| Hotline: 0983.970.780

Quý I/2025, hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp

Chủ Nhật 06/04/2025 , 17:41 (GMT+7)

Quý I/2025, hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Đây là mức thấp nhất trong nhiều quý gần đây.

Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý I/2025 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố, bức tranh thị trường lao động đầu năm ghi nhận những chuyển động tích cực về quy mô việc làm, chất lượng thu nhập, nhưng vẫn tồn tại nhiều khoảng trống về cơ hội, tính bền vững và công bằng giữa các nhóm lao động và khu vực.

Tổng số người có việc làm trong quý đạt 51,9 triệu, tăng hơn 530.000 người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở khu vực dịch vụ và công nghiệp. Tuy nhiên, có tới hơn 3/5 người lao động vẫn thuộc khu vực phi chính thức, cho thấy rủi ro dễ bị tổn thương khi thị trường gặp biến động.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước theo quy luật thường thấy và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TM.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TM.

Thu nhập cải thiện nhưng khoảng cách vùng miền vẫn lớn

Một điểm sáng trong bức tranh tổng thể quý I là thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục được cải thiện. Theo báo cáo, thu nhập bình quân tháng đạt 8,3 triệu đồng, tăng 720.000 đồng so với cùng kỳ, tương đương mức tăng 9,5%. Điều này phản ánh phần nào nỗ lực phục hồi kinh tế, nhất là ở các ngành có giá trị gia tăng cao như sản xuất chế biến, dịch vụ công nghệ và bán lẻ hiện đại.

Lao động nam tiếp tục có thu nhập cao hơn nữ (9,3 triệu đồng so với 7,1 triệu đồng), và mức thu nhập trung bình ở khu vực thành thị (10,1 triệu đồng) cao hơn nông thôn (7,2 triệu đồng) tới 39%. Khoảng cách này tuy không mới nhưng vẫn là vấn đề cần giải quyết trong quá trình xây dựng thị trường lao động bao trùm và bền vững.

Xét theo vùng miền, khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận mức tăng thu nhập cao nhất, trung bình tăng 11,7%. Nghệ An tăng tới 24,1%, Thanh Hóa tăng 15,6%, Quảng Bình cũ (nay thuộc Quảng Trị) tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các vùng kinh tế đang dịch chuyển đều hơn, thay vì chỉ tập trung vào các địa phương công nghiệp hóa mạnh như Đồng bằng sông Hồng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn dẫn đầu cả nước về mức thu nhập bình quân với con số 9,8 triệu đồng. Trong đó, Hưng Yên, Vĩnh Phúc cũ (nay thuộc Phú Thọ) và Hải Dương cũ (nay thuộc Hải Phòng) đều tăng trên 10%, nhờ lực kéo từ các khu công nghiệp, khu chế xuất và ngành sản xuất xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu so sánh với mức thu nhập gần 14 triệu đồng của ngành ngân hàng, bảo hiểm hoặc 12,3 triệu đồng của ngành điện, nước thì khoảng cách giữa các nhóm ngành vẫn còn khá lớn.

Ở chiều ngành nghề, một số lĩnh vực có tốc độ tăng thu nhập khá cao như: xử lý rác thải, phân phối điện, nước, nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Ngược lại, một số nhóm nghề như buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê thủ công, hoặc dịch vụ truyền thống vẫn có mức thu nhập dưới 6 triệu đồng.

Lao động làm công hưởng lương - nhóm chiếm tỷ trọng lớn hiện nay - có mức thu nhập trung bình 9,4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Trong nhóm này, lao động nam tiếp tục vượt nữ (9,8 triệu đồng so với 8,9 triệu đồng), và lao động thành thị vẫn cao hơn nông thôn tới 25%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên theo quý,giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh: Cục Thống kê.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên theo quý,giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh: Cục Thống kê.

Lao động trẻ và phi chính thức: lực lượng lớn nhưng dễ bị tổn thương

Bên cạnh tín hiệu tích cực về số lượng và thu nhập, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức lớn với lực lượng lao động trẻ và nhóm phi chính thức - hai nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhưng chưa được bảo vệ đầy đủ về pháp lý và an sinh.

