Cuộc sống của người dân vùng cao khó khăn và thiếu thốn trăm bề, lo cho cái ăn đã mướt mồ hôi huống chi còn lo cho con học chữ? Không học thì như người đi đêm, con đường tới trường chẳng khác gì con đường lên nương trèo đèo lội suối. Học sinh đã khổ, những người thầy lại càng khổ hơn. Họ nhọc nhằn gánh những con chữ lên non trên những con đường thăm thẳm dốc dựng...
Lớp học vùng cao Nậm Sỏ (Tân Uyên, Lai Châu).
Kỳ I: Gian nan giáo viên cắm bản
Chiều thứ Sáu, con bé Hiền 6 tuổi đang học lớp một cứ tha thẩn ngoài ngõ một lúc lại hỏi chị tôi: Bà ơi, mẹ Hằng cháu bao giờ về? Chị tôi gắt: Mẹ mày còn họp hội đồng, lát nữa mới về… Nó giậm chân xuống đất, nước mắt giàn giụa: Mẹ cháu sao lâu về thế? Chị tôi lại bỏ việc đấy bế nó dỗ dành, một lúc sau nó mới nguôi, nhưng mắt vẫn nhìn ra cổng ngóng mẹ.
Hà Thị Hằng gọi tôi bằng cậu, nó tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Điện Biên năm 2008 được điều về dạy ở điểm trường bản Nà Bè, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) cách nhà gần 20 cây số, sáng đi chiều mới về, thành thử con bé Hiền suốt ngày ở với bà ngoại, chỉ đêm mới về ngủ với bố mẹ.
Năm nay Hằng được điều lên dạy ở điểm trường Nậm Pha, cách nhà chừng 30 cây số phải vượt suối Nậm Mu và đi bộ ngót ba giờ nữa mới tới nơi, nên cả tuần phải ở trên đó, thứ Bảy mới được về. Nếu kể cả hai năm đi học, như vậy là 4 năm nay con bé Hiền ở với bà ngoại, mặc dù vậy nhưng nó vẫn thèm được nằm với mẹ. Hôm cái Hằng được điều lên Nậm Pha, nó điện cho tôi: Cậu ạ, cháu bỏ nghề dạy học về làm ruộng thôi, con cháu còn nhỏ quá, năm nay lại vào học lớp một chẳng ai dạy bảo cháu lo lắm... Các cháu mẫu giáo trường Dế Xu Phình (Mù Cang Chải, Yên Bái).
Mùa đông gió thổi thông thốc, các cô nhặt những tấm tranh lợp nhà cũ của bà con bỏ đi buộc vào để che bớt gió, nhưng cũng không ngăn được những cơn gió lạnh mùa đông như cắt da cắt thịt, thế là các cô phải bỏ tiền lương mua vải bạt che. Năm học 2009-2010, cô giáo Hường lại được điều lên điểm trường Nậm Cung 1, cách điểm trường cũ mấy cấy số. Trường lớp và nơi ở cũng chẳng hơn gì.
