| Hotline: 0983.970.780

Phú Thọ, vì sao người Mường ruồng bỏ nhà sàn?: [Bài1] Chuyện ở Đèo Mương

Thứ Hai 28/04/2025 , 08:16 (GMT+7)

Thị trường nhà sàn dạo này tràn ngập hàng bán tháo với giá rẻ mạt vì nhiều gia đình người Mường muốn bỏ để nhận hỗ trợ xóa nhà tạm làm nhà xây.

Một ngôi nhà sàn rất đẹp ở Tân Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một ngôi nhà sàn rất đẹp ở Tân Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ trong mấy năm cơ bản đã phá xong

Những ngôi nhà sàn đằng sau là đồi măng anh, măng đắng hay đồi cọ, đằng trước là vườn rau, ao cá, xa xa là ruộng bậc thang, nhìn hài hòa với núi rừng như một bức tranh tuyệt tác của tạo hóa. Đèo Mương (xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) nằm giữa những dãy núi cao và rừng già, điện rồi đường mới chỉ “bò” được vào đến đây chỉ mươi năm trước nên vẫn còn đậm nét chất Mường.

Tôi nhớ tới những buổi tối mùa hè ngủ trong ngôi nhà sàn mát đến mức còn phải đắp một tấm chăn mỏng, hay những buổi tối mùa đông ngồi ấm cúng bên bếp lửa thơm nồng, sáng ra cảm thấy khỏe người như vừa được uống thuốc bổ. Nhưng cũng ở khu dân cư có độ cao hơn 400 m ấy mùa hè ngủ trong ngôi nhà xây thì nóng bức đến mức phải bật quạt mà  vẫn trằn trọc suốt cả đêm, sáng ra thấy mệt người...

Đứng trên đỉnh Đèo Mương con ở độ cao 700 m, phóng tầm mắt ra xa với những thung lũng, đồi núi bao la rộng gần 1000 ha tôi thấy nhức nhối những ngôi nhà xây xám xịt với những tấm nhôm kính trắng lấp lóa trên nền ruộng vườn, rừng xanh biêng biếc. Anh Phùng Đức Lưu-Trưởng khu Đèo Mương 2 nhẩn nha đếm rồi bảo ở khu mình chỉ còn 24 nhà sàn trên tổng số 74 nhà, còn khu Đèo Mương 1 có 84 hộ tỷ lệ nhà sàn cũng rất ít và sắp tới sẽ còn ít nữa. Khoảng 3 năm nay dân Mường ở đây đua nhau bán nhà sàn làm nhà xây bởi cánh thanh niên trong khu đi làm thợ dưới Hà Nội, thuộc nghề rồi về vay mượn thêm tiền mua vật liệu, tự dựng theo kiểu đổi công với nhau.

Đèo Mương ngày càng ít nhà sàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đèo Mương ngày càng ít nhà sàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Nhà sàn phù hợp với khí hậu ở Đèo Mương, mùa nồm vẫn khô ráo chứ nhà xây thì tầng một, tầng hai đều ướt hết, cứ tưởng là nước từ dưới đất ngấm lên nhưng hóa ra không khí từ ngoài vào gặp lạnh thì đọng lại như nấu rượu. Mùa hè nhà sàn mát hơn, còn mùa đông thì đã có bếp lửa, có chăn đệm ấm. Mỗi lần phải ngủ trong ngôi nhà xây của đứa con gái ở trong khu, toàn xi măng, gạch, sắt, chỉ ngửi mùi là tôi đã bị ho rồi, còn mùa hè thì không thể chịu được vì nóng. Đã thế khi nói chuyện tôi phải ra ngoài bởi bên trong nhà xây âm thanh nghe cứ uôm uôm.

