| Hotline: 0983.970.780

Quất tháp chóp, bưởi bonsai đón tết

Thứ Ba 29/12/2020 , 07:07 (GMT+7)

Hiện nhiều thương lái tìm về làng quất, bưởi ở Nam Định để xem cây, đặt cọc tiền…

Ông Phạm Việt Long (thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong) đang làm 'làm đẹp' cho những cây quất. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Phạm Việt Long (thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong) đang làm "làm đẹp" cho những cây quất. Ảnh: Mai Chiến.

Người dân xã Nam Phong, thành phố Nam Định đang tất bật với những công đoạn cuối cùng như cắt tỉa, níu cành, gò thế, tạo dáng để chuẩn bị đưa ra thị trường những cây quất đẹp nhất.

Nếu như ở Tứ Liên (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên) mấy năm trở lại đây phát triển dòng quất bonsai, quất chum… thì ở Nam Phong vẫn trung thành với dòng quất tháp chóp, đây là thế quất truyền thống, không bao giờ bị lỗi “mốt”, vẫn được thị trường ưa chuộng.

Theo các chủ vườn chuyên trồng quất, năm nay mặc dù thời tiết lạnh, mưa nhiều hơn năm ngoái nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cây, chất lượng quả. Nhiều cây vẫn cho quả to, đều, sai trĩu quả và đang vào độ chín vàng, trông rất đẹp mắt.

Thấy khách lạ vào ghé thăm vườn, ông Phạm Việt Long (thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong) bỏ dở nhát kéo, nghỉ tay châm điếu thuốc lá rồi chia sẻ, năm nay gia đình ông trồng hơn 300 cây quất cảnh để phục vụ thị trường tết. Thời điểm này ông đang tập trung nhiều thời gian vào những công đoạn cuối cùng, làm đẹp cho cây.

“Gia đình đang cắt tỉa cành xấu, dùng những đoạn dây thép nhỏ đã chuẩn bị từ trước, níu các cành lại với nhau để tạo ra dáng quất đẹp nhất. Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều kĩ thuật, sự tỉ mỉ; bởi quả quất đang vào độ chín vàng, nếu làm không cẩn thận thì sẽ bị rụng”, ông Long tâm sự.

Quất tháp hình chóp vẫn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Mai Chiến.

Quất tháp hình chóp vẫn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Mai Chiến.

Hai tuần nay, nhiều thương lái đã về đây để xem cây và đặt cọc tiền. Vừa qua, gia đình ông Long đã bán được hơn 100 cây quất cho thương lái miền Trung với giá bán 600.000đ/cây. Số quất còn lại trong vườn cũng đã sẵn sàng, chuẩn bị đưa ra thị trường.

Vị này bật mí, để cây quất mang đầy đủ ý nghĩa trong ngày tết thì trên cây phải có quả xanh, ương, chín, có lộc, hoa; tượng trưng cho các thế hệ trong một gia đình, thể hiện sự đầm ấm, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức khỏe…

Các nhà vườn trồng quất cảnh ở đây thổ lộ, hàng năm cứ vào khoảng mùng 10 tháng Chạp trở đi là nơi đây luôn tấp nập. Nhiều cơ quan, khách hàng tìm đến để đặt mua hoặc thuê những thế cây đẹp về chơi tết.

Nắm bắt thị trường, nhu cầu của người chơi, vài năm trở lại đây, một số nhà vườn ở Nam Phong đã chuyển đổi từ trồng quất cảnh sang trồng bưởi diễn bonsai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhà vườn cắt bỏ băng keo dính quanh những quả bưởi ghép. Ảnh: Mai Chiến.

Nhà vườn cắt bỏ băng keo dính quanh những quả bưởi ghép. Ảnh: Mai Chiến.

Chạy dọc theo con đường nhựa từ trung tâm thành phố Nam Định hướng về cầu Tân Phong, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chậu bưởi diễn bonsai đủ các loại kích cỡ đang khoe “dáng” ven đường. Với hương thơm dìu dịu tỏa ra từ những trái bưởi Diễn đã níu chân nhiều khách hàng khi đi qua đây.

