Không mấy ai biết rằng khoảng giữa thế kỷ 19, mảnh đất xứ Đoài đã sản sinh ra một thủ lĩnh nông dân, đó là Quận Cồ. Tên tuổi ông sử sách ít nhắc đến nhưng được lưu truyền trong dân gian như một biểu tượng yêu nước và rất đỗi tự hào của mỗi người con xứ Đoài. Miếu thờ Quận Cồ ở làng Linh Chiểu
Theo cụ Đỗ Văn Sắc, 86 tuổi, nguyên là thủ từ miếu Linh Chiểu, xã Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội) thì Quận Cồ tên thật là Phùng Văn Minh, quê gốc ở Nam Định. Vì nhà nghèo khó, đến đời ông nội Cồ, cả gia đình di cư lên Sơn Tây buôn bè kiếm sống. Thân phụ của Cồ lúc đó xin gia đình xuống thôn Linh Chiểu, xã Sen Chiểu lấy vợ và sinh ra Cồ. Vì là dân ngụ cư, không được chia ruộng công, Cồ phải làm con nuôi cho tổng Chính ở trong làng. Năm Cồ lên 6 tuổi thì bố bị bệnh qua đời. Cồ phải gắn thân hơn với gia đình tổng Chính để nuôi mẹ và đàn em nhỏ. Hàng ngày Cồ phải dậy sớm lo điếu đóm cho tổng Chính rồi đi chăn trâu, cắt cỏ. Tuy là con nuôi nhưng Cồ không khác gì thân phận một đứa ở, không được trả một đồng công nào; đã thế hàng ngày còn luôn bị đánh đập, chửi mắng. Năm Cồ lên 10 tuổi thì mẹ qua đời; cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn. Các em Cồ mỗi đứa phiêu bạt một nơi, Cồ phải nai lưng làm việc cho gia đình tổng Chính để trả cái nợ tang mẹ.
Cụ Sắc kể lại: Cồ có tướng mạo khác thường, người to khỏe, nước da đen, mặt rỗ, tóc xờm, tính nghịch ngợm và giỏi vật. Mỗi lần đi chăn trâu ngoài bãi, Cồ thường tụ tập trẻ con trong làng tổ chức chơi trận giả. Lần nào phe Cồ cũng thắng nên bọn trẻ chăn trâu rất sợ và phục tài chỉ huy của Cồ. Năm 16 tuổi, không chịu cuộc sống cơ cực ở nhà địa chủ, Cồ đã thoát ly ra ngoài và lấy một người cùng làng. Vì không có ruộng nên Cồ phải làm nghề đậu phụ. Hàng ngày ông gánh đậu vào thành Sơn Tây để bán.
Cũng thời gian này, thực dân Pháp tiến hành xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi Hà Nội và một số thành lân cận thất thủ, Pháp mở rộng chiếm đóng các vùng xung quanh. Nhưng đi đến đâu chúng đều gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân miền Bắc. Điển hình là trận Hoàng Tá Viêm giết chết Garnier, một tên chỉ huy Pháp ở Cầu Giấy. Chiến thắng đó đã làm nức lòng người dân xứ Đoài. Hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp, Cồ tập hợp thanh niên cùng thời đứng lên tụ nghĩa ở căn cứ đồi Đùm, cách thành Sơn Tây khoảng 10km. Công việc đang âm ỉ tiến hành thì triều Nguyễn ký hàng ước với thực dân Pháp. Đại tá Pháp Henri Rivire đem quân ra đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Thành Hà Nội lại thất thủ. Nhưng phong trào kháng Pháp vẫn nổ ra khắp nơi. Cũng tại Cầu Giấy, dưới sự chỉ huy của Hoàng Tá Viêm và quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc, quân dân ta đã giết chết đại tá Henri Rivire. Nhưng vì giặc Pháp đang rất mạnh, chúng đã cử thủy sư đô đốc Courbet kéo quân lên chiếm thành Sơn Tây.