Nếu thỉnh thoảng tu sửa thì nhà sàn có thể ở được mấy đời người nhưng vì đua nhau, thấy hộ khác làm nhà xây thì mình cũng góp nhau vào mà xây. Nhiều người dân họ nghĩ rằng nhà sàn là biểu hiện của cái nghèo nên muốn xóa đi. Trước, khi chưa có chương trình xóa nhà tạm thì các hộ vẫn bán nhà sàn để làm nhà xây.

Trong hai năm gần đây ở khu Đèo Mương 2 có khoảng 10 cái nhà sàn bị xóa, còn khu Đèo Mương 1 cũng khoảng chừng đó cái bị xóa như thế. Nay có chương trình hỗ trợ thì càng đẩy nhanh tiến độ xóa nhà sàn. Khi tôi tuyên truyền cho dân để giữ lại nhà sàn thì họ bảo nó rách nát quá rồi, không chịu để. Ngay cả tôi cũng được mấy anh trên xã khuyên nên bỏ cái nhà sàn đi, tuy nhiên tôi không đồng ý”. Anh Lưu tâm sự.

Trưởng khu Phùng Đức Lưu và TS Ngô Kiều Oanh bên một căn nhà sàn chuẩn bị được tháo dỡ để làm nhà xây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trưởng khu Phùng Đức Lưu và TS Ngô Kiều Oanh bên một căn nhà sàn chuẩn bị được tháo dỡ để làm nhà xây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người Mường chán nhưng người Kinh lại thích

Khu Đèo Mương 2 có 18 hộ nghèo, đợt này 7 hộ đăng ký xóa nhà tạm (được hỗ trợ 60 triệu đồng) trong đó 1 hộ sẽ phải xóa nhà sàn. Ngôi nhà sàn của anh Hà Văn Đống có bộ khung vững chắc nên cơn bão Yagi quét qua vẫn không bị ảnh hưởng nhưng vẫn đăng ký xóa nhà tạm để thay thế bằng ngôi nhà xây.

“Ở nhà sàn thích đấy nhưng mấy năm lại phải sửa chữa mái một lần mà chúng tôi bận đi làm xa nên muốn bán đi để xây một ngôi nhà bé cho bố mẹ và gia đình ở”, anh Đống giải thích. Thế bây giờ mình muốn làm một ngôi nhà xây cạnh ngôi nhà sàn này có được không? Tôi hỏi thì bố anh Đống, ông Hà Văn Cường lắc đầu, trả lời: “Không được, người ta lên chụp ảnh, bắt mình phải dỡ cái nhà này đi để xây”. Sao nghe nói mình có thể đăng ký sửa nhà sàn theo dạng kiên cố với mái cứng, vách cứng, nền cứng cơ mà?.

Tôi hỏi tiếp thì ông trả lời: “Nếu làm mái cứng thì toàn bộ các cây đòn tay ngang của nhà sàn phải thay thế bằng sắt, rồi lợp tôn lạnh. Nhưng nếu lợp tôn lạnh như thế lại không nhóm được bếp trong nhà bởi khói lên sẽ bị đen và bị bí. Mà tiền hỗ trợ sửa nhà chỉ có 30 triệu đồng, trong khi sửa lại từ mái lá thành mái tôn rồi tôn cột cao lên, dưới sàn đổ bê tông phải hết hơn 100 triệu đồng”.

Bếp lửa trong ngôi nhà sàn của anh Hà Văn Đống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bếp lửa trong ngôi nhà sàn của anh Hà Văn Đống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa rồi các hộ đăng ký xóa nhà tạm được mời xuống xã họp, thống nhất đợt 1 đến cuối tháng 6 là phải xong khiến cho gia đình ông càng thêm nóng ruột. Ngôi nhà gắn với ký ức của nhiều thế hệ, trong đó có những cây gỗ phải khai thác trên rừng về, ngâm đến hàng chục năm, khi gom đủ mới khởi công. Toàn cánh thợ lành nghề của tỉnh Hà Nam Ninh cũ lên dựng, ông Cường phải bán đi 2 con trâu để trả công và mất dăm bảy con dê, ba bốn con lợn, vài chục con gà để làm cơm khoản đãi bởi thịt tươi họ mới chịu ăn, chứ thịt ướp là chê…

Anh Lưu thắc mắc, mái lá cọ của nhà sàn đang mát, đang đẹp như thế nhưng người ta lại bắt phải bỏ đi để lợp tôn lạnh, vừa không hợp, vừa tốn kém nên trong đợt xóa nhà tạm này tiện thể dân phá luôn để làm nhà xây. Chỉ có 1 hộ ở Đèo Mương 2 là anh Phùng Văn Ủy đăng ký sửa nhà sàn (được hỗ trợ 30 triệu đồng). Mấy hôm nay anh đang cho người đi xẻ gỗ.  

Nhà xây xuất hiện mỗi lúc một nhiều ở Đèo Mương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà xây xuất hiện mỗi lúc một nhiều ở Đèo Mương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việc phá nhà sàn không chỉ làm mất bản sắc văn hóa mà còn khiến cho nhiều hộ lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất khi cố gắng để xây nhà cho bằng bạn bằng bè, bằng làng bằng xóm. Ở Đèo Mương xây nhà phải mất 400-500 triệu đồng, trong đó 10% hộ là có đủ tiền, còn 90% là nợ trung bình 200 triệu đồng, trả có khi cả chục năm vẫn chưa xong.   

Cùng đi với chúng tôi có TS Ngô Kiều Oanh-chuyên gia về du lịch nông nghiệp. Bà bức xúc: “Phải tìm hiểu và chặn việc xóa nhà sàn này lại không thì chẳng mấy chốc mà người Mường sẽ mất đi bản sắc văn hóa của mình. Tôi muốn mua một ngôi nhà sàn, dựng ngay tại Đèo Mương làm mô hình mẫu để chứng minh với Nhà nước, với cộng đồng là ở đây có thể làm du lịch được. Muốn tránh được tình trạng ly nông, ly hương của đồng bào chỉ có con đường làm du lịch. Mà muốn làm du lịch thì phải gìn giữ văn hóa, nhất là những văn hóa vật thể như nhà sàn, y phục. Khi y phục, nhà sàn của người Mường đã mất rồi đi thì khách đến đây còn tham quan được cái gì?”.

Còn chị Kim Yến-Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn nơi nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết, bản Dao có nhà gỗ, còn bản Mường có nhà sàn, đều được chính quyền vận động giữ lại để bảo tồn văn hóa truyền thống cũng như phát triển du lịch nhưng thực tế lại rất khó: “Đa số bà con cứ nghĩ là nhà xây mới kiên cố nhưng UBND xã vẫn phối hợp với các khu dân cư và các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền cho người dân nếu làm du lịch thì phải giữ được nhà sàn. Thời gian qua có 4-5 hộ ở khu Lạng, Cỏi, Dù làm nhà sàn bằng bê tông sơn giả gỗ để vừa ở vừa phục vụ du lịch. Tuy nhiên việc làm nhà sàn bằng gỗ là khó bởi người dân khi chắt chiu được ít tiền thường nghĩ đến làm nhà xây để đời mình, rồi đời con cháu mình ở”.

Trong khi người Mường ở miền núi chán nhà sàn, ruồng rẫy nhà sàn thì người Kinh ở miền xuôi lại mua về để dựng. Chỉ một xã Kim Đức của TP Việt Trì đã có chừng 200 cái nhà sàn. Và rất nhiều nhà sàn đang lũ lượt được chuyển về Hà Nội hoặc Nam tiến. 

  

Xem thêm
Rủ nhau đi mò trai bắt ốc, một học sinh lớp 7 đuối nước tử vong

QUẢNG NINH Trên địa bàn phường Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 7 tử vong khi cùng nhóm bạn đi mò trai, bắt ốc.