
Ngôi nhà sàn duy nhất còn sót lại của anh Hà Văn Giáp- trưởng khu Mặc Chanh. Ảnh: Dương Đình Tường.
Những ký ức sắp bị chặt đứt
Nhưng từ năm 2006, đặc biệt là từ năm 2019 người dân đua nhau phá nhà sàn đi làm nhà xây, phần vì mốt, phần vì nhà sàn cứ vài năm lại phải sửa một lần. Hiện cả xã Thượng Cửu chỉ còn khoảng 5-6 cái nhà sàn rải rác ở các khu dân cư:
“Từ trước tới nay chưa có ai hay cơ quan nào hỏi tôi về tình hình nhà sàn cũng như thống kê xem xã còn lại bao nhiêu cái cả. 19 cán bộ xã không người nào ở nhà sàn mà toàn nhà xây. Ưu điểm của nhà sàn là người sống cách biệt với vật nuôi, hè thoáng mát, đông ấm vì có bếp lửa. Nhưng nhược điểm là nhà sàn cần phải có đất rộng, độ bền phụ thuộc vào chất lượng gỗ. Người đi làm về mệt, trèo lên nhà ăn rồi nghỉ chứ không biết mối xông cột lúc nào vì có mấy khi xuống dưới sàn đâu.
Thêm vào đó, ở nhà sàn còn lo gió bão bị tốc mái. Năm 2005 tôi rời ngôi nhà sàn được bố mình làm vào năm 1976, để lại cho người em trai, chuyển xuống ngôi nhà mới xây. Năm 2007 người em tôi lại dỡ ngôi nhà sàn đó đi để làm nhà mới”. anh Dũng kể.
Năm 2025 có 33 hộ ở Thượng Cửu thuộc diện xóa nhà tạm. Chiều ngày 20/3 khi tôi đến Ban chỉ đạo của xã họp tại UBND để bàn việc xóa nhà tạm bằng nhà kiên cố có mái cứng, nền cứng và vách cứng, ai xây mới thì được hỗ trợ 60 triệu đồng, ai sửa chữa thì được hỗ trợ 30 triệu đồng. Điều kiện được hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà dột nát trong khi đó mấy hộ đang ở nhà sàn không phải hộ nghèo, cận nghèo, mà dù có nghèo đi chăng nữa cũng khó có thể đáp ứng tiêu chí mái cứng và nền cứng nên chẳng có ai đăng ký.

Một nhóm thợ xây đang nghỉ giữa giờ trong lúc xây một ngôi nhà thuộc diện xóa nhà tạm ở xã Đông Cửu. Ảnh: Dương Đình Tường.
Căn nhà sàn rộng rãi, vững chắc và duyên dáng của anh Hà Văn Giáp-trưởng khu Mặc Chanh như bị ép chặt bởi những căn nhà bê tông xám xịt xung quanh. Anh tâm sự nhà sàn ở khu mình bị phá nhiều nhất từ năm 1999 trở lại đây vì bà con đua nhau xây bằng vôi vữa nhưng không ngờ chỉ khoảng 20 năm đã hỏng, phải đập bỏ để làm cái khác.
Trong khi đó, ngôi nhà sàn của anh do bố làm từ năm 1988 với cột bằng gỗ chò chỉ, đinh, dổi lại rất bền chắc. Ưu điểm của nhà xây là có phòng kín, có không gian riêng, còn nhược điểm là nhanh lỗi mốt, bên trong bí vì bị tụ khí, ngủ dậy thấy mệt người. Ưu điểm của nhà sàn là ở hàng trăm năm cũng không bị lỗi mốt, để được nhiều nông sản ở gầm sàn, trên gác, dễ sửa chữa, bên trong thoáng mát vì không bị tụ khí, ngủ dậy thấy khỏe, người sống 80-90 tuổi cũng không phải dùng đến thuốc nhưng nhược điểm là không có không gian riêng.
“Nhiều nhà sàn ở đây khi trước còn đẹp hơn nhà em nhiều vì toàn gỗ đinh, lim, sến, táu nhưng chỉ vì đua nhau xây nhà mà họ phá đi. Tiếc nhất vùng này là nhà sàn 5 gian của một nguyên lãnh đạo xã, nó trông rất cân đối, cột to đẹp nhưng sau khi chủ mất, vợ con ông đã bán đi, xây một cái nhà chừng 60m2. Ở nhà xây vừa chật, vừa nóng, vừa mệt, có cỗ phải thuê bàn ghế nhưng ở nhà sàn như nhà em có cỗ tổ chức được 14 mâm trên sàn, 20 mâm dưới gầm sàn.
Ngôi nhà chứng kiến 3 thế hệ, 11 người anh chị em của em đã được sinh ra, cắt rốn ở trên nhà sàn, chôn rốn ở ngoài cổng, khi lớn lên gõ đuống, giã bánh dày vào dịp Tết ở dưới gầm sàn nên em muốn giữ lại. Mỗi về đi đâu về nhà sàn là em như vẫn nhìn thấy ông bà, bố mẹ mình còn ở đây, còn nghe thấy giọng nói, tiếng cười dù họ đã mất; vẫn còn thấy công việc hàng ngày của mẹ như dệt vải ở đầu nhà, đồ xôi ở giữa nhà, gác lúa ở cuối nhà.
Nhiều người Mường ở quê em tâm sự muốn quay lại với nhà sàn bởi vì đã lỗi thời với nhà xây một lần nhưng giờ không thể làm được nữa vì nay làm một nhà sàn gỗ ít nhất phải 600-700 triệu đồng, còn không phải tốn đến tiền tỷ. Có một anh giáo viên là Đinh Văn Nghi vừa bán cái nhà sàn gỗ tạp đi để làm một cái nhà sàn bằng bê tông, cốt thép”.

