Người mất quyền lợi, Nhà nước mất niềm tin
Một cú khai man tưởng như nhỏ, không khai báo khi đã có việc làm, đang khiến cả hệ thống an sinh phải gồng mình chống đỡ. Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), trục lợi bảo hiểm thất nghiệp không còn là hiện tượng mới, nhưng lại đang lan nhanh với những hình thức ngày càng tinh vi. Điều đáng lo là sự chủ quan, thậm chí mặc nhiên coi thường quy định, đang từng bước bào mòn tính nghiêm minh của chính sách.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm. Ảnh: NNMT.
Từ các đợt thanh tra, kiểm tra gần đây, không ít người lao động bị phát hiện đã đi làm trở lại nhưng vẫn tiếp tục nhận trợ cấp mà không khai báo. Họ chọn cách lặng lẽ quay lại thị trường lao động, trong khi hồ sơ hưởng trợ cấp vẫn đều đặn "chảy" qua hệ thống. Đáng nói, không chỉ người lao động mà một số doanh nghiệp cũng góp phần tiếp tay, bằng cách làm giả thời điểm chấm dứt hợp đồng hoặc cung cấp giấy tờ không đúng sự thật.
Những hành vi tưởng như đơn lẻ, thực chất đang khoét sâu vào một vết nứt trong hệ thống pháp lý, nơi đáng ra phải là hàng rào ngăn chặn trục lợi. Nếu không kịp thời bịt kín, hệ thống sẽ mất đi chức năng bảo vệ người yếu thế và trở thành cánh cửa mở toang cho sự vô trách nhiệm.
Trong bối cảnh đó, Cục Việc làm đang triển khai nhiều biện pháp nhằm gia cố kỷ cương thực thi, từ hậu kiểm chặt chẽ, nâng cấp công nghệ, đến điều chỉnh quy trình giám sát. Một khi người lao động không khai báo việc làm mới trong vòng 3 ngày, họ không chỉ bị cắt trợ cấp mà còn mất luôn quyền bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm.
Hành vi không khai báo khi đã có việc làm mới không đơn thuần là vi phạm hành chính đơn thuần, mà là cú "lách luật" nguy hiểm. Ngoài thiệt hại về kinh tế, nó còn làm mục ruỗng nền tảng niềm tin mà chính sách dựng nên.
Luật Việc làm 2013 quy định rõ, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải cập nhật tình trạng việc làm mỗi tháng, và đặc biệt là phải khai báo trong vòng ba ngày kể từ khi bắt đầu làm việc mới. Nhưng nhiều người vẫn chọn cách “im lặng”, để dòng tiền trợ cấp vẫn đều đặn chảy vào túi như một khoản thu nhập đương nhiên.
“Họ nghĩ đơn giản, đã đóng thì phải được hưởng, hoặc cứ nhận tiền trước, tính sau”, ông Tú nhận định. Nhưng cái giá của sự "đơn giản" ấy không hề rẻ. Người lao động vi phạm không chỉ bị cắt trợ cấp, mà còn mất toàn bộ quyền lợi bảo lưu, một hình thức tích lũy và “bảo hiểm rủi ro” cần thiết nếu tương lai lại rơi vào cảnh mất việc.
Dù số tiền truy thu chưa phải là lớn, hơn 40 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023, nhưng theo ông Tú, thiệt hại không thể đo bằng con số. Mỗi trường hợp gian dối là một vết xước vào hệ thống. Nếu hệ thống liên tục bị “va chạm” như vậy, rất dễ dẫn đến nguy cơ quá tải, thậm chí rạn nứt và đổ vỡ. "Một hệ thống an sinh không thể vững nếu người ta ngầm thừa nhận việc gian lận là bình thường", ông thẳng thắn nói.
Các quy định hiện hành cũng không đứng ngoài cuộc. Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã nêu rõ mức xử phạt hành chính từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi khai man. Trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 và các hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Bảo hiểm thất nghiệp được coi là chiếc phao cứu sinh với những người mất việc. Ảnh: PV.
Siết hậu kiểm, bít kẽ hở bằng công nghệ
Thực tế đã chứng tỏ, chống trục lợi cần một hệ thống đủ mạnh, đủ thông minh để phát hiện sai phạm, đủ nghiêm minh để xử lý và đủ minh bạch để răn đe. Đây chính là những trụ cột trong chiến lược mà Cục Việc làm đang triển khai.
Cụ thể, Cục đang phối hợp với Bộ Công an, cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội và Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động. Khi hoàn tất, hệ thống này sẽ là mạng lưới giám sát hữu hiệu, tự động đối chiếu thông tin khai báo với dữ liệu thu nhập, thời gian làm việc thực tế. Điều này giống như "camera môi trường mạng" giám sát việc tuân thủ chính sách, không gây phiền hà, nhưng cũng không cho phép gian lận lọt lưới.
Song song đó, Luật Việc làm (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2026, sẽ bổ sung nhiều quy định cụ thể về hậu kiểm, xử phạt và khai báo việc làm. Với những công cụ này, hành vi gian dối sẽ không còn là một lựa chọn "dễ dãi" như trước.
Ông Tú nhấn mạnh: “Khi biết rằng mỗi thông tin đều có thể bị đối chiếu và phát hiện, người lao động sẽ không dễ dàng quyết định ‘cầm nhầm’ trợ cấp. Đặc biệt, Cục cũng đang cải tiến thủ tục hành chính để người lao động có thể khai báo nhanh, thuận tiện. Việc tuân thủ, từ chỗ là nghĩa vụ bắt buộc, sẽ trở thành lựa chọn hợp lý, vừa bảo vệ quyền lợi, vừa tránh rủi ro pháp lý".
Không ai phủ nhận rằng bảo hiểm thất nghiệp là chính sách nhân văn, nhưng cũng không thể chối bỏ rằng nó đang bị lạm dụng bởi chính những người thụ hưởng. Vì thế, bên cạnh những công cụ pháp lý, ông Tú nhìn nhận, gốc rễ của vấn đề vẫn nằm ở nhận thức - nơi ranh giới giữa "quyền lợi" và "nghĩa vụ" đang ngày càng mờ nhạt.
Ở nhiều nước phát triển, người thất nghiệp nhận trợ cấp với tâm thế dè dặt, coi đó là sự giúp đỡ từ cộng đồng. Ngược lại, không ít người lao động trong nước lại xem như một khoản tích lũy cá nhân, sẵn sàng khai man để lấy bằng được. "Nếu ai cũng nghĩ ‘đã đóng thì phải được rút’, thì hệ thống này sẽ sụp đổ như một quỹ tiết kiệm không đáy”, ông Tú ví von.
Đó là lý do vì sao tuyên truyền cần trở thành mũi nhọn chiến lược. Không thể chờ người lao động tự ý thức nếu không ai nhắc họ, rằng tham gia bảo hiểm không chỉ là quyền lợi, mà là nghĩa vụ xã hội. Cái họ đóng hôm nay không chỉ để bảo vệ bản thân, mà còn là một phần trong tấm lưới an sinh cho người khác.
Cùng với đó, Cục Việc làm cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường lan tỏa những tấm gương tốt, những người nghiêm túc khai báo, dừng hưởng trợ cấp đúng thời điểm, như một cách khẳng định: Trung thực là nền tảng của niềm tin.
Một chính sách nhân văn chỉ có thể phát huy giá trị khi mỗi người trong cộng đồng cùng giữ mình đúng mực. Trợ cấp thất nghiệp không phải "phần thưởng" cho ai biết luồn lách, mà là "chiếc phao" cuối cùng cho người rơi vào khốn khó. Hành vi trục lợi, dù nhỏ, chẳng khác nào đục thủng chiếc phao ấy, sẽ khiến không chỉ bản thân chìm nghỉm, mà còn đe dọa sự sống còn của cả hệ thống.