Ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế này được Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, nhấn mạnh tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí các đô thị lớn” – một hoạt động nằm trong chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội theo Nghị quyết 131/2024/QH15 diễn ra vào chiều ngày 25/4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì Hội thảo “Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí các đô thị lớn”. Ảnh: Khương Trung.
Những con số biết nói
Theo Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ô nhiễm không khí đang tập trung tại hai khu vực kinh tế trọng điểm: phía Bắc (với tâm điểm là Hà Nội và vùng phụ cận) và phía Nam (trung tâm là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận). Trong đó, bụi mịn PM2.5 – loại hạt cực nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ tuần hoàn – đang là tác nhân chính gây hại sức khỏe cộng đồng.
Nguồn phát thải chủ yếu gồm bốn nhóm, hoạt động xây dựng, công nghiệp, đốt mở (đốt rơm rạ, rác thải) và sinh hoạt dân sinh. Dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 8/2019 - 7/2020, bụi cuốn lên từ đường, giao thông và xây dựng đóng góp tới 17% nồng độ PM2.5 tại Hà Nội. Trong khi đó, công nghiệp chiếm tới 29% lượng phát thải PM2.5 vào năm 2015, theo báo cáo của WB năm 2022.

Ô nhiễm không khí đang tập trung tại hai khu vực kinh tế trọng điểm: phía Bắc (với tâm điểm là Hà Nội và vùng phụ cận) và phía Nam (trung tâm là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận). Ảnh: Khương Trung.
Theo Bộ Xây dựng, nghiên cứu “Không khí sạch cho Hà Nội” do WB công bố năm 2022 đã chỉ rõ cấu trúc nguồn phát thải bụi mịn tại ba địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Cụ thể, tại Hà Nội, công nghiệp chiếm 29%, đốt rơm rạ 26%, bụi đường 23% và xe cộ 15%. Bắc Ninh chịu tác động lớn từ làng nghề và đốt phụ phẩm nông nghiệp (mỗi loại 29%), trong khi Hưng Yên có tới 32% bụi mịn đến từ đốt phụ phẩm nông nghiệp.
Điều đáng lưu ý là đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu kiểm kê chính thức nào của cơ quan quản lý nhà nước về các nguồn gây ô nhiễm không khí, một lỗ hổng cần nhanh chóng được lấp đầy để xây dựng các chính sách kiểm soát hiệu quả.
Công nghệ góp phần kiểm soát ô nhiễm
PGS.TS. Nguyễn Đức Lượng – Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết), Bắc Kinh đã mất hơn 20 năm để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thành công của họ đến từ một hệ thống quản lý bài bản, với cơ chế thực thi rõ ràng, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, kế hoạch thống nhất và công tác giám sát liên tục.
Một điểm sáng đáng chú ý là mô hình “Phương tiện – Nhiên liệu – Đường sá”, kiểm soát đồng bộ xe cộ, chất lượng nhiên liệu và hạ tầng giao thông. Đây là cách tiếp cận mang tính hệ thống, đã giúp Bắc Kinh cải thiện chất lượng không khí một cách rõ rệt và có thể trở thành bài học quý cho các đô thị lớn ở Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Khương Trung.
Không chỉ dừng lại ở các giải pháp truyền thống, các nhà khoa học trong nước cũng đang nỗ lực đưa công nghệ vào kiểm soát ô nhiễm. PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng dự báo nồng độ bụi mịn PM2.5 với độ phân giải cao (1km), cho phép dự báo trước 7 ngày.
Mô hình được huấn luyện bằng dữ liệu đa nguồn cập nhật đến năm 2023 và kiểm chứng bằng dữ liệu thực tế năm 2024, cho kết quả đáng tin cậy với sai số thấp. Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu còn phát triển hệ thống WebGIS – bản đồ trực tuyến hiển thị chất lượng không khí theo thời gian thực, tích hợp công nghệ Python, PostgreSQL, GeoServer… Giao diện thân thiện, có thể sử dụng trên cả máy tính và điện thoại, cung cấp biểu đồ, bản đồ chi tiết theo từng quận, huyện.
Công cụ này không chỉ hữu ích cho các nhà quản lý, chuyên gia mà còn là “người bạn đồng hành” giúp người dân chủ động ứng phó với tình trạng ô nhiễm.
Hướng đến xây dựng chính sách hiệu quả
Phát biểu làm rõ một số nội dung tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, là một hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy: càng hành động sớm, mức độ thiệt hại càng được hạn chế và chi phí thực hiện càng tiết kiệm.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khương Trung.
Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng không khí của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật liên quan ngày càng được hoàn thiện; các công cụ quan trắc, kiểm kê nguồn thải đã bắt đầu được triển khai; đồng thời, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, những nỗ lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo lần này để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai hai nhóm giải pháp trọng tâm:
Đó là, nhóm giải pháp về quy hoạch và đầu tư hạ tầng. Nhóm giải pháp này sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt ủng hộ việc triển khai thử nghiệm “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội – một mô hình đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia và hoàn toàn có thể nhân rộng ra TP. Hồ Chí Minh cũng như các đô thị lớn khác.
Về nhóm giải pháp về kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải theo hướng nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, xây dựng lộ trình giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống giao thông xanh, sử dụng năng lượng sạch. Việc đầu tư vào hệ thống quan trắc hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo, cảnh báo chất lượng không khí là xu hướng tất yếu và cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh hai nhóm giải pháp nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xin kiến nghị với Quốc hội hai nội dung quan trọng đó là tiếp tục phát huy vai trò giám sát trong việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời tích hợp yêu cầu bảo vệ môi trường vào các luật chuyên ngành như Giao thông, Xây dựng, Quy hoạch,… một cách đồng bộ và hiệu quả.
Đồng thời, xem xét tăng tỷ lệ ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên đầu tư cho xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và các lưu vực sông trọng điểm.
Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là kiểm soát ô nhiễm không khí nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì một Việt Nam xanh, sạch, an toàn và đáng sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kết luận Hội nghị. Ảnh: Trọng Quỳnh.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch chỉ ra rằng, từ thực tiễn tại các sân bay, các khu đô thị đến những vùng đồng ruộng, ô nhiễm không khí không chỉ gây khó khăn cho hoạt động giao thông, mà còn tác động nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
“Một buổi sáng sớm bình thường giờ đây có thể mang theo nỗi lo: liệu mình có thể hít thở một hơi sâu mà không làm tổn hại đến lá phổi?” – Phó Chủ tịch đặt câu hỏi lớn.
Phó Chủ tịch cho rằng, không khó để nhận ra những nguyên nhân chính. Đó là vấn đề của mỗi người dân, của từng gia đình, từng cộng đồng, và cũng là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà giáo dục, và toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Trọng Quỳnh.
Tuy nhiên, với những ý kiến đóng góp từ đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học sẽ giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường không khí, từng bước xây dựng hệ thống pháp lý và quản lý môi trường hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh chất lượng không khí có thể trở thành yếu tố cản trở phát triển bền vững, Việt Nam cần sớm chuyển từ nhận diện vấn đề sang hành động thực chất. Phó Chủ tịch ghi nhận những ý kiến xây dựng tại Hội nghị và chỉ đạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, giới chuyên môn và cộng đồng, bài toán ô nhiễm không khí mới có thể được giải quyết một cách căn cơ và bền vững.