Anh Hà Văn Cách- Chủ tịch UBND xã Đông Cửu đang giới thiệu về chiêng trong ngôi nhà sàn cộng đồng ở UBND xã. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cốt có nhưng hồn không
Anh Hà Văn Cách-Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho biết 3.700 khẩu chủ yếu là dân tộc Mường nhưng cả xã hiện chỉ có 7-8 cái nhà sàn trong đó có nhà của Bí thư xã, chị Đinh Thị Vụ. Năm 2020 khi Đề án sưu tầm, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường được thực hiện thì có khuyến khích dựng nhà sàn nhưng không hỗ trợ bằng tiền mà chỉ tuyên truyền. Đông Cửu dựng được 4 cái do dân tự làm, trung bình mỗi cái 300-400 triệu đồng nhưng lại có 3-4 hộ phá bỏ nhà sàn cũ đi, thành ra tổng số vẫn chỉ 7-8 cái, kể cả ngôi nhà sàn mới làm trong khuôn viên của UBND xã.

Chuyển đất để làm nhà xây ở Đông Cửu. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ngôi nhà sàn này được nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng nhưng địa phương đã huy động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ thêm khoảng 300 triệu đồng nữa để xây dựng. Nó là không gian trưng bày văn hóa dân tộc Mường, tổ chức các hoạt động truyền dạy văn hóa Mường, cũng như giáo cụ trực quan để cho thế hệ trẻ đến tham quan văn hóa Mường. Tuy nhiên những hoạt động như thế cũng rất hãn hữu mà chỉ thỉnh thoảng làm nơi tổ chức ăn uống liên hoan. Khoảng 10 nhà sàn công cộng được dựng tại UBND các xã trong huyện Thanh Sơn đều trong tình trạng tương tự như Đông Cửu.
“Thực sự là tôi rất tiếc khi nhà sàn bị mất đi nhưng nó không phù hợp với đời sống mới nữa. Thứ nhất, xưa ngủ nhà sàn rất mát vì chưa có biến đổi khí hậu, nay thời tiết khắc nghiệt mà nhà sàn lại không mắc được điều hòa nên nóng, thêm vào đó là gió bão dễ bị đổ. Thứ hai là tư duy con người đã thay đổi, xưa trong nhà sàn có mấy thế hệ ngủ, chỉ cần cái ri đô ngăn là xong, giờ phải cần phòng riêng. Cuối cùng là quan niệm coi nhà sàn là không thành đạt nên phải làm nhà xây khiến dân sẵn sàng bán 1-2 ha rừng sản xuất để đua nhau xây nhà 2-3 tầng.
Trong chương trình xóa nhà tạm Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn 3 cứng gồm mái cứng, tường cứng, nền cứng nếu làm nhà sàn mà đảm bảo theo tiêu chí đó phải là gỗ tốt, chi phí gấp đôi so với nhà xây. Nên để bảo tồn được nhà sàn phải thay đổi tiêu chí, chỉ 1-2 cứng thôi và phải quy định cụ thể kiểu như gỗ xoan, gỗ mỡ thuộc nhóm 4 có được gọi là khung cứng chưa, rồi nền đất, ván sàn bằng gỗ hay bương, mái cọ có được chưa. Cuối cùng là phải có thêm nguồn hỗ trợ lớn hơn thì mới làm được". Anh Cách kiến nghị.
Còn anh Hà Thanh Ngữ-Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Sơn thì cho biết tuy có cộng đồng Mường chiếm đại đa số nhưng ở các xã Lai Đồng, Kiệt Sơn, Tân Sơn cơ bản là hết nhà sàn, chỉ cỡ 2-5%, còn những xã nhiều như Thu Cúc, Đồng Sơn cũng chỉ còn khoảng 10%. Đề án bảo tồn, phát huy văn hóa Mường có nội dung bảo tồn nhà sàn nhưng thực tế người dân đang không muốn ở nhà sàn bởi đun bếp củi bên trong gây ám đen bồ hóng và bụi bẩn, mà không đun thì nhanh hỏng nhà.
Trong 592 trường hợp đăng ký xóa nhà tạm của huyện năm nay chưa có ai đăng ký làm nhà sàn cả. Vật liệu làm nhà sàn giờ không có, nếu có thì giá cao nên điều kiện vật chất khó khăn của đồng bào khó đáp ứng được, chỉ người Kinh có kinh tế mới làm nổi bằng cách mua gỗ nhập khẩu về dựng mới hay mua mấy cái nhà sàn cũ về làm thành một cái mới, trị giá mỗi cái 500-600 triệu đồng. Nhà nước muốn giữ được nhà sàn thì phải có chính sách hỗ trợ hoặc nếu cả bản làm du lịch thì may ra mới vận động được người dân làm. Không thể cứng nhắc bảo tồn nhà sàn theo tiêu chí ba cứng của nhà xây được mà có thể vẫn giữ mái cọ nhưng nền tráng xi măng, sàn gỗ, khung gỗ…
Nhà sàn của dân không giữ được, nhiều nơi lại dựng nhà sàn cộng đồng ở UBND xã với mục đích bảo tồn, giới thiệu văn hóa Mường nhưng do không có bếp củi, không có người ở bên trong nên cũng chỉ có cốt mà không có hồn.