Mọi người trong nhà đều khuyên nó vừa mới ra trường, những năm đầu ai chả phải đi dạy xa, việc phân công dù có khuất tất đi chăng nữa, nhưng chẳng ai để mình dạy ở đó cả đời được, một hai năm là họ phải luân chuyển thôi. Mấy năm đi học tốn kém bao nhiều tiền của, nay khó khăn lại bỏ nghề thành ra công cốc hay sao? Nói mãi nó mới nghe. Nó bảo: Nhưng mà cậu ơi, đường sá là vậy còn chỗ ở thì cũng chẳng ra gì, phòng cháu ở được ngăn ra từ một gian của lớp học, hai người nằm chung cái giường một, bàn soạn bài kê ngay ở cạnh giường, chật không xoay được. Lại chẳng có điện và ti vi nên cả tuần chúng cháu ở trên núi, mù tịt mọi thứ trên đời. Cháu dạy lớp ghép nên buổi sáng lên lớp, buổi chiều phụ đạo cho những em học kém, nhiều em phải đến tận nhà, con cháu cũng chưa được cháu dạy như thế. Vậy mà nhiều người còn bảo: Cô giáo ơi, học nhiều cái chữ cũng thế thôi, ở trên này đều đi làm nương, trồng thảo quả như nhau mà… Nghe họ nói thế nhiều khi bực lắm, thực tế ở vùng cao trẻ em cũng làm được rất nhiều việc: Thả trâu, lấy củi, hái rau, măng… phụ giúp gia đình. Nay thấy con mình sáng lên lớp, chiều lên lớp chẳng làm được việc gì thì họ kêu ca là phải. Nhưng kệ họ, việc mình mình làm, cốt cho con em họ biết chữ. Cũng có gia đình thấy chúng cháu vất vả với con em họ, khi thì họ mang tới cho bó rau, quả bí… Bởi ở đây không có chợ, chúng cháu mua cá khô ăn cả tuần, rau thì hái ở rừng, hôm nào mưa thì chỉ có cá khô hoặc muối giằm ớt. Dạy học ở vùng cao quà của bà con chỉ có thế thôi, vậy cũng là quí lắm rồi…
Cách nay mấy năm, tôi lên điểm trường thôn Tả Dì Thàng, Trường tiểu học Ý Tý (Bát Xát, Lào Cai) điểm trường ở đây chỉ có 4 lớp do hai cô giáo Đinh Thị Hạnh và Đào Thị Nguyệt dạy. Trường dựng chênh vênh trên một mỏm đồi, đất ở đây dốc quá nên xung quanh trường phải dựng những phiến đá mỏng làm hàng rào để các em khỏi lăn xuống dốc. Học sinh vùng cao sau giờ lên lớp.
Thôn có 4 lớp học nhưng chỉ có 3 nhà, một ngôi nhà nửa sàn nửa đất tường trình, nửa trên để các cô giáo ở, nửa dưới dạy học. Còn hai ngôi nhà kia thì làm bằng cột gỗ chôn xuống đất, vách ken bằng cây rừng thưa huếch hoác, mái lợp cỏ. Một ngôi nhà có lẽ mới dựng nên dui mè và cỏ lợp nhà còn tươi rủ lùa thùa xuống sát đầu. Cô Hạnh tốt nghiệp trung học sư phạm Lào Cai hệ 12+2 năm 2001, chồng cô là Vũ Thanh Vân ra trường trước vợ hai năm, quê Nam Định, dạy ở thôn bên, họ đã có một cháu trai 2 tuổi, nhưng ở đây mùa đông rét quá, nhiều hôm nhiệt độ xuống tới 0 độ C và có mưa tuyết, vả lại chưa có chỗ ở, hai vợ chồng chỉ có một cái giường con ghép thêm một mảnh ván nên họ phải gửi con xuống chỗ ông bà nội đang sống ở thị trấn Bát Xát trông giùm. Mỗi tháng vợ chồng thay nhau về thăm con một lần, sáng thứ Bảy xuống thì trưa Chủ nhật đã phải ngược lên. Cũng có khi hai tháng họ mới về một lần, nhớ thằng bé lắm nhưng không thể về được, bởi mùa này bọn trẻ ở đây thường nghỉ học đi nương hoặc lấy củi sưởi mùa đông. Thế là các cô lại phải tranh thủ đến tận nhà dạy cho các em vào buổi tối. Nhà của người Hà Nhì trình tường chỉ có một cửa ra vào để giữ nhiệt mùa đông nên ngày cũng như đêm, mùa đông cũng như mùa hạ lúc nào cũng tối, cô và trò chụm đầu bên bếp lửa dạy cho nhau từng chữ. Những năm trước họ chỉ cho con trai đến trường còn con gái thì phải ở nhà làm việc, với cái lý rất đơn giản “Mai kia lấy chồng thì cái chữ cũng bỏ quên trên ruộng trên nương thôi…”.
