Đa lợi ích
PGS. TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, chúng ta đã có nhiều chính sách ban hành về chiến lược nuôi biển. Do đó, bây giờ cần tập trung đầu tư vào công nghệ để ứng dụng vào nuôi biển. Do đi sau nhiều nước nên chúng ta không phải đi từ con "0", mà đi từ cái thế giới đã có bằng cách học tập, trao đổi kinh nghiệm từ những nước có nghề nuôi biển tiên tiến. Từ đó, chúng ta tiếp tục phát triển, cải tiến và áp dụng phù hợp cho Việt Nam.

Mô hình nuôi cá bớp bằng lồng HDPE ở vùng biển hở ở tỉnh Khánh Hòa mang lại hiệu quả vượt trội. Ảnh: KS.
Những năm qua, cùng với các tỉnh Nam Trung bộ thì tại một số địa phương như Quảng Ninh, Kiên Giang cũng đã bắt đầu triển khai để cộng đồng doanh nghiệp, người dân vươn ra biển bằng các cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư. Qua đó xây dựng mô hình nuôi biển tiên tiến.
Tại tỉnh Khánh hòa, mô hình đã được tổng kết giai đoạn đầu, đem lại hiệu quả rất tốt. Sau 1 năm triển khai, các mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở ở xã Cam Lập, TP Cam Ranh cũng đã lần lượt tiến hành thu hoạch. Chúng tôi đã tham quan các mô hình và chứng kiến những nụ cười hạnh phúc của bà con khi tôm cá nuôi nhanh lớn, ít dịch bệnh so với nuôi gần bờ.
Những hộ nuôi như ông Phan Văn Thành, ông Nguyễn Văn Cư (xã Cam Lập, TP Cam Ranh) thả nuôi cá bớp trong lồng tròn HDPE đường kính 13m, thể tích 800m3 có tỷ lệ sống đạt 97%. Cá sinh trưởng và phát triển tốt, màu sắc nâu sáng, rất khỏe mạnh.
Ông Phan Văn Thành cho biết, trước đây khi gia đình nuôi cá bớp ở vùng gần bờ với mật độ lồng bè dày đặc, nguồn nước lưu thông kém nên cá sinh trưởng và phát triển chậm, dễ dịch bệnh cũng như gây chết hàng loạt khi có mưa lũ làm ngọt hóa vùng nuôi.
Từ ngày ông chuyển ra nuôi ở vùng biển hở thì không còn lo ngại vấn đề trên. Lồng nuôi HDPE được thiết kế chắc chắn, chịu sóng gió tốt. Mặt khác, lồng nuôi rộng lớn, lại nuôi ở vùng biển hở có nước sâu, lưu thông tốt, sạch sẽ nên cá sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với nuôi gần bờ.
Mỗi lồng tròn nuôi cá có thể tích 800m3 được thả 2.000 con cá bớp, nhưng sản lượng thu hoạch ước đạt trên 10 tấn. Với giá cá bớp từ 160 - 170 ngàn đồng/kg, các hộ nuôi lãi khoảng 600 triệu đồng/lồng sau khi xuất bán.
Không chỉ nuôi cá bớp hiệu quả, các hộ nuôi tôm hùm xanh bằng bè HDPE gồm cụm 6 lồng, mỗi lồng 24m3, treo 2 tầng lồng (tức 12 lồng) tại vùng biển hở cũng cho kết quả tốt.

Cụm lồng vuông HDPE nuôi tôm hùm ở vùng biển hở thuộc xã Cam Lập, TP Cam Ranh. Ảnh: KS.
Mô hình này được lên ý tưởng, thiết kế và xây dựng quy trình cũng như các giải pháp kỹ thuật kèm theo do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III nghiên cứu đề xuất từ quá trình đi thực tế và nhu cầu cấp thiết ở các địa phương nuôi biển Nam Trung bộ. Mô hình nuôi tôm hùm 2 tầng lồng vừa tiết kiệm được diện tích mặt nước, vừa phù hợp với tập quán bao đời của người dân nuôi tôm hùm, năng suất, sản lượng không thấp hơn so với cách nuôi truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Thơ, một hộ nuôi tôm hùm xanh bằng lồng HDPE cho biết, hệ thống lồng nuôi này vững chắc nên yên tâm nuôi ở vùng biển hở. Nhờ nguồn nước thông thoáng, sạch sẽ, lồng nuôi thiết kế tiết kiệm diện tích mặt nước, nên tôm hùm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 76%. Tôm hùm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm được rút ngắn từ 1 - 2 tháng so với trước đây. Do đó, tiết kiệm nhiều chi phí thức ăn, tăng lợi nhuận.
Hiệu quả vượt trội
Vào giữa tháng 6/2024 UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ tổng kết mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại xã Cam Lập, tham dự có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, sau 1 năm triển khai, các lồng nuôi HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều thu hoạch và cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Cụ thể, mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 131%.
Ngoài ra, kết quả thí điểm của mô hình còn cho thấy, đây là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức sản xuất trong nuôi biển, gắn với bảo vệ môi trường nuôi; giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; làm đẹp cảnh quan, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái…

Người nuôi và cơ quan chức năng đánh giá mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích, cần nhân rộng. Ảnh: KS.
Với những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bày tỏ phấn khởi trước hiệu quả vượt trội của mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Mô hình không chỉ đảm bảo được tính bền vững trong quá trình nuôi biển, mà còn tiết kiệm được diện tích mặt nước và tạo điều kiện để ngư dân quản lý tốt vùng nuôi bằng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Khánh Hòa đã tiên phong và triển khai thành công thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở. Mô hình nuôi cá, tôm có tỷ lệ sống và phát triển tốt, sản lượng, năng suất cao hơn so với các hộ dân nuôi bằng lồng gỗ truyền thống.
Với hiệu quả mô hình thí điểm nuôi biển tiên tiến tại Khánh Hòa, để thúc đẩy nuôi biển hơn nữa, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản tập trung nghiên cứu về con giống và thức ăn dinh dưỡng; đồng thời mời doanh nghiệp đầu tư nhà máy thức ăn tại chỗ để giảm áp lực về môi trường và giá thành. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Sau thành công của mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở ở TP Cam Ranh, tháng 10/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2029, tỉnh nhân rộng khoảng 240 ha nuôi biển công nghệ cao, với tổng nguồn kinh phí hơn 545 tỷ đồng, để chuyển đổi lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi HDPE.
Với nhiều lợi thế về nuôi biển, tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Kế hoạch 126/KH-UBND về nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, Phú Yên mở rộng thêm vùng biển hở xa bờ hơn 6 hải lý thuộc vùng biển 4 huyện, thị xã ven biển; diện tích mặt nước nuôi biển 3.650 ha; sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn. Cùng với đó, sử dụng 100% hệ thống lồng, bè, nhà giàn nuôi có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão).
Tỉnh cũng chuyển đổi tối thiểu 50% lồng, bè nuôi truyền thống theo quy hoạch trong các đầm, vịnh sang lồng HDPE, sử dụng tối thiểu 30% thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm trên biển đến năm 2030. Cùng với các ngành kinh tế khác, tầm nhìn đến năm 2040, tỉnh Phú Yên phát triển ngành nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại và trở thành ngành hàng chủ lực.
PGS. TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Ngiên cứu Nuôi trồng thủy sản III: “Các tỉnh khu vực Nam Trung bộ nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai một số mô hình nuôi biển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Mô hình đã được nhiều người dân, doanh nghiệp tham quan học tập. Hy vọng trong thời gian tới, các mô hình tiên tiến này sẽ được áp dụng rộng rãi”.