâm DVNN về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ giúp công tác chỉ đạo, điều hành chuyên môn tập trung và thống nhất hơn. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, cần sớm làm rõ chức năng, nhiệm vụ giữa trung tâm với các chi cục, đơn vị liên quan, tránh tình trạng chồng chéo hoặc thiếu nhất quán trong triển khai công việc, đặc biệt là quan điểm "quyền anh, quyền tôi".
“Quyết định thành lập các trung tâm DVNN trực thuộc Sở đã được UBND tỉnh ban hành, nhưng Sở cần sớm cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm để việc phối hợp được đồng bộ, rõ ràng hơn. Nhiều văn bản hiện nay do các đơn vị chuyên môn tham mưu nhưng chưa đề cập vai trò của trung tâm, dẫn đến khó triển khai thực tế tại cơ sở”, ông Hùng chia sẻ.
Tìm mô hình tối ưu nhất
Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trưởng tỉnh Nghệ An khẳng định, việc chuyển các trung tâm DVNN cấp huyện (cũ) về cho ngành quản lý là chủ trương rất trúng, rất đúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành trong quản lý, sử dụng, điều hành bộ phận chuyên môn theo ngành dọc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thực tế cũng có bất cập là các trung tâm DVNN (nay gọi là các trạm DVNN) lại được chuyển về đơn vị sự nghiệp của Sở là Trung tâm Khuyến nông tỉnh quản lý.

Cán bộ có chuyên môn sâu về thú y hay bảo vệ thực vật ở cơ sở hiện còn thiếu. Ảnh: Ngọc Linh.
“Với vai trò lãnh đạo, bản thân tôi thấy rõ có những bất cập riêng trong quản lý chuyên môn. Thứ nhất, khi giao về Trung tâm Khuyến nông thì chức năng, nhiệm vụ của các trạm DVNN này cũng sẽ theo hướng của khuyến nông mà tỉnh đã ban hành chức năng, nhiệm vụ cụ thể trước đó. Các trạm rõ ràng sẽ bị chi phối bởi chức năng, nhiệm vụ của ngành khuyến nông. Vì vậy trong công tác dự tính, dự báo hoặc điều tra, phát hiện sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi sẽ gặp khó khăn bởi thẩm quyền, trách nhiệm bị chi phối bởi các quy định, các luật nên về lâu về dài có thể sẽ vướng”, bà Võ Thị Nhung chia sẻ.
Cũng theo bà Nhung, ở Nghệ An trước mắt sẽ xây dựng một quy chế phối hợp giữa Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y với Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Quy chế này Giám đốc Sở quán triệt một cách sâu sắc để hoạt động của toàn hệ thống ngành dọc về nông nghiệp đảm bảo thông suốt. Sở cũng giao trưởng 3 đơn vị này phải phối hợp tốt để triển khai thực hiện.
"Ở Nghệ An hiện dịch tả lợn Châu Phi đang phát sinh, ngành nông nghiệp đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thành lập một tổ công tác chung để triển khai phòng chống dịch tại các địa phương.
Lãnh đạo Sở hiện cũng đang giao Phòng Tổ chức cán bộ trước mắt tham mưu để Sở ra quy chế phối hợp cho tốt giữa các đơn vị. Đồng thời tiếp tục duy trì tổ công tác phòng chống dịch để thực hiện công tác này hiệu quả. Mặt khác chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tăng cường quân số quán xuyến ở cơ sở, đồng hành với 20 trạm DVNN để cung ứng các dịch vụ công mà trước đây các trung tâm DVNN làm để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc", bà Nhung cho biết.

Các địa phương vẫn đang tìm mô hình tối ưu nhất trong sắp xếp hệ thống các đơn vị ngành dọc về nông nghiệp để phục vụ người dân tốt nhất. Ảnh: Ngọc Linh.
“Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường đang giao Phòng Tổ chức cán bộ làm việc với lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y rà soát những khó khăn về lĩnh vực chuyên môn của từng lĩnh vực.
Đồng thời nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ, của tỉnh để tham mưu với lãnh đạo Sở trong việc sắp xếp các đơn vị cho hợp lý, hiệu quả. Mặt khác, nghiên cứu mô hình của các tỉnh bạn để sớm tìm ra mô hình tốt nhất vì mục tiêu chung của ngành và phục vụ người dân tốt nhất”.
(Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trưởng tỉnh Nghệ An).