Tăng lương vẫn thiếu bạn thuyền
Ông Nguyễn Bình, ngư dân tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng hiện đang sở hữu hai tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Những năm trước, trung bình mỗi chuyến vươn khơi, ông cần từ 12 đến 15 lao động để đảm bảo vận hành hiệu quả. Nhờ đó, mỗi tháng, tàu ông có thể ra khơi từ 2 đến 3 chuyến, mang lại nguồn thu ổn định cho cả chủ tàu lẫn bạn thuyền.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu hụt lao động đi biển đã khiến hoạt động khai thác thủy sản của gia đình ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Lúc trước chỉ cần gọi một vài ngày là có đủ anh em xuống tàu, giờ thì tìm đỏ mắt vẫn không thấy người đi biển. Tàu vẫn bảo dưỡng đều, ngư cụ, nhiên liệu đã sẵn sàng, nhưng thiếu người là phải nằm bờ thôi”, ông Bình chia sẻ.

Lực lượng lao động đi biển tại Đà Nẵng ngày càng khan hiếm. Ảnh: Lan Anh.
Không riêng gì tàu của ông Bình, nhiều tàu cá tại quận Sơn Trà, đặc biệt là khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cũng đang trong tình trạng tương tự. Tàu neo đậu dài ngày, không thể ra khơi vì không tìm đủ bạn thuyền.
Ông Đặng Thành Vĩnh, chủ tàu cá mang số hiệu DNA-91252, trú tại phường Nại Hiên Đông, cũng đang thấp thỏm vì chưa thể hoàn tất công tác chuẩn bị nhân lực cho chuyến biển sắp tới. “Theo kế hoạch, ngày mai tàu tôi sẽ xuất phát ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt hải sản, nhưng tới giờ vẫn còn thiếu bạn thuyền. Mọi thứ đã chuẩn bị xong từ dầu, đá đến lương thực, chỉ còn thiếu người là chưa thể đi được”, ông Vĩnh nói.
Ông cho biết, chuyến đi này ông cần ít nhất 6 bạn thuyền. Trước đó, ông đã thỏa thuận trả công 500.000 đồng/ngày, nhưng khi lên tàu, một số người lại yêu cầu nâng mức lương lên 650.000 đồng/ngày.
“Chi phí cho mỗi chuyến biển đã rất lớn, từ nhiên liệu, lương thực đến vật tư đều tăng, trong khi sản lượng và giá hải sản lại không ổn định. Nếu trả mức công quá cao, lợi nhuận gần như không còn. Nhưng nếu không chấp nhận yêu cầu của bạn thuyền, tàu sẽ phải tiếp tục nằm bờ. Chúng tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, thực sự rất khó xử”, ông Vĩnh ngậm ngùi.
Ảnh hưởng đến chống khai thác IUU
Đến nay tổng số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên trên địa bàn thành phố là 1.538 tàu cá, trong đó, tàu cá ven bờ có 732 chiếc (chiếm 48%); tàu cá vùng lộng có 209 chiếc (chiếm 13%); tàu cá vùng khơi có 597 chiếc (chiếm 39%).

Thiếu lao động đi biển gây khó khăn đối với việc phát triển khai thác thủy sản của Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh.
Theo Chi cục Biển đảo và Thủy sản thành phố Đà Nẵng, do thu nhập từ nghề biển thấp, không ổn định, nghề mang tính chất rủi ro cao nên lực lượng lao động đi biển tại địa phương ngày càng khan hiếm. Đây là vấn đề rất khó khăn đối với việc phát triển khai thác thủy sản.
Việc thiếu lao động nghề cá cũng là một trong những rào cản, ảnh hưởng đến công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Mặc dù các đơn vị, địa phương đã tập trung nguồn lực hỗ trợ từng chủ tàu về thủ tục, hồ sơ, vay vốn để thực hiện cấp đầy đủ các giấy tờ theo quy định, tuy nhiên đến nay vẫn còn 55 tàu cá đã đăng ký không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản.
"Thời gian qua, có nhiều trường hợp do khó khăn về tìm kiếm lao động nên chủ tàu phải tạm dừng hoạt động dẫn đến chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, gia hạn đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản... gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về quản lý tàu cá, chống khai thác IUU", ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết.

Tàu cá neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: Lan Anh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tìm kiếm lao động trên tàu cá, thời gian qua Trung ương và thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực khai thác, tăng thu nhập và đảm bảo an toàn trên biển.
Các chính sách bao gồm: hỗ trợ đóng mới tàu cá, chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu và thuyền viên; hỗ trợ công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm; thiết bị thông tin, giám sát hành trình; hỗ trợ rủi ro do tai nạn, sự cố và hỗ trợ chuyển đổi nghề, giảm tàu khai thác ven bờ.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Biển đảo và Thủy sản phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ thủy sản. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách chuyển đổi nghề khai thác, giảm tàu cá vùng lộng và ven bờ, khuyến khích lao động chuyển sang khai thác vùng khơi. Chi cục cũng rà soát việc thực hiện Nghị quyết 255/2019/NQ-HĐND và đề xuất mở rộng chính sách, tăng số tàu và ngư dân được thụ hưởng.