| Hotline: 0983.970.780

Rùa Philippines vượt đại dương về Côn Đảo đẻ trứng

Thứ Ba 27/05/2025 , 08:54 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, một cá thể rùa xanh có dấu từ Philippines vừa vượt hàng nghìn cây số để đẻ 84 quả trứng tại Hòn Bảy Cạnh.

Sản phụ rùa xanh có quốc tịch Philippines lên bãi biển của Côn Đảo để hạ sinh 84 quả trứng. Ảnh: Văn Phái.

Sản phụ rùa xanh có quốc tịch Philippines lên bãi biển của Côn Đảo để hạ sinh 84 quả trứng. Ảnh: Văn Phái.

Cụ thể vào lúc 22h30 ngày 22/5, một "sản phụ" rùa xanh trưởng thành mang mã thẻ PH6854 (Philippines) đã cập bờ Bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo để đẻ trứng. Ngay sau khi hoàn thành quá trình sinh nở, cá thể rùa mẹ này tiếp tục được các nhân viên bảo tồn Việt Nam gắn thêm mã số CD4699, chính thức trở thành một cá thể rùa mang “hai quốc tịch”.

Rùa mẹ có kích thước ấn tượng: dài mai 93 cm, ngang mai 84 cm, nặng khoảng 90 - 100 kg. Dưới sự hỗ trợ của các nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo, cô rùa đã hạ sinh 84 quả trứng an toàn trong tổ cát.

Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo: Nếu mọi việc suôn sẻ, vào khoảng tháng 7 tới, những chú rùa con mang dòng máu quốc tế sẽ chào đời và bắt đầu hành trình khám phá đại dương từ vùng biển Côn Đảo. Sự kiện rùa Philippines về đẻ trứng tại Việt Nam còn là minh chứng cho tính liên kết sinh thái biển trong khu vực Đông Nam Á.

“Việc một cá thể rùa đã gắn thẻ ở quốc gia khác quay về sinh sản tại Côn Đảo cho thấy nơi đây là mắt xích quan trọng trong hành trình di cư và sinh sản của rùa biển - loài động vật đang ngày càng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, đánh bắt trái phép và ô nhiễm đại dương”, ông Pho cho hay.

Cá thể rùa mang mã thẻ PH6854 (Philippines). Ảnh: Văn Phái.

Cá thể rùa mang mã thẻ PH6854 (Philippines). Ảnh: Văn Phái.

Trước đó vào năm 2024, một cá thể rùa xanh từ Malaysia cũng đã vượt hàng ngàn hải lý đến Hòn Bảy Cạnh để đẻ 108 quả trứng. Con rùa xanh này nặng 90 - 100kg, khoảng 40 năm tuổi. Toàn bộ số rùa con được thả về đại dương ngay sau khi ấp nở thành công. Vào năm 2018, một rùa mẹ đẻ trứng đeo thẻ từ Indonesia cũng vào Côn Đảo để hạ sinh hơn 100 quả trứng.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Nghiên cứu khoa học, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, từ đầu năm đến ngày 10/5/2025, lực lượng chuyên môn đã cứu hộ và di dời thành công 203 tổ rùa với tổng cộng 19.352 quả trứng.

“Trong đó, 97 tổ đã nở và 5.832 rùa con được thả về biển theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, có 35 cá thể rùa mẹ đã được gắn thẻ để theo dõi hành trình sinh sản - một phần quan trọng của hoạt động nghiên cứu bảo tồn”, ông Sơn thông tin.

Mỗi năm, Vườn Quốc gia Côn Đảo đón khoảng 2.000 lượt rùa mẹ về đẻ trứng. Hòn Bảy Cạnh từ lâu đã được ví như “phòng sinh tập thể” lớn nhất của loài rùa biển ở Việt Nam, với độ an toàn sinh học cao và hệ sinh thái biển phong phú, ít chịu tác động tiêu cực từ con người.

Côn Đảo được biết đến là nơi duy nhất tại Việt Nam triển khai bảo tồn rùa biển có hệ thống từ năm 1990, với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế. Các hoạt động chính bao gồm giám sát bãi đẻ, cứu hộ trứng, ấp nở nhân tạo, thả rùa con, gắn thẻ định danh, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng. Từ năm 1993 - 2022, hơn 2,4 triệu rùa con đã được thả về đại dương từ nơi này.

“Việc đón nhận những cá thể rùa từ quốc gia khác không chỉ là điều đáng mừng cho công tác bảo tồn, mà còn thúc đẩy hợp tác khu vực về bảo vệ sinh vật biển. Chúng tôi mong muốn Côn Đảo tiếp tục là nơi an toàn cho rùa mẹ, dù chúng đến từ bất kỳ vùng biển nào”, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo mong mỏi.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động nhân sinh ngày càng nghiêm trọng đến đời sống đại dương, những “bà mẹ quốc tế” như cô rùa mang hai quốc tịch này là minh chứng sống động cho sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người - nơi những nỗ lực bảo tồn âm thầm được đền đáp bằng những mầm sống mới và hi vọng lại nảy nở trên từng bãi cát Côn Đảo.

Xem thêm
Tăng hiệu suất sử dụng đất nhờ mô hình trại lợn nhiều tầng

Dù mức đầu tư cao hơn 1,5 - 1,8 lần bình thường, mô hình trại lợn nhiều tầng cho thấy hiệu quả vượt trội khi giúp tăng hiệu suất sử dụng đất từ 4–10 lần.

Hàng tấn lợn chết, bốc mùi hôi thối đang tuồn đi tiêu thụ

Hàng tấn lợn chết, bốc mùi hôi thối, đang được tuồn đi tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Chuyển lúa sang sả, nông dân cười hỉ hả

Nhờ cây sả, nông dân ở huyện Tân Phú Đông có thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng lúa, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Nhà khoa học U90 và giấc mơ xanh hóa nông nghiệp bằng bèo hoa dâu

Sau 3 tháng điều trị bệnh thoái hóa xương khớp, viêm cơ, mới tập tễnh đi lại được bà đã rủ tôi sang Học viện Nông nghiệp Việt Nam để thăm bèo hoa dâu.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Chàng trai đưa sản phẩm gia dụng làm từ tre ra thế giới

THANH HÓA Các sản phẩm làm bằng tre của HTX Tre Thăng Thọ đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Sự phối hợp chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở và tham gia của cộng đồng, Quảng Nam đang từng bước xây dựng một thế trận phòng cháy rừng chủ động, hiệu quả.