Tỷ lệ lao động phi chính thức toàn quốc trong quý I là 64,3%, tăng nhẹ 0,7 điểm phần trăm so với quý trước. Tổng số lao động trong nhóm này lên tới 33,4 triệu người, bao gồm cả những người làm việc trong nông nghiệp không có hợp đồng hoặc không được đóng bảo hiểm xã hội. Đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi thị trường gặp khủng hoảng, như từng thấy rõ trong thời kỳ dịch bệnh.

Tình trạng thiếu việc làm cũng chưa cải thiện rõ nét. Trong quý I/2025, có khoảng 797.000 người thiếu việc làm, tức làm dưới 35 giờ/tuần nhưng vẫn sẵn sàng làm thêm. Tỷ lệ thiếu việc làm là 1,72%, tăng so với quý trước nhưng giảm so với cùng kỳ. Khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn (2,21%), trong đó riêng ngành nông nghiệp chiếm tới 50% tổng số lao động thiếu việc làm.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,2%, tương đương khoảng 1,04 triệu người. Đây là mức thấp nhất trong nhiều quý gần đây. Tuy nhiên, nhóm thanh niên 15-24 tuổi lại có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 7,93%, và nếu tính riêng thành thị, con số này vượt 11%. Điều này phản ánh áp lực chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng và định hướng nghề nghiệp đang đè nặng lên nhóm lao động trẻ.

Áp lực chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng và định hướng nghề nghiệp đang đè nặng lên nhóm lao động trẻ. Ảnh: QL.

Áp lực chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng và định hướng nghề nghiệp đang đè nặng lên nhóm lao động trẻ. Ảnh: QL.

Đáng lo hơn, có tới 1,35 triệu thanh niên không học tập, không đi làm và không tham gia bất kỳ hoạt động đào tạo nào, chiếm 10,4% tổng số thanh niên. Trong đó, tỷ lệ nữ cao hơn nam 2,2 điểm phần trăm; nông thôn cao hơn thành thị tới 3,5 điểm phần trăm. Đây là nhóm có nguy cơ bị “gạt ra rìa” khỏi quá trình phát triển kinh tế nếu không được can thiệp kịp thời.

Một chỉ tiêu mới được theo dõi là "tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng", bao gồm cả người thất nghiệp, thiếu việc làm và những người có khả năng lao động nhưng không được tiếp cận công việc phù hợp. Quý I/2025, tỷ lệ này là 3,9%, tương đương 2,05 triệu người, trong đó gần một nửa là lao động trẻ dưới 35 tuổi.

Đáng chú ý, nhóm lao động làm công việc tự sản tự tiêu, sản xuất cho mục đích gia đình, không tham gia thị trường, vẫn còn hơn 3,8 triệu người, phần lớn ở nông thôn (88%) và trên 55 tuổi (58%). Gần 2/3 là phụ nữ, thể hiện rõ sự cô lập của nhóm lao động cao tuổi khỏi dòng chảy thị trường hiện đại.

Xem thêm
Xuất khẩu viên nén Việt Nam gặp lực cản kép

Ngành viên nén đối mặt nguy cơ chững lại do chính sách siết của Nhật Bản và giá đầu ra bấp bênh từ Hàn Quốc, trong khi nội lực về nguyên liệu chưa ổn định.

[Bài 2]: Phát triển kinh tế tư nhân bắt đầu từ nông nghiệp

Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ mở lối cho tư nhân, mà còn đặt ra một bài toán chiến lược: Chọn đúng ngành để bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.

Thu thuế thương mại điện tử tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2024

5 tháng đầu năm, thuế thu từ kinh tế số đạt gần 75.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, phản ánh chuyển động mạnh trong giám sát dòng tiền trực tuyến.

Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh lại bậc lũy tiến thuế thu nhập cá nhân

Biểu thuế lũy tiến, giảm trừ gia cảnh và cách tính thu nhập chịu thuế sẽ được Bộ Tài chính sửa đổi toàn diện, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bình luận mới nhất