Những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV), trong 10 năm gần đây, vùng Duyên hải Nam Trung bộ đã chứng kiến tác động rõ nét của biến đổi khí hậu cực đoan. Tình trạng nắng nóng, hạn hán, mưa lũ ngày càng diễn biến bất thường, mùa khô thường xuất hiện các cơn mưa lớn với cường độ mạnh.
“Những năm qua, nhiệt độ trung bình trong mùa khô cao hơn so với thời gian trước. Trong mùa mưa yếu tố nhiệt độ cũng thay đổi, đặc biệt năm nay mùa đông kéo dài hơn mọi năm. Nhiệt độ bất thường là điều kiện để các đối tượng dịch hại mới xuất hiện gây hại, sức chống chịu của cây trồng sẽ giảm sút”, TS Khuê chia sẻ.

BĐR57 - giống lúa chất lượng, chống chịu tốt sâu bệnh và nắng nóng do ASISOV chọn tạo. Ảnh: V.Đ.T.
Cũng theo TS Khuê, trước đây lượng mưa trung bình của cả vùng Duyên hải Nam Trung bộ khoảng 2.000mm/năm, trong đó tập trung trong mùa mưa khoảng từ 1.500 - 1.700mm nhưng rải đều trong 3 tháng. Nhưng nay cũng lượng mưa ấy nhưng mưa chỉ tập trung vào 1 tháng nên gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Mưa lũ không còn theo quy luật như trước mà thường xuất hiện muộn, dẫn tới nhiều vụ đông xuân phải gieo sạ 2 - 3 lần giống.
Trước những biến đổi bất lợi kể trên, những năm qua, ASISOV tập trung vào nghiên cứu giống cây trồng và một số biện pháp canh tác phù hợp với tác động tiêu cực của khí hậu, thời tiết.
Về giống lúa, để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ASISOV chọn tạo ra các giống lúa có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày, vụ đông xuân có những giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, vụ hè thu dưới 100 ngày.
Để phục vụ cho sản xuất vụ hè thu, các nhà khoa học của ASISOV tập trung chọn tạo các giống có sức chống chịu nắng nóng tốt, kháng mạnh bệnh thối thân thối bẹ. Trong vụ đông xuân, với điều kiện nhiệt độ hay thay đổi bất thường như hiện nay, Viện tập trung chọn tạo các giống lúa kháng mạnh bệnh đạo ôn. Bên cạnh đó, các giống được chọn tạo đều có tiềm năng năng suất cao.

BĐR999 - giống lúa chế biến đang được nông dân Bình Định đánh giá cao. Ảnh: V.Đ.T.
“Những năm qua, Viện đã chọn tạo ra các giống lúa có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu như ANS1, BĐR57, BĐR36. Đây là những giống thuộc phân khúc lúa chất lượng và giống BĐR999 thuộc phân khúc chế biến, dùng để sản xuất bún, bánh. Các giống này ngoài khả năng thích ứng với thời tiết, còn phù hợp với nhu cầu thị trường”, TS Khuê chia sẻ.
Các giống đậu đỗ biến bất lợi thành lợi thế
Bên cạnh các giống lúa, những năm qua, ASISOV cũng chú trọng nghiên cứu, chọn tạo những giống đậu đỗ có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trong đó có những giống lạc mới đang được sản xuất diện rộng, mang lại hiệu quả cao.
“Trước đây, Viện đã chọn tạo được giống lạc LDH01, nay Viện vừa nghiên cứu, chọn tạo thêm giống lạc LDH09 và mới đây nhất là giống LDH99. Đây là những giống có khả năng chống chịu cao với khí hậu khắc nghiệt. Hiện nay, nông dân vùng ven biển xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định) sản xuất phủ kín giống lạc LDH09. Giống này có thể sản xuất quanh năm, cả vụ đông xuân, xuân hè, hè thu và thu đông. Giống lạc LDH99 rất chịu thâm canh”, TS Vũ Văn Khuê cho biết.

Nông dân vùng ven biển xã Cát Hải (huyện Phù Cát) sản xuất phủ kín giống lạc LDH09. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Lương Văn Khoa, Phó Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phù Cát, trong vụ đông xuân, nông dân Phù Cát thường xuyên duy trì trồng hơn 4.000ha lạc, trong đó có hơn 3.000ha trồng thuần lạc và gần 1.000ha trồng xen canh với mì (sắn). Năng suất lạc bình quân đạt 43 tạ/ha, giá trị thu nhập của cây lạc trồng trên đất cát cao hơn so với cây lúa hơn 55 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, do biến đổi khí hậu nên một số vùng đất lúa hoặc đất màu ở vùng Nam Trung bộ thường thiếu nước tưới trong vụ hè thu, sản xuất kém hiệu quả, nhiều địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng.
Để phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ASISOV cũng đã chủ động chọn tạo những giống đậu đỗ phù hợp với chân đất cần chuyển đổi, trong đó có giống đậu xanh ĐXBĐ07. Giống đậu xanh ĐXBĐ07 có thời gian sinh trưởng ngắn, chín tập trung, hạn chế được rủi ro trên đồng ruộng, lại thuận lợi cho việc cơ giới hóa khâu thu hoạch. Bên cạnh đó, Viện cũng đã chọn tạo được giống mè (vừng) BĐ01 để phục vụ cho chân đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang cây màu...
"Những giống đậu đỗ kể trên có khả năng chịu hạn tốt, chín tập trung, đó là những yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS Vũ Văn Khuê chia sẻ.
Song song với công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, ASISOV còn nghiên cứu các biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với sản xuất lúa, thời gian qua, Viện tập trung vào biện pháp canh tác giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng thích ứng với thời tiết bất thuận và tăng hiệu quả kinh tế.

Canh tác lạc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm cho năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Đ.T.
ASISOV chuyển giao đến nông dân giải pháp giảm mật độ sạ để giảm lượng giống nhằm làm giảm chi phí đầu vào, giúp cây lúa sinh trưởng khỏe hơn. Khi cây lúa sinh trưởng khỏe, nông dân giảm được lượng phân bón và thuốc BVTV. Tiếp đến là giảm lượng nước tưới thông qua biện pháp tưới tiết kiệm, giảm phiên tưới vào những thời điểm cây lúa không cần nước để giảm phát thải khí nhà kính.
“Bón phân cân đối, hợp lý hoặc tăng cường bón phân hữu cơ và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng góp phần vào quy trình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong canh tác lạc, Viện khuyến cáo nông dân vùng Nam Trung bộ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun mưa thay cho tưới tràn như trước đây, mang lại hiệu quả cao.
Yếu tố giống, biện pháp tưới và bón phân cân đối là 'bộ ba' mang lại hiệu quả cao cho sản xuất lạc trong thời gian qua. Năng suất bình quân cây lạc ở Bình Định hiện đạt 36 - 37 tạ/ha, cao nhất nước”, TS Khuê cho hay.
Cũng theo TS Khuê, thời gian tới, ASISOV sẽ tập trung nghiên cứu, tích hợp thêm vào các giống cũ các yếu tố chống chịu với biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại và hạn mặn với mức độ cao hơn.

Năng suất lạc trồng ở huyện Phù Cát đạt 43 tạ/ha, thu nhập cao hơn 55 triệu đồng/ha so với cây lúa. Ảnh: V.Đ.T.
Để thích ứng với giai đoạn mới, trong giải pháp canh tác, ASISOV sẽ tập trung về yếu tố sức khỏe của đất và đa dạng hệ sinh thái nông nghiệp. Bởi trước đây, ngành nông nghiệp đã khai thác tối đa năng suất bằng giải pháp hóa học, cộng với tác động của biến đổi khí hậu nên nay sức khỏe đất đã suy giảm trầm trọng. Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất đã dẫn tới kết cấu đất bị chai cứng, đất bị nhiễm kim loại nặng và tồn dư các hóa chất nông nghiệp.
“Đã đến lúc sức khỏe của đất phải cần được bảo vệ thông qua biện pháp canh tác. Nếu sức khỏe của đất tốt, các vi sinh vật có lợi trong đất sẽ sinh sôi nhiều hơn, lấn át vi sinh vật có hại. Sức khỏe đất sẽ tốt hơn nếu đa dạng hóa cây trồng theo kiểu luân canh, xen canh, canh tác theo hướng hữu cơ thay vì độc canh như trước đây", TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV khuyến cáo.