Lúc đó Cồ cùng với một số nhà yêu nước như Lãnh Cang, Lãnh Khoái, Lãnh Trê… vận động trai tráng các huyện nổi lên chống Pháp. Đầu tiên Cồ chủ trương cướp súng để giết giặc. Ông cho đóng những chiếc thang dài, thừa lúc ban đêm quân Pháp ngủ say, bắc qua 4 góc thành Sơn Tây chạy vào giết lính gác rồi vào kho lấy súng. Khi quân Pháp biết, ông làm kế nghi binh, cho bắn ở góc thành phía Đông rồi rút toàn bộ quân ra góc thành phía Tây. Sau vụ này bọn Pháp hết sức lo sợ. Chúng ra lệnh cho các quan tổng, lý trưởng, chánh tổng các làng phải lùng bắt cho được Cồ. Một đêm bọn chánh tổng, lý trưởng cho lính vây bắt được ông tại nhà. Bị giam giữ trong nhà lao Sơn Tây, hàng ngày vợ con Cồ phải mang cơm lên tiếp tế. Ông dặn vợ: “Bà hãy lấy cái cưa nhỏ giấu ở mái nhà, nhét vào giữa nắm cơm rồi mang đến cho tôi”. Nhận được cưa, ban đêm ông cưa chiếc gông sắt, dỡ mái nhà thoát ra ngoài, giết tên lính gác, cướp súng bắn loạn xạ trong thành rồi trốn thoát.
Sau đó có lần ông tổ chức nghĩa quân thành những toán nhỏ, giăng dây ngang đoạn đường ngã ba Văn Miếu Sơn Tây, chờ quân Pháp đi tuần tra về, dùng mã tấu bất ngờ xông ra giết giặc, cướp súng. Để có lương thực nuôi quân, Cồ còn tổ chức cho quân đi vào các nhà giầu lấy lương thực và bắt cóc con cái nhà hào lý, buộc gia đình họ đem tiền đến chuộc. Trong những năm dấy binh, Cồ đã liên tiếp chiến thắng nhiều trận lớn như trận Đình Giang, Vật Yên, Bằng Y; tiếng tăm ngày càng lừng lẫy. Cồ đã tự xưng là Quận để có thêm uy tín lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Theo lời các cụ kể lại, trận Tây Đằng (Ba Vì) là trận đánh đáng nhớ của cuộc khởi nghĩa Quận Cồ. Trận này ông cho quân về đóng ở làng Tây Đằng. Chánh tổng làng này bí mật đi báo giặc. Pháp liền điều quân từ Sơn Tây lên đánh thẳng vào làng. Quân của Cồ lợi dụng các lũy tre kiên cố bắn ra. Nhưng quân Pháp có trọng pháo, phá vỡ được cổng làng. Chúng vào làng lùng sục vấp phải sự chiến đấu quyết liệt của nghĩa quân. Hai tên trung úy đồn trưởng của Pháp bị chết tại trận. Nghĩa quân còn giết chết bốn tên lính và làm 7 tên khác bị thương. Sau một thời gian dùng lực lượng quân sự không có kết quả, thực dân Pháp quay ra dùng mẹo. Chúng cho tên Nguyễn Quốc Bình, người làng Tiền Huân, xã Viên Sơn (Sơn Tây), trước đây đã đi lính khố xanh cho Pháp, giả ra hàng và xin gia nhập nghĩa quân. Để làm cho Quận Cồ tin, tên công sứ Pháp Bonnal cho bắt vợ con Bình giam ở nhà lao Sơn Tây. Khi chỉ huy nghĩa quân đánh làng Vật Lại, Cồ có cho Bình đi theo. Khi vào trong ngõ hẻm, thừa lúc Quận Cồ sơ ý, Bình đã bắn chết ông rồi chặt đầu về nộp cho thực dân Pháp. Bình được quân Pháp thưởng tiền và thăng chức Phó lãnh binh.
Quận Cồ chết, nghĩa quân tan rã dần. Một số tướng còn lại của Cồ tiếp tục chiến đấu một thời gian nữa nhưng dần dần lâm vào thế cô lập, buộc phải đầu hàng Pháp. Cuộc khởi nghĩa coi như chấm dứt hoàn toàn. Để tưởng nhớ công lao Quận Cồ, nhân dân làng Vật Lại-nơi ông hy sinh đã lập miếu thờ. Làng Linh Chiểu-nơi ông sinh ra-cũng rước chân nhang ở miếu Vật Lại về thờ Quận Cồ chung với các vị thành hoàng, đến nay vẫn còn di tích.