| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá diêu hồng trong ao xây

Thứ Tư 07/09/2011 , 09:54 (GMT+7)

Nuôi cá diêu hồng thì chỉ cần mỗi tháng 2 lần vệ sinh ao nuôi và thay nước một lần. Cá diêu hồng chủ yếu cho ăn thức ăn hạt nổi công nghiệp nên các hộ nuôi luôn chủ động được nguồn thức ăn...

* Lãi gấp 2 lần nuôi cá lóc đen

Được sự hỗ trợ của UBND TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Long Vân và 13 hộ gia đình tại phường Nghi Hoà đã chọn cá diêu hồng làm mô hình thí điểm nuôi trong ao xây bê tông mà họ đã dùng để nuôi cá lóc trước đây và đã thu được kết quả cao, mở ra một hướng làm ăn mới.

Đầu năm 2010, được sự khuyến khích của UBND thị xã Cửa Lò, ông Nguyễn Long Vân, ở khối Hải Bằng 1, phường Nghi Hoà, một trong những hộ nuôi cá lóc cao sản có tiếng tại thị xã Cửa Lò đã mạnh dạn chọn cá diêu hồng để nuôi thử trong ao xây của gia đình ông. Trong vụ cá đầu tiên ông Vân thả 1.000 con cá giống diêu hồng trên diện tích ao xây 40m2. Do mô hình đang làm thí điểm để làm cơ sở nhân rộng nên hàng ngày, ông dành thời gian theo dõi, ghi chép, tìm hiểu quá trình sinh trưởng của đàn cá.

 Điều đáng mừng là ngay trong vụ nuôi đầu tiên ông đã thu được kết quả cao một cách bất ngờ so với nghề nuôi cá lóc lâu nay ông vẫn theo đuổi. Ông Vân cho biết: Năm 2010, do đang nuôi thử nên tôi chỉ giành 1 ao để thả 1.000 con. Sau 11 tháng thu được 630 kg cá thịt (bình quân 0,7kg/con) với giá bán 80.000 đồng/kg thu được trên 50 triệu đồng, trừ hết các chi phí đầu tư như tiền cá giống, thức ăn công nghiệp, công lao động, điện nước vẫn thu lãi được 32 triệu đồng. So với nuôi cá lóc trên cùng một đơn vị diện tích thì cá diêu hồng chỉ bỏ công chăm sóc bằng 1/20 nhưng lãi gấp 2 lần.

Bước sang năm 2011, được UBND thị xã Cửa Lò hỗ trợ tiền con giống nên ông Nguyễn Long Vân đã cùng 13 hộ khác trong phường triển khai nuôi trên tổng diện tích 1.750 m2 ao với 28.000 con cá giống. Riêng ông Nguyễn Long Vân mở rộng quy mô nuôi lên 150 m2 (3 ao) với 3.000 con cá diêu hồng giống. Theo quan sát của chúng tôi tại ao nuôi của gia đình ông thì đàn cá hiện đang phát triển tốt, chưa có biểu hiện dịch bệnh nào.

Ông Vân cho biết: Nguồn giống cá diêu hồng được đặt hàng từ Trung tâm Giống thuỷ sản nước ngọt TP Hồ Chí Minh. Cá giống được vận chuyển ra Nghệ An bằng đường hàng không nên rất an toàn. Nuôi cá diêu hồng trong ao xây chỉ nên duy trì mật độ 20 con/m2 thì tỷ lệ hao hụt đến cuối vụ sẽ không đáng kể.

Theo tính toán của ông, với 3.000 con cá giống thả trong ao hiện nay cho đến khi thu hoạch ông sẽ có khoảng 2.700 con cá thịt. Với trọng lượng bình quân sau 10 tháng nuôi ít nhất 0,7kg/con thì ông sẽ có 1,9 tấn cá thương phẩm. Tạm tính giá bán sỷ 80.000 đồng/kg ông Vân sẽ thu về khoảng 152 triệu đồng. Trừ đi tiền giống 7,5 triệu đồng, thức ăn hạt nổi hết 10.200.000 đồng (600kg); khấu hao tài sản cố định + tiền điện nước + tiền công lao động 10 tháng (2 triệu đồng/tháng) hết 23 triệu đồng. Lãi ròng trên 110 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Long Vân, nếu nuôi cá lóc, để môi trường sạch và giảm bệnh tật cho cá, người nuôi phải vệ sinh ao hàng ngày. Còn nuôi cá diêu hồng thì chỉ cần mỗi tháng 2 lần vệ sinh ao nuôi và thay nước một lần. Nuôi cá lóc, hàng ngày bà con phải ra chợ mua cá tạp về xay, băm nhỏ để cho cá ăn nên vào mùa mưa bão thường khan hiếm thức ăn cho cá lóc.

Trong khi đó nuôi cá diêu hồng chủ yếu cho ăn thức ăn hạt nổi công nghiệp nên các hộ nuôi luôn chủ động được nguồn thức ăn, không có thức ăn thừa trong ao, môi trường bể nuôi khá sạch sẽ. Ngoài thức ăn công nghiệp, bà con còn tận dụng thêm các loại rau muống, bèo tây để cho cá ăn dặm. Đặc biệt, nuôi cá diêu hồng tỷ lệ cá hao hụt, chết chỉ khoảng 10% (cá lóc hao hụt tới 50%) nên hiệu quả đạt kinh tế cao hơn rất nhiều so với nuôi cá lóc…

Vì thế, sau khi đã kiểm tra, đánh giá mô hình tại 14 hộ nuôi cá diêu hồng trong năm 2011, Hội Nông dân phường Nghi Hoà vận động các nông dân có điều kiện trong phường nhân rộng mô hình nuôi loại cá này ra diện rộng.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Hoà cho biết: UBND phường đang chỉ đạo Hội Nông dân phường và cán bộ các khối đến động viên các hộ trước đây tham gia mô hình nuôi cá lóc đen đã bỏ nghề tận dụng số ao nuôi hiện có chuyển sang nuôi cá diêu hồng. Chính quyền địa phương đang đề xuất các cấp ngành từ tỉnh đến thị xã tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiền con giống để bà con có điều kiện nhân rộng mô hình ra toàn phường.

Thành công của mô hình nuôi cá diêu hồng tại TX Cửa Lò đã mở ra hướng mới cho các hộ chuyên nuôi thuỷ sản nước ngọt tại nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Xem thêm
Người chăn gà du mục và ước mơ thay đổi hình ảnh nông dân Việt

Sáng đó sương dâng ngập trời Tân Sơn, tôi lên núi chăn gà du mục để nghe Đức kể về ước mơ thay đổi hình ảnh 'cổ cày, vai bừa' của nông dân Việt.

Cải tiến an toàn sinh học trước các rủi ro mới

Cải tiến an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc, Dự án hướng đến ngành chăn nuôi lợn an toàn, minh bạch và phát triển bền vững trước các rủi ro sinh học mới.

HTX vùng sâu Sơn La trồng xoài VietGAP xuất khẩu

Nhờ áp dụng kỹ thuật cho cây xoài 'leo đồi', sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều nhà nông ở vùng sâu Sơn La đã đổi đời

Hải Phòng tìm cách phát huy các 'mỏ vàng' nông nghiệp

Sở hữu tiềm năng lớn từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đến con người, nhưng phát triển sản xuất nông nghiệp Hải Phòng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Lan tỏa chuyển đổi số đến hợp tác xã lúa gạo ĐBSCL

CẦN THƠ Khóa đào tạo giảng viên nguồn về phần mềm quản lý sản xuất, kế toán và bán hàng cho HTX lúa ĐBSCL góp phần chuyển đổi số và phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Nuôi ốc bươu đen theo kiểu 'thuận thiên'

Trước khi tôi về, Nguyễn Văn Hạnh đặt vào tay túi ốc cùng nắm lá, gai bưởi rồi bảo: 'Anh luộc ăn để biết con ốc ở đây thân đầy và giòn thế nào'.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - tương lai du lịch xanh

HÀ TĨNH Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Vũ Quang, giai đoạn 2025 - 2030.

Bình luận mới nhất