Hết thuyết phục rồi lại vận động bà con mới cho trẻ em gái đến trường. Lớp hai của cô Hạnh chỉ có 19 học sinh nhưng vì các em chưa thạo tiếng Kinh nên cô vừa phải dịch ra tiếng Hà Nhì, tiếng nào cô không nói được phải hỏi các em. Cứ thế cô dạy trò, trò dạy cô, học được một bài vất vả như người leo dốc.
Hường bảo tôi: Với cơ sở vật chất như thế khó mà đẩy chất lượng dạy và học khá lên được. Mùa đông ở trên núi lạnh lắm, nhiều em gia đình nghèo quá chẳng có tiền mua áo ấm và dày dép, nhìn các em ngồi trong lớp học phong phanh tấm áo, chân lại đi đất run cầm cập, những em học lớp hai, lớp ba đã đành, các cháu mẫu giáo ba, bốn tuổi mới càng tội nghiệp, ngồi trong lớp chân cháu nào cũng tím tái vì rét. Học trong môi trường như thế các em khó có thể tiếp thu hết kiến thức cô giáo truyền đạt. Ấy thế mà các em vẫn đến trường, thương lắm…
Hai cặp vợ chồng chia căn nhà làm 2 nhưng chỉ có một cửa ra vào, gian buồng vợ chồng cô giáo Hạnh ở, gian ngoài vừa là gian tiếp khách đồng thời là gian vợ chồng cô giáo Nguyệt ở. Phòng giáo dục vừa điều thêm một giáo viên mới lên, chưa có nhà thế là họ kê thêm một chiếc giường nhỏ phía ngoài gần giáp với cửa ra vào. Tôi hỏi: “Ở như thế này chật và có vẻ bất tiện quá phải không?” Nguyệt cười: Chỗ bọn em ở đây còn khá, nhiều điểm trường ở các xã vùng cao khác còn khổ hơn, thiếu thốn nhiều thứ lắm, nhưng biết làm sao được ở mãi rồi cũng quen thôi mà…
Mới đây tôi lại lên thôn Tả Dì Thàng, hôm ấy là chủ nhật các em được nghỉ học, lớp học được dựng lại khá hơn nhưng chỗ ở của các thầy cô giáo thì vẫn thế. Chẳng có ai ở nhà, nên tôi chẳng biết hai cô giáo Đinh Thị Hạnh và Đào Thị Nguyệt và thầy Vũ Thanh Vân có còn dạy ở đây hay được chuyển xuống vùng thấp rồi. Nếu còn dạy ở đây, tôi đoán các thầy cô giáo ra chợ mua thức ăn cho cả tuần hoặc tranh thủ về thăm con.
Cô giáo Hà Thị Hường năm ngoái dạy ở điểm bản Nậm Cung, Trường tiểu học Phiêng Hào, xã Mường Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) mới đầu không có chỗ ở phải ở tạm nhà dân. Tháng 9 là mùa giáp hạt, lúa nương chưa gặt và lúa ruộng cũng chưa thu hoạch, mỗi tuần cô giáo mang được mấy cân gạo lên, cả gia đình chỉ nấu vài bữa là hết, cả tuần còn lại ăn sắn cùng gia đình ruột xót như bào. Nhiều buổi lên lớp mệt đến nỗi không nhấc nổi chân về nhà. Sau mấy tháng bà con ngăn lớp học thành một phòng cho hai cô giáo ở, là nhà dựng tạm, nên phên vách trống huếch trống hoác, ngày mưa nước hắt qua phên vách, trong nhà ướt như ngoài sân. Mùa đông gió thổi thông thốc, các cô nhặt những tấm tranh lợp nhà cũ của bà con bỏ đi buộc vào để che bớt gió, nhưng cũng không ngăn được những cơn gió lạnh mùa đông như cắt da cắt thịt, thế là các cô phải bỏ tiền lương mua vải bạt che. Năm học 2009-2010, cô giáo Hường lại được điều lên điểm trường Nậm Cung 1, cách điểm trường cũ mấy cấy số. Trường lớp và nơi ở cũng chẳng hơn gì.