Qua lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến nhà vườn Huệ Bằng do anh Nguyễn Tất Bằng làm chủ. Chị Huệ (vợ anh Bằng) chia sẻ, gia đình chị trồng bưởi diễn bonsai đã nhiều năm nay. Do đã có kinh nghiệm trong việc trồng quất cảnh nên việc chăm sóc, trồng bưởi bonsai không mấy khó khăn.

Hàng năm, gia đình chị phục vụ thị trường tết hàng trăm chậu bưởi diễn bonsai với đủ loại kích cỡ, giá bán dao động từ 3 - 25 triệu đồng/cây. Thời điểm này, những trái bưởi trên cây đã chín vàng, hương thơm nồng nàn. Nhiều chậu bưởi bonsai đã “gắn” tên chủ mới, chỉ vài hôm nữa thôi họ sẽ quay lại lấy về để chơi tết.

Thời điểm này, nhiều khách hàng đã đi xem cây. Ảnh: Mai Chiến.

Thời điểm này, nhiều khách hàng đã đi xem cây. Ảnh: Mai Chiến.

5 năm nay, anh Đoàn Xuân Thiệp, xóm Tân Thành, xã Nam Phong cũng chuyển hẳn sang trồng bưởi cảnh để bán tết. Để có được một vườn bưởi với số lượng lên đến hơn trăm gốc như bây giờ, anh Thiệp phải mất khá nhiều thời gian, tâm sức.

Ban đầu, anh đến các tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương mua gốc cây bưởi Diễn về trồng. Khi thấy gốc cây phát triển tốt, lá đẹp, đủ cành thì đưa cây lên chậu. Cây vào chậu ổn định được chừng 4 tháng, bắt đầu ghép quả cho cây.

Theo anh Thiệp, đây là công đoạn tương đối khó, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận và có kinh nghiệm của người thợ làm vườn. Để ghép quả lên cây, anh đã tìm đến những vùng trồng bưởi Diễn nức tiếng trong nước chọn mua quả ghép.

“Tôi chọn các quả đều, đẹp, không sâu bệnh, còn nguyên cuống, cuống phải có độ dài từ 10 - 15cm để ghép. Chọn được quả ghép thì tiến hành cắt đầu cành rồi ghép vào thân cây. Lựa trên thế của từng gốc, ghép quả nhằm tạo ra các dáng cây phù hợp, đẹp…”, anh Thiệp thổ lộ.

Thời điểm này, những chậu bưởi Diễn bonsai trong vườn của gia đình anh đã được nhiều khách hàng để ý đến. Hy vọng lại nối tiếp mùa vụ bội thu cho gia đình.

Theo tính toán của các nhà vườn, mỗi mùa bưởi tết họ thu về hơn 100 triệu đồng. Ngoài việc bán thẳng cây cho khách hàng, các nhà vườn còn có dịch vụ cho thuê cây nếu khách có nhu cầu. Tiền thuê chỉ bằng 1 nửa giá trị của cây đó. Khách thuê đến tháng tháng giêng hoặc tháng hai thì trả lại nhà vườn.

Xem thêm
Chăn nuôi lợn tuần hoàn, công nghệ cao để an toàn, bền vững

HẢI PHÒNG Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là một điển hình thành công mà còn mở ra hướng đi bền vững, tất yếu cho người chăn nuôi tại Hải Phòng.

Lợn chết như ngả rạ, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng

LÀO CAI Tại xã Quy Mông hàng chục hộ dân đang rơi vào cảnh điêu đứng khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Lợn bệnh, lợn chết la liệt, nhiều trang trại đã trống chuồng.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Cần hoàn thiện thông tin về nông hộ để ngành cà phê đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Biến phụ phẩm thủy sản thành 'vàng xanh': [Bài 3] Biến vỏ sò, ốc biển thành trang sức giá trị cao

TP.HCM Không chỉ xương cá, vỏ tôm… vỏ sò, ốc cũng được các nghệ nhân tận dụng hiệu quả, tái chế thành quà lưu niệm, trang sức có giá trị cao.

Cần Thơ trồng 5 ha rừng ngập mặn trên đất bãi bồi ven biển

Trồng và bảo vệ rừng hiện không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường mà trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất