Những năm gần đây, đời sống của người dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đang dần khởi sắc nhờ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây được coi là bước đệm quan trọng giúp người dân chuyển mình, từ sản xuất manh mún sang làm ăn bài bản, có hiệu quả.

Tập huấn kỹ thuật cải tạo đất và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Trần Hương.
Các khóa học đào tạo nghề được triển khai sát với thực tế như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, nhằm giúp nông dân dễ tiếp thu và áp dụng vào sản xuất hàng ngày. Chính quyền huyện Mường Ảng luôn chú trọng chất lượng hơn số lượng, đảm bảo người dân sau học nghề có thể ứng dụng hiệu quả để cải thiện kinh tế gia đình. Trước mỗi khóa học, cán bộ địa phương đều khảo sát nhu cầu cụ thể đến từng bản, từng hộ dân, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.
Những thay đổi rõ nét nhất chính là ở những hộ nông dân tiêu biểu như ông Lò Văn Bảy, xã Ẳng Cang. Từ chỗ chỉ làm ruộng, trồng ngô và thường xuyên gặp khó khăn, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi, ông đã chuyển sang nuôi bò thịt và dê. Nhờ nắm vững kỹ thuật và hiểu rõ nhu cầu thị trường, hiện ông Bảy có nguồn thu ổn định, cuộc sống cải thiện rõ rệt.
Không chỉ chăn nuôi từ kỹ thuật học được về trồng rau màu, ông đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, không chỉ giúp gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ mà còn tạo thêm việc làm cho bà con trong vùng.

Sau khóa đào tạo nhiều hộ nông dân huyện Mường Ảng tham gia mô hình nuôi gà thương phẩm. Ảnh: Trần Hương.
Để mở rộng hiệu quả sau đào tạo, huyện Mường Ảng còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân vay vốn đầu tư sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng cây giá trị cao và hướng đến sản xuất hàng hóa, thay vì tự cung tự cấp, đào tạo nghề không chỉ giúp người dân có thêm kỹ năng mà còn nâng cao nhận thức, tự tin làm chủ kinh tế gia đình. Đây là hướng đi bền vững cho một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Mường Ảng.
Trung bình mỗi năm, huyện tổ chức hơn 10 lớp đào tạo với nội dung thiết thực như kỹ thuật nuôi lợn, phòng trị bệnh, trồng rau an toàn. Đặc biệt, mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai đầu tiên tại bản Giảng, xã Ẳng Cang đã mang lại hiệu ứng tích cực. Các hộ gia đình giờ đây thu từ 20 đến 50 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng rau vụ đông. Mô hình đã được nhân rộng ra toàn huyện, góp phần thay đổi tư duy sản xuất và nâng mức thu nhập cho người dân.

Mô hình nuôi bò của ông Lò Văn Bảy, nông dân xã Ẳng Cang đêm lại thu nhập cao cho gia đình. Ảnh: Trần Hương.
Chị Lò Thị Đoán, bản Co Hón, xã Xuân Lao cho biết: Từ lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn, gia đình chị đã có thể canh tác hiệu quả trên 700m² đất, mỗi tháng có thêm 2,5 triệu đồng. Không chỉ vậy, việc học nghề còn giúp người dân hiểu rõ hơn về bảo vệ sức khỏe, sử dụng giống rau phù hợp mùa vụ để đạt năng suất cao. Tương tự, chị Lò Thị Vui, bản Cang, xã Ẳng Nưa, sau khóa học kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho lợn, đã biết cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, thực hiện tiêm phòng đúng lịch, nhờ đó đàn lợn phát triển tốt, cho thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm.
Nhờ chính sách đào tạo sát thực tiễn, cộng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nỗ lực từ phía người dân, nhiều nông dân Mường Ảng đã từng bước hiện thực hóa ước mơ làm